Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Giữ vững kinh tế vĩ mô, tìm giải pháp giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 22-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG

Phát biểu thảo luận tại tổ số 6 cùng với các đại biểu tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Trà Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng tình cao với các nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua rất đáng tự hào trong bối cảnh thế giới, khu vực vô cùng khó khăn, là nền tảng quan trọng để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2023.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, khi dịch bệnh được kiểm soát, nước ta mở cửa nền kinh tế nhanh, rộng rãi, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế mũi nhọn phục hồi, trong đó đặc biệt là du lịch, dịch vụ. Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương phục hồi mạnh mẽ ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Trong năm 2022, nước ta tiếp tục giữ vững ổn định thị trường tài chính tiền tệ.

Tuy nhiên, dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, do đó Chính phủ cần xác định mục tiêu cho phù hợp, có giải pháp để khắc phục thực hiện. “Năm 2023 là một năm dự báo khó khăn, thách thức đối với nước ta. Mục tiêu chung vẫn xác định là giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối của nền kinh tế”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, nhấn mạnh, những kết quả đạt được năm 2022 tạo động lực, niềm tin, đồng thuận để thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh, căn cơ hơn để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

“Trong phân tích nguyên nhân hạn chế, phải đánh giá đến yếu tố giải tỏa, đền bù. Đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội xem xét tách dự án giải tỏa, đền bù ra thành một dự án độc lập trong dự án nhóm B để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân đầu tư công”, đại biểu Cường đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đồng thời đề nghị Chính phủ khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đại biểu Kim Thúy cho biết, hiện nay, tình trạng chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa tốt, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn chưa tham gia hoặc tham gia thấp; tình hình chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Vẫn còn tiếp diễn tình trạng người lao động được ủy quyền cho người khác thanh toán bảo hiểm một lần để thu gom bảo hiểm xã hội của người lao động, thực chất là mua lại bảo hiểm xã hội với giá thấp so với giá trị được hưởng từ việc thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội một lần để trục lợi. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.

Về bảo hiểm y tế, đến tháng 9-2022 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế mới đạt 87,42% dân số. Mục tiêu là cuối năm 2022 đạt 92% dân số có bảo hiểm tế, vì vậy Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Bởi lẽ, sau Covid-19, nhu cầu khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên, nếu không có bảo hiểm y tế sẽ khiến người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức, nông dân khó tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến an sinh xã hội cho người dân.

VŨ HƯNG - NGỌC PHÚ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202210/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-giu-vung-kinh-te-vi-mo-tim-giai-phap-giai-ngan-von-dau-tu-cong-3926845/