Kỷ nguyên 'không xấu hổ' của chính trường Mỹ

'Sự hổ thẹn từng đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Mỹ. Song, điều này không còn đúng ở hiện tại', bà Tamara Keith, phóng viên Nhà Trắng của NPR nhận định.

Hạ nghị sĩ George Santos đang trở thành hiện thân cho sự thay đổi của thời thế trên chính trường Mỹ. Vào ngày tổng thống Mỹ đọc phát biểu liên bang hôm 7/2, tân hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ New York - người đang dính bê bối khai gian lý lịch - đã tìm cho mình một vị trí gần trung tâm để dễ lọt vào máy quay.

Đó cũng là lúc mọi người có thể nhận thấy sự xuất hiện của Thượng nghị sĩ Mitt Romney - chính trị gia đảng Cộng hòa cổ điển đến từ bang Utah. Ông Romney đã ghé vào tai Santos và nói đôi lời.

"Nếu biết xấu hổ thì anh không nên ở đây" - ông Romney tiết lộ với báo giới sau đó về lời của mình với người đồng nghiệp.

Ông George Santos tại Điện Capitol hôm 7/2. Ảnh: AP/Bloomberg.

Bê bối của Hạ nghị sĩ Santos đang đẩy sự phẫn nộ của lưỡng đảng lên đỉnh điểm. Đồng thời, bê bối này còn khiến ông phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức từ chính các đảng viên Cộng hòa, theo Guardian.

Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra về vấn đề đạo đức, ông Santos vẫn bất chấp và cự tuyệt lời kêu gọi từ chức.

Thượng nghị sĩ Jack Martins của bang New York gần đây đã không thể kiềm chế được sự phẫn nộ trong một cuộc họp báo. Ông cho rằng "chúng ta dường như không có được một người không biết xấu hổ để làm điều đúng đắn".

Cựu Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ Vermont, ông Patrick Leahy, cho rằng sự việc này chưa có tiền lệ. Sự bám trụ của ông Santos là "sản phẩm" của thời đại, ông Leahy nhấn mạnh, "dù đảng Cộng hòa hay Dân chủ, chính đảng của ông ấy đã lên tiếng rằng ông nên từ chức". Ông Leahy cũng đem trường hợp của cựu Tổng thống Richard Nixon làm ví dụ của việc từ chức trước khi bị luận tội.

Tuy nhiên, nền chính trị Mỹ đang bước qua một kỷ nguyên "không liêm sỉ".

Đây là thời điểm thích hợp để một chính trị gia bỏ qua thể diện, sẵn sàng đối mặt với sự lên án của công chúng cùng sự bám đuổi ngày đêm của phóng viên. Điều này giúp họ "sống sót" qua các vụ bê bối dễ dàng hơn trước đây, theo NPR nhận định.

Bê bối...

Cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Anthony Weiner - hiện là người dẫn chương trình phát thanh địa phương - đang theo dõi kỹ lưỡng vụ bê bối của ông Santos.

"Chúng ta dường như đang ở trong phiên bản tầm cỡ quốc gia của trò chơi 'Top this' - tức là nếu muốn 'lọt bảng vàng' xấu hổ thì bạn thậm chí cần làm những điều hổ thẹn vượt ngưỡng 10 năm trước", ông Weiner chua chát.

Có lẽ ông Weiner là người hiểu điều đó hơn ai hết. Hơn 10 năm trước, chính ông đã tweet ảnh cận của bản thân với chiếc quần lót. Ông đã nói dối về sự việc nhiều lần, và mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi dư luận bắt đầu bàn tán sôi nổi.

Cuối cùng, ông từ chức. Sau đó, ông bị kết án 21 tháng tù giam vì quấy rối tình dục bằng tin nhắn với một đứa trẻ 15 tuổi.

Sau khi ra tù, ông Weiner gần đây "tái xuất" và xuất hiện trên đài WABC của New York để thảo luận về chính trị. Sự góp mặt của ông, sau bản án 21 tháng, là một dấu hỏi lớn cho giới chính trị Mỹ.

Cựu nghị sĩ Anthony Weiner rời Tòa án Liên bang Mỹ sau khi bị kết án 21 tháng tù trong vụ quấy rối tình dục trẻ vị thành niên vào 9/2017. Ảnh: Reuters.

"Cho tới tận hôm nay, vẫn có những người chặn tôi trên đường và nói 'ông lẽ ra có thể đã tai qua nạn khỏi sau bê bối đó nếu ông chỉ cần cúi đầu chịu đựng", ông Weiner chia sẻ.

Weiner không đồng ý. Một điều cần được nêu rõ là ngay cả giới lãnh đạo đảng Dân chủ lúc đó muốn ông ấy phải ra đi.

"Thực sự rất khó để tiếp tục công việc khi không ai thực sự muốn xuất hiện cùng bạn", ông Weiner nêu rõ.

Ông Santos đã nói dối rất nhiều, trong đó có việc tự nhận là người Do Thái, nói dối mẹ của ông đã qua đời trong sự kiện 11/9, hay các nhân viên của ông bị giết trong vụ xả súng hộp đêm Pulse.

Tuy nhiên, khác với trường hợp ông Weiner, dù ông Santos đã không giấu giếm sự thiếu liêm sỉ - phe đa số sít sao của đảng Cộng hòa trong Hạ viện - lại không buộc ông ra đi.

Nhà khoa học chính trị Lara Brown cho rằng một chính trị gia không quan tâm người khác nghĩ gì sẽ khó kiểm soát bản thân.

"Sự khác biệt nằm ở mức độ biết 'xấu hổ' của cá nhân... Nếu bạn không biết xấu hổ, bạn sẽ hành động mà không quan tâm đến người khác", tiến sĩ Brown cho biết thêm.

...nhưng "không biết xấu hổ"

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là bậc thầy 'không biết xấu hổ', theo NPR.

Ông Trump nhiều lần cố khẳng định rằng các quy tắc trong chính trị chỉ áp dụng được với những ai quan tâm đến quy tắc. Điều này dường như cổ xúy cho hành vi xem nhẹ thể diện để giữ chức vụ của các chính trị gia sau nhiều bê bối.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc biểu tình ở Georgia vào 3/2022. Ảnh: Reuters.

"Khi bạn là ngôi sao... Bạn có thể làm bất cứ việc gì", ông Trump bày tỏ quan điểm thiếu tôn trọng phụ nữ trong một đoạn phim truyền hình do đài NBC thực hiện vào 2005. Đoạn phim được đăng tải năm 2016 trên Washington Post, vào thời điểm ông Trump đang tranh cử tổng thống.

Một số đảng viên Cộng hòa đã kêu gọi ông Trump từ bỏ tranh cử. Ngay cả quan chức cao cấp của đảng này, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, khi ấy cũng lên tiếng "tôi cảm thấy phát bệnh sau khi xem đoạn video".

Sau khi video lan truyền trên mạng, ông Trump bào chữa rằng "đó chỉ là những lời nói đùa ở nơi riêng tư và việc đã diễn ra từ lâu. Ông Bill Clinton thậm chí còn có những hành vi tệ hơn trên sân golf, chứ không phải nơi kín đáo như tôi".

Bằng cách nào đó, cựu tổng thống Mỹ đã thoát khỏi dư luận, biến vụ bê bối thành lợi thế khi cho rằng phương tiện truyền thông chỉ đang cố tìm cách hãm hại ông.

Đạo đức chính trị bị "ăn mòn"

Tiếp nối con đường "không biết xấu hổ" ấy là ứng cử viên đảng Cộng hòa Greg Gianforte. Ông Gianforte đã dành chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ nghị sĩ đại diện cho cơ quan lập pháp ở bang Montana, kể cả khi ông đang vướng vào bê bối hành hung phóng viên Guardian năm 2017.

Mặc dù bị kết án hành hung ít nghiêm trọng, ông Gianforte được ông Trump khen ngợi trong cuộc vận động tranh cử ở Montana là "thông minh". Đồng thời, cựu tổng thống Mỹ biến vụ lùm xùm thành trò cười khi tuyên bố "đừng nên tham gia đấu vật với ông ấy".

Ông Tim Miller, cựu đảng viên đảng Cộng hòa, cho rằng đảng Dân chủ có cách nhìn nhận áp lực công chúng khác so với đảng Cộng hòa. Từ đó 2 đảng sẽ có phản ứng khác nhau.

Cụ thể, đảng Dân chủ phải chú trọng đến dư luận truyền thông nhiều hơn so với đảng Cộng hòa, vì ông Miller nhận định rằng đảng Dân chủ "có nhiều trách nhiệm hơn" khi tham gia vào môi trường truyền thông.

Hành vi "không biết xấu hổ" có thể giúp chính trị gia duy trì quyền lực, song, nó sẽ bào mòn niềm tin của người dân. Phần lớn mọi người khi nghĩ về chính trị ... họ đều tin rằng tất cả chính trị gia đều tham nhũng. Tất cả đều gian lận và dối trá", tiến sĩ Brown nói.

Nhà khoa học chính trị nhấn mạnh rằng điều này không những gây suy giảm niềm tin vào các tổ chức, mà còn củng cố quan điểm cho rằng tất cả chính trị gia đều gian lận để đem lợi về bản thân.

Thanh Lâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-nguyen-khong-xau-ho-cua-chinh-truong-my-post1402989.html