Kỳ lạ thú mỏ vịt

Là thú nhưng đẻ trứng, có nọc độc, thú mỏ vịt được xem động vật thú vị và khó tin là có tồn tại thật trên Trái Đất.

Thú mỏ vịt (Ornithorhynchus anatinus) là một trong những sinh vật lạ thường nhất của thế giới động vật. Chúng có đuôi như mái chèo, giống hải ly; thân mình thon như rái cá; và chân màng như vịt. Ảnh: Financialtimes.

Trên thực tế, lần đầu một con thú mỏ vịt nhồi bông được đưa từ Australia đến Anh, người dân đã không tin đây là loài có thật. Họ ngỡ đây là một trò lừa, bằng cách khâu bộ phận của hai con vật lại với nhau. Ảnh: Jonelab.

Đây là một trong số ít những loài thú có độc. Thú mỏ vịt đực có cựa nối với tuyến nọc độc bí mật trên hai chân sau. Vào mùa giao phối, lượng độc sản xuất sẽ nhiều hơn, nên các nhà nghiên cứu cho rằng chúng giúp con đực cạnh tranh để giành bạn tình. Độc này không gây ảnh hưởng đến tính mạng cả với đồng loại và con người, nhưng có thể gây sưng tấy và đau nhức. Ảnh: Discovermagazine.

Giống như cá mập, thú mỏ vịt dùng các xung điện để phát hiện con mồi dưới nước, hoặc để xác định vị trí của vật thể dưới lòng lạch, sông nơi chúng sống. Thức ăn chủ yếu của chúng là ấu trùng, tôm nước ngọt, giun và các loài giáp xác. Ảnh: Britannica.

Thú mỏ vịt có hai lớp lông để giữ ấm và chống nước, giúp chúng có thể dành 12 tiếng lặn tìm thức ăn mỗi ngày. Dưới ánh sáng tia cực tím, lông màu nâu của chúng lại có ánh sáng xanh lá và xanh lam, điều đến nay vẫn đang được nghiên cứu về mặt chức năng sinh thái học. Ảnh: Livescience.

Chân trước của chúng có màng và hoạt động như mái chèo khi con vật bơi lặn. Trên mặt đất, màng co lại, móng lộ rõ ra hơn. Chúng đi bằng khớp đốt ngón để bảo vệ các màng này. Ảnh: Sandiegozoo.

Phần lớn động vật có vú đẻ con. Tuy nhiên, thú mỏ vịt lại đẻ trứng và là một trong năm loài thú đơn huyệt (đẻ trứng) hiếm hoi còn tồn tại trên Trái Đất. Ảnh: Biographic.

Thú mỏ vịt sống tại Australia, trên địa bàn trải rộng từ phía tây tiểu bang Victoria đến Cooktown ở tiểu bang Queensland. Chúng cũng có thể được tìm thấy trên đảo Tasmania và đảo King, cùng đảo Kangaroo, nơi chúng được con người đưa đến vào đầu những năm 1900. Ảnh: Livescience.

Loài động vật này có thể thích ứng với nhiều loại hình thời tiết khắc nghiệt và nhiều loại địa hình, từ đồng bằng, lòng chảo, rừng mưa đến những vùng núi lạnh giá của Tasmania và dãy Alps Australia. Bộ lông dày, chống nước giữ ấm cho chúng trong thời tiết lạnh, và chiếc đuôi lớn là nơi chúng dự trữ mỡ. Ảnh: Biographic.

An Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-la-thu-mo-vit-post1357049.html