Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vẹn nguyên những bài học về sử dụng hiền tài của Bác

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2023) cũng là dịp để mỗi chúng ta tiếp tục thực hiện thật tốt việc 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh', trong đó có công tác cán bộ.

Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đến khi trên cương vị Chủ tịch nước và cả trong Di chúc mà Người để lại - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ.

Trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã có một văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức”, đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ra ngày 20/11/1946. Người nêu bối cảnh và lý do ra văn bản này một cách ngắn gọn: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: “Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Đáng chú ý, trước khi ra văn bản “Tìm người tài đức” đăng Báo Cứu quốc, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng vừa được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra trước đó thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với mong muốn mời thêm “nhiều nhân sĩ tham gia Chính phủ, đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”.

Với sự cải tổ này, Chính phủ lâm thời đã quy tụ được sức mạnh các tầng lớp, giai cấp khác nhau cùng lo việc nước.

Từ sự trọng thị của Bác Hồ, nhiều nhà nho, nhân sĩ tài năng, uy tín trong xã hội như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Võ Liêm Sơn..., các vị quan chức cấp cao của triều đình nhà Nguyễn như Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Phan Kế Toại đến các trí thức tài giỏi như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Luật sư Phan Anh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng…, đều đã “xuất thân” giúp nước như lời Bác Hồ kêu gọi mà đến nay tên tuổi của họ sống mãi với non sông.

Người diễn đạt về tầm quan trọng của công tác cán bộ chỉ trong mấy chữ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”.

Là đảng cầm quyền, suốt chiều dài lịch sử cũng như từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” vì mục tiêu chọn, tuyển được những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị, chính quyền, điều này đã tạo ra được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để công tác cán bộ đáp ứng được những tiêu chuẩn mới; để mỗi cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của đất nước, bên cạnh các cơ chế, chính sách về sử dụng người tài, tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (Khóa XIII) ngày 17/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc "có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Chúng ta tin tưởng, tới đây sẽ có những đột phá mới về công tác cán bộ và sử dụng nhân tài.

L.H

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-niem-133-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-ven-nguyen-nhung-bai-hoc-ve-su-dung-hien-tai-cua-bac-156004.html