Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Sáng 25-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Toàn cảnh Quốc hội họp phiên buổi chiều 25-10-2022. Ảnh: TTXVN

Quy định số lượng cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương

Phát biểu thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhất trí với các đại biểu về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Đại biểu cho rằng cụm từ không chồng chéo, trùng lắp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy là tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ngoài ra có các cuộc kiểm toán, kiểm tra gây ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của địa phương.

Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương. Đại biểu Kim Thúy cũng nhìn nhận thời gian qua, một số địa phương đã có quy định không quá hai cuộc thanh tra của các ngành/năm đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, để doanh nghiệp dành thời gian cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và được doanh nghiệp đánh giá cao.

Bên cạnh đó, tại Điều 76 về ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn bỏ trống, chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận; thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm theo luật thanh tra hiện hành, không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai và đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, thanh tra chuyên ngành đã được đề cập tới ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có sự chồng chéo giữa pháp luật về thanh tra và pháp luật chuyên ngành. Phần lớn các luật chuyên ngành đều có phần đề cập đến thanh tra chuyên ngành, quy định rõ mục đích, khái niệm, nội dung thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chế định thanh tra chuyên ngành trong luật thanh tra để thống nhất điều chỉnh hệ thống thanh tra chuyên ngành trên toàn quốc thuộc mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động thanh tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau, nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, như kiểm tra chuyên ngành, giám sát an toàn, kiểm tra Nhà nước, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, đây là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra đã có các văn bản khác điều chỉnh, do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong Điều 6 và các điều luật khác trong dự thảo luật nhằm tách bạch các hoạt động thanh tra và kiểm tra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG

Đề xuất đổi tên luật thành Luật Khai thác dầu khí

Thảo luận dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cơ bản thống nhất cao với các ý kiến tiếp thu, giải trình, cũng như nội dung của dự thảo luật; thống nhất với sự cần thiết ban hành và sửa đổi luật theo tờ trình của Chính phủ. Góp ý về tên gọi của dự thảo, đại biểu đề xuất đổi tên luật thành Luật Khai thác dầu khí vì các nội dung được quy định trong dự thảo của luật chủ yếu tập trung vào hoạt động thăm dò và khai thác.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, để có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn. Cần phải thiết lập nền tảng phát triển mới, đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với các luật khác có liên quan trong tiếp cận, điều hành, quản lý Nhà nước về hoạt động dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc quyền kinh tế, chủ quyền biển, đảo phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, đại biểu cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo luật lần này.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG - quochoi.vn

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202210/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-thao-luan-du-an-luat-thanh-tra-sua-doi-va-du-an-luat-dau-khi-sua-doi-3927630/