Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận tại tổ về một số dự thảo nghị quyết và dự thảo luật quan trọng

Sáng 26-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố thảo luận ở tổ số 6 cùng các đại biểu biểu các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Trà Vinh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG

Phát biểu thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cho rằng, dự thảo nghị quyết bàn nhiều về quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá nhưng chưa bàn đến quyền và nghĩa vụ của người không tham gia đấu giá. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa người tham gia đấu giá và người không tham gia đấu giá biển số ô-tô.

Liên quan đến dự thảo nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề có liên quan đến nhiều luật: Luật Đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ, Luật Dân sự, đồng thời liên quan đến nhiều đối tượng, đến quyền sở hữu của người dân nên cần đánh giá kỹ lưỡng, chưa vội thông qua ở một kỳ họp. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, đề nghị về phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng cần thu hẹp lại; đồng thời tiền thu được từ việc tổ chức đấu giá biển số xe đẹp có thể nộp ngân sách Nhà nước 50% và 50% còn lại thực hiện công tác an sinh xã hội.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị cần bàn kỹ tính khả thi trong quá trình ban hành và triển khai nghị quyết, đồng thời cho rằng nghị quyết nên thực hiện trong toàn tỉnh, bởi tỉnh mới có điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả, cũng như tạo ra sự công bằng với các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội khi ban hành một số cơ chế chính sách cần phải tính toán đến tính khả thi, phải từ thực tiễn ở một số địa phương…

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho rằng việc ban hành thí điểm này chưa có tiền lệ cho cấp huyện. Vì vậy, theo đại biểu Trần Chí Cường, nếu được thì nên nghiên cứu có chính sách rõ ràng, cụ thể, sát hợp hơn với thành phố trực thuộc Trung ương hoặc nên có chính sách tổng thể cho tỉnh Đắk Lắk để phát triển một cách đồng bộ, tạo thêm những động lực, nguồn lực cho tỉnh…

* Trong phiên họp chiều 26-10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

VŨ HƯNG - NGỌC PHÚ - TTXVN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202210/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-mot-so-du-thao-nghi-quyet-va-du-thao-luat-quan-trong-3928555/