Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý nhiều nội dung quan trọng tại thảo luận tổ

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố thảo luận ở tổ số 6 cùng các đại biểu các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Trà Vinh.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG

Thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, tuy đây chỉ là những quy định về quy trình thủ tục tiến hành hoạt động của Quốc hội trong kỳ họp nhưng là yếu tố quyết định đến chất lượng mỗi quyết định của Quốc hội trên 3 lĩnh vực: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tại Điều 18 thảo luận tại phiên họp toàn thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, việc mời đại biểu Quốc hội phát biểu phải tôn trọng quyền đăng ký của đại biểu Quốc hội, gọi đúng theo thứ tự đăng ký của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, riêng về thảo luận kinh tế, ngân sách, có thể mời theo đoàn đại biểu Quốc hội để có được tiếng nói từ các địa phương, vấn đề này nên đưa vào nội quy quyền của chủ tọa. Theo đại biểu trong phần điều hành các phiên họp toàn thể, dự thảo chỉ mới đề cập đến hai trường hợp mà người điều hành phiên họp là yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc dừng phát biểu. Do đó, đại biểu Kim Thúy đề nghị bổ sung quyền chủ tọa được yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu trong những trường hợp cần thiết như: đại biểu thiếu chuẩn mực, xúc phạm người khác, vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, quan hệ đối ngoại…

Liên quan đến dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thống nhất việc sửa đổi. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa, giải nghĩa một số cụm từ để luật chặt chẽ và rõ ràng hơn. Trong đó, cần bổ sung cụm từ “Hành vi phạm tội” thay cho “Hoạt động phạm tội” tại khoản 2, Điều 3 của dự thảo luật, nhằm làm rõ hành vi trợ giúp tội phạm trốn tránh trách nhiệm pháp lý, chiếm hữu tài sản biết rõ tài sản do phạm tội mà có nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản. Bên cạnh đó, bổ sung quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 9 của dự thảo luật; bổ sung đối tượng có giao dịch góp vốn, huy động vốn vào đối tượng phải bảo đảm theo khoản 1, Điều 4 của dự thảo; làm rõ các “dấu hiệu đáng ngờ” được quy định từ Điều 27 đến Điều 35 của dự thảo luật.

Đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) ghi nhận việc sửa đổi dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền phù hợp với chuẩn mực quốc tế, với cơ sở, điều ước và cam kết của quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tại Điều 17 có quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị, điều này còn chung chung. Do đó, cần xác định rõ tiêu chí rõ ràng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc áp dụng cũng như thi hành luật trong thực tế; đồng thời cân nhắc mở rộng phạm vi của điều luật...

Cần quy định cơ chế tự chủ bệnh viện

Sáng 24-10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận nội dung dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) khẳng định dự án luật ra đời đã đáp ứng và giải quyết được những yêu cầu phong phú, đa dạng của thực tiễn liên quan công tác khám bệnh, chữa bệnh của nước ta, nhằm hướng đến một nền y tế phục vụ chuyên sâu, chuyên nghiệp, hệ thống và hiện đại. Về các nội dung chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, theo đó, khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề là chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế, đại biểu đề nghị cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp đặc thù, nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này một số nội dung: quy định về tự chủ của bệnh viện công tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó bảo đảm chất lượng cao. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực…

Thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về thiết chế Hội đồng y khoa, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thực tiễn tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời kế thừa Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng khẳng định, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và do Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.

VŨ HƯNG - NGỌC PHÚ - quochoi.vn

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202210/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dai-bieu-quoc-hoi-thanh-pho-gop-y-nhieu-noi-dung-quan-trong-tai-thao-luan-to-3927560/