Kỹ lưỡng trong rà soát, chuẩn bị phương án, lực lượng cho Kỳ thi tốt nghiệp

Kinhtedothi – Chiều 16/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các thành viên của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 đã làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi tại TP Hà Nội.

Cùng đi với Đoàn công tác Bộ GD&ĐT có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ và các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Tiếp đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đại diện các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi cấp TP. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến đến điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội và 30 điểm cầu thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn TP.

Đảm bảo cả yếu tố kỹ thuật và con người

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh chiếm hơn 1/10 thí sinh dự thi cả nước, địa bàn rộng, dân cư đông, giao thông phức tạp và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh; do đó, các công tác chuẩn bị cho kỳ thi càng đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ trong từng bước thực hiện từ phía Ban chỉ đạo TP và Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội

Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT của TP Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Năm 2023, toàn TP Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi, trong đó có 88.831 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục trung học phổ thông; 13.264 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên. Hà Nội dự kiến bố trí 189 điểm thi với 4.263 phòng thi; điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. Tại các điểm thi còn có 537 thanh tra cắm chốt. TP cũng thành lập tổ giám sát gồm 16 nhóm, Ban Chỉ đạo thi TP thành lập 11 tổ kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Hiện Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức ôn tập bảo đảm hiệu quả, tăng cường hỗ trợ thí sinh về mọi mặt để các thí sinh dự thi đạt kết quả cao. Nhằm đẩy mạnh công tác ôn tập cho học sinh lớp 12, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Đài PT&TH Hà Nội thực hiện nội dung hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trên truyền hình. Đơn vị cũng tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng các trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp chưa như mong muốn để cùng trao đổi, tháo gỡ, lập kế hoạch ôn tập cho học sinh. Nhóm học sinh khuyết tật tại các trường chuyên biệt cũng luôn được quan tâm đảm bảo quyền lợi.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương đánh giá cao Hà Nội trong công tác chuẩn bị kỳ thi và cho rằng Hà Nội vừa trải qua đợt tập dượt hiệu quả tại kỳ thi vào lớp 10. Đến giờ phút này, về phía Ban chỉ đạo quốc gia, mọi phần việc cơ bản đã hoàn thành (gồm việc ban hành văn bản hướng dẫn, làm đề, thanh kiểm tra giám sát, tổng hợp thông tin); hiện còn 5 nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, đó là: In sao đề, coi thi, chấm thi, tổng hợp xử lý số liệu và xét tốt nghiệp THPT.

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương đề nghị Hà Nội cố gắng tổng kiểm tra lần cuối mọi công tác chuẩn bị, đặc biệt ở các địa bàn xa, quan tâm đến đối tượng thí sinh chuyên biệt, xây dựng một số kịch bản dự phòng để tránh bị động. Nếu có tình huống bất ngờ, cần báo cáo Bộ để thống nhất phương án giải quyết trên toàn hệ thống; đồng thời thực hiện phương châm: Chấp hành đúng quy chế; làm đúng trước khi làm tốt; bình tĩnh trong xử lý tình huống.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho rằng, khi tiến hành hội nghị tập huấn, Hà Nội cần nhấn mạnh những nội dung cốt lõi, có tài liệu ngắn gọn để lưu ý, quán triệt cán bộ coi giúp dễ dàng nắm vững Quy chế thi và quy trình xử lý các tình huống trong kỳ thi.

Tiếp tục làm tốt công tác thông tin

Qua nghe báo cáo, trao đổi của Hà Nội và các thành viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo TP và Ban chỉ đạo thi Hà Nội, thể hiện qua sự bài bản, cẩn thận, chi tiết, chuyên nghiệp trong mọi công tác chuẩn bị kỳ thi.

Bộ trưởng lưu ý các thành viên Ban chỉ đạo thi Hà Nội phải luôn nhắc nhở nhau cùng cẩn trọng, đánh giá đúng tính chất quan trọng của kỳ thi, nhất là khi quy mô thí sinh của Hà Nội rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp TP phát biểu tiếp thu ý kiến của đoàn công tác

Sau khi trao đổi với Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh nội dung tập huấn cho đội ngũ cán bộ coi thi để nắm rõ quy chế, rút kinh nghiệm từ những năm trước. Vì số lượng thí sinh lớn, đội ngũ cán bộ huy động đông nên Hà Nội cũng cần có đội ngũ cán bộ dự phòng để nhanh chóng bổ sung trong trường hợp cần thiết; luôn quan tâm đến đội ngũ hỗ trợ, phục vụ kỳ thi...

Hà Nội là địa phương có thí sinh thuộc đối tượng miễn thi môn Tiếng Anh lớn, Bộ trưởng nhấn mạnh, Sở GD&DT cần phổ biến để thí sinh và phụ huynh nắm được các chính sách mới, trong đó có văn bản bổ sung về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi môn ngoại ngữ, tránh tâm lý lo lắng cho thí sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục rà soát việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, sát sao với bộ phận coi thi, in sao đề và chấm bài trắc nghiệm để tránh rủi ro đến từ những yếu tố kỹ thuật.

Bộ trưởng cũng phân tích về các nội dung, phần việc quan trọng như phòng chống gian lận thi cử công nghệ cao, điều tiết giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh VSATTP và những tình huống thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa lớn, ngập úng....).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy).

Thay mặt Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi cấp TP Vũ Thu Hà tiếp thu đầy đủ các nội dung trao đổi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng thành viên Ban chỉ đạo về những nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, Hà Nội luôn xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất rất quan trọng nên việc nhắc đi nhắc lại các nội dung này là cần thiết, giúp mỗi thành viên ý thức cao hơn, đầy đủ hơn về trách nhiệm, vai trò của mình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng diễn ra, Hà Nội cũng vừa tổ chức kỳ thi lớp 10 nhưng tinh thần của Ban chỉ đạo là tuyệt đối không chủ quan, sẽ rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các khâu, đặc biệt quan tâm công tác in sao đề thi; tiến hành kiểm tra 100% điểm thi, chủ động xây dựng phương án dự phòng để không bị động trường những tình huống phát sinh.

Ban chỉ đạo thi cũng giao Sở GD&ĐT phối hợp Công an TP, Sở TT&TT làm tốt công tác tuyên truyền đến thí sinh, phụ huynh để hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm quy chế thi; làm tốt công tác bảo mật, tránh lộ lọt đề thi; phối hợp với Sở Y tế đảm bảo sức khỏe của thí sinh và cán bộ làm thi; phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GTVT, Công an TP có biện pháp khắc phục sự cố bất thường của thời tiết, không để xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông cục bộ...

“Trên tinh thần chu đáo trong rà soát, kỹ lưỡng trong chuẩn bị phương án và lực lượng làm thi; chỉ khi nào kết thúc mọi khâu của kỳ thi thì Ban chỉ đạo thi mới hoàn thành nhiệm vụ; thái độ trách nhiệm, công tác chuẩn bị bài bản cùng sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo TP, Bộ GD&ĐT, hy vọng Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra an toàn”- Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà bày tỏ.

Sau buổi làm việc tại hội trường UBND TP, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 đã đến kiểm tra, ghi nhận thực tế công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại Điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng và điểm thi Trường THPT Chu Văn An.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-luong-trong-ra-soat-chuan-bi-phuong-an-luc-luong-cho-ky-thi-tot-nghiep.html