Kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mới đây cùng khẳng định, quan hệ giữa ba nước đang bước vào kỷ nguyên mới kèm theo những cam kết tăng cường nỗ lực xử lý các thách thức an ninh chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bên trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp tại Trại David, Mỹ vừa qua. Ảnh: Reuters

Những ngày qua, dư âm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tại Trại David (Maryland, Mỹ) vẫn là chủ đề tốn nhiều “giấy mực” của truyền thông quốc tế. Nổi bật nhất trong sự kiện này, ba nhà lãnh đạo đề cập trực tiếp đến các mối đe dọa đối với ba nước, đồng thời cam kết hành động thống nhất để đối phó và quan hệ đối tác ba bên đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bình luận từ giới chuyên gia, hội nghị thượng đỉnh vừa qua thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế bởi những kết quả được đánh giá là mang tính lịch sử. Trong đó, nhiều cơ hội và lời hứa hẹn được cho là mang lại lợi ích lớn cho Hàn Quốc và Nhật Bản, thể hiện rõ nét ở việc nâng cao khả năng răn đe mạnh mẽ hơn cho hai quốc gia này trước các mối đe dọa đang nhức nhối lâu nay. Song, đi kèm với lợi ích, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn về địa chính trị và thách thức ngoại giao.

Một điểm nhấn quan trọng trong thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu với sự tham gia của hai đồng minh châu Á là liên quan đến phản ứng thống nhất đối với thách thức an ninh trong khu vực. Giới chuyên gia nêu ví dụ, khi có phản ứng thống nhất giữa ba nước về vấn đề bảo mật công nghệ, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, một số chuyên gia chỉ ra rằng, trong nhiều năm qua, sự thống nhất trong bộ ba đồng minh này chưa thể đạt được được như hiện nay, bởi Hàn Quốc sẽ phải đặt cược quá lớn vào Mỹ và Nhật Bản, điều này rất có thể phản tác dụng khi gây ra thiệt hại cho “xứ sở kim chi”.

Chuyên gia Chung Jae-hung của Viện Sejong (Hàn Quốc) nhìn nhận, các lợi ích mà Hàn Quốc đạt được trong thỏa thuận này chắc chắn là không miễn phí. Hàn Quốc phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị lớn hơn. Ông Chung dẫn ví dụ, các hành động đáp trả việc triển khai tại Hàn Quốc hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ phát triển có thể gây thiệt hại ngoại giao rất lớn cho Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro về việc bị bỏ lại một mình để gánh chịu mọi thiệt hại mà không có sự hỗ trợ của hai đồng mình.

Một trong những thông điệp được lặp lại nhiều lần trong tuyên bố chung của ba nhà lãnh đạo là tăng cường đoàn kết. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, thực chất mối quan hệ ba bên chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi và vẫn dễ bị tổn thương. Cốt lõi nhất trong liên minh ba nước là quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản. Trong khi đó, hai quốc gia này tồn tại bất đồng lịch sử sâu sắc khiến việc thắt chặt quan hệ là điều bất khả thi về mặt chính trị vào thời điểm hiện tại.

Liên minh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không chặt chẽ chính là rủi ro rất lớn đối với quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn. Giới chuyên gia cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện chưa tìm thấy biện pháp thích đáng nào để giải quyết các vấn đề ngoại giao và tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài, thậm chí còn được dự báo sẽ leo thang trong thời gian tới.

Ở góc độ tích cực, giới chuyên gia tin rằng, những vấn đề phức tạp ẩn sâu trong mối quan hệ đồng minh này chắc chắn sẽ không thể nhờ một vài động thái đơn lẻ mà có thể giải quyết được. Như mong muốn của Tổng thống Hàn Quốc vừa qua về việc tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2024, ba nước sẽ tiếp tục cần thêm những bước tiến nữa để hiện thực hóa những kỳ vọng của một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-nguyen-moi-trong-quan-he-my-nhat-han-post465297.html