Kỳ III: Đưa hồ tiêu trở lại chuỗi giá trị

Chuỗi cung ứng bền vững, giải pháp đưa hồ tiêu giữ được tăng trưởng, đảm bảo sinh kế cho người trồng tiêu. Điều này chỉ có được khi Nhà nước giải quyết được những vấn đề mất cân đối cung - cầu trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.

Phát triển chuỗi cung ứng bền vững

Trong cơn bão khủng hoảng của ngành hồ tiêu thì HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) với mô hình trồng tiêu hữu cơ vừa bảo vệ môi trường, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU và đã xuất khẩu sang các thị trường này.

Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (thương hiệu tiêu Lệ Chí) - chia sẻ, là đơn vị làm tiêu hữu cơ đầu tiên của Gia Lai từ diện tích 1,5ha dự kiến sẽ tăng lên 20 ha vào năm 2020, HTX hướng đến chế biến sâu không chỉ với cây tiêu và còn nhiều sản phẩm khác. Đầu tư theo hướng hữu cơ chi phí không cao hơn canh tác thông thường nhưng giá tiêu cao gấp đôi so với giá thị trường, HTX liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Vườn tiêu hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang đem lại giá trị cao

Vườn tiêu hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang đem lại giá trị cao

Từ thực tế tại địa phương mình, ông Nguyễn Tấn Công nhận thấy, không có gì siêu lợi nhuận có thể bền vững, chỉ có lợi nhuận vừa đủ thì mới có thể tồn tại và kéo dài. Sản phẩm hữu cơ bán được giá rất tốt nhưng chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng của nông sản thế giới. Không khuyến khích tất cả người nông dân làm tiêu hữu cơ nhưng việc ý thức cần phải bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, đa canh cây trồng là cần thiết.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Thị phần xuất khẩu mặt hàng này đã tăng từ 47% lên đến 60% và hiện có mặt tại 100 thị trường trên toàn thế giới. Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.

Hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong khi đó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU. Tuy nhiên, theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tiêu chuẩn của EVFTA và CPTPP khá nghiêm ngặt. Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức ở các thị trường EU và CPTPP khi nhiều quốc gia trong hai hiệp định này là các nước phát triển, có hệ thống tiêu chuẩn trong nước ở mức rất cao. Điều này đòi hỏi, các hộ nông dân cần tuân thủ các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp sạch; tích cực tham gia tổ nhóm HTX, liên kết với doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm canh tác bền vững và thông tin nhu cầu của thị trường.

Hỗ trợ thiết thực cho nông hộ

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, về dài hạn, ngành hồ tiêu nước ta vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Để giải quyết vấn đề mất cân đối cung cầu trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, việc phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững, xây dựng nền tảng liên kết nâng cao chuỗi giá trị, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu gắn với vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sản xuất theo quy trình hữu cơ, tạo sản phẩm sạch mới đủ sức cạnh tranh với tiêu Brazil và Ấn Độ... nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30 - 40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như: sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

Trước thực trạng người dân trồng tiêu, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai - tỉnh có thiệt hại về hồ tiêu lớn nhất tại khu vực Tây Nguyên về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu. Đến nay, các ngân hàng đã xem xét, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng tiêu thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại nợ 398,5 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất 248,5 tỷ đồng; cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh 1.032 tỷ đồng; khoanh nợ khoản vay tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 122 triệu đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, trong sản xuất hồ tiêu, nông hộ chiếm 97,4% diện tích, 2,6% còn lại là doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ cho các nông hộ hiện nay đang được lồng ghép vào các chương trình như: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 97 ngày 6/12/2018 do HĐND tỉnh ban hành. Theo đó, có 3 nội dung hỗ trợ lớn gồm hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông đào tạo tập huấn, giống, vật tư, bao bì nhãn mác sản phẩm.

Một số giải pháp khác cũng đang được các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người trồng tiêu. Ông Trần Văn Văn - Phó Chi cục Phát triển nông thôn, Phó chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Gia Lai - cho biết, hiện Sở nhận được thông tin về liên kết trong 3 cây trồng gồm: Hồ tiêu, mía và lúa. Riêng đối với hồ tiêu, các huyện đang hoàn thiện hồ sơ gửi lên Sở nên số liệu cụ thể chưa có.

Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu đã đưa ra khuyến nghị:
Trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-iii-dua-ho-tieu-tro-lai-chuoi-gia-tri-131223.html