Ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc thế nào?

PNVN Chúng tôi đang dự định thuê 2 người giúp việc. Tuy nhiên, tôi nghe nói thuê người giúp việc cũng phải ký kết hợp đồng lao động. Vậy luật quy định như thế nào về việc ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc?

Hỏi: Vợ chồng tôi đã có 1 con, sắp tới tôi lại sinh đôi. Vì vậy, chúng tôi đang dự định sẽ thuê 2 người giúp việc. Tuy nhiên, tôi nghe nói bây giờ thuê người giúp việc cũng phải ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). Đề nghị Báo PNVN cho biết, pháp luật quy định thế nào về việc ký kết HĐLĐ? Nội dung của hợp đồng này gồm những gì?

Nguyễn Thùy An (Kon Tum)

Thủ tục ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc

Trả lời: Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 27/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình:

1. Khi ký kết HĐLĐ với người lao động không biết chữ, người sử dụng lao động đọc toàn bộ nội dung HĐLĐ để người lao động nghe và thống nhất nội dung trước khi ký HĐLĐ; trường hợp cần thiết, người lao động yêu cầu người sử dụng lao động mời người thứ 3 không phải là thành viên của hộ gia đình làm chứng trước khi ký HĐLĐ.

2. Trường hợp người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng nhiều lao động là người giúp việc gia đình thì người sử dụng lao động ký kết HĐLĐ với từng người lao động.

3. Hợp đồng lao động được lập ít nhất thành 2 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản, người lao động giữ 1 bản.

4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký HĐLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình.

Về nội dung của HĐLĐ, theo Điều 7 Nghị định này thì HĐLĐ có những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động;

2. Điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có);

3. Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt HĐLĐ đúng thời hạn;

4. Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để người lao động học văn hóa, học nghề (nếu có);

5. Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động;

6. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên.

Luật gia Hà Vy

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/tu-van/ky-ket-hop-dong-lao-dong-voi-nguoi-giup-viec-the-nao-post31192.html