Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Cần thiết mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

GD&TĐ - Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Theo Điều 3 của Luật trên thì trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật…

Chưa quy định mô hình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ

Điều 10 Luật TGPL quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm: Người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu ý kiến, tờ trình của Chính phủ cho rằng đã mở rộng đối tượng được TGPL, thế nhưng so với luật hiện hành là có mở thêm đối tượng nhưng chưa bao quát, mở rộng các đối tượng thực sự được TGPL.

Đại biểu Sang cho biết, thực tế hiện nay bạo lực gia đình đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động.

Theo số liệu thống kê năm 2011 – 2015 có 157.859 vụ bạo lực gia đình, trong đó trường hợp nạn nhân là nữ chiếm 74,24%. Trong số 492.520 vụ ly hôn đã giải quyết thì nguyên nhân từ bạo lực gia đình chiếm 83,78%. Mỗi năm có hơn 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Mức độ tổn hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra chiếm 1,4% GDP/năm.

Tuy nhiên, theo đại biểu Sang, nạn nhân bạo lực gia đình là người yếu thế, bị tổn thương nặng nề và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật. Thực tế 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự TGPL, trừ các vụ việc nghiêm trọng hay các vụ xử lý hình sự.

Theo Luật TGPL hiện hành, phụ nữ bị bạo lực gia đình được TGPL rất hạn chế. Pháp luật chưa quy định mô hình TGPL cho phụ nữ, chưa có trình tự, thủ tục riêng. Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình chưa biết quyền được TGPL, hoặc còn e ngại khi tiếp cận với dịch vụ TGPL. Người TGPL chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc với nạn nhân. Khung pháp luật về hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ Việt Nam cũng cần phải được bổ sung, hoàn thiện…

Trước tồn tại trên, đại biểu Sang đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung, mở rộng đối tượng được TGPL.

Khắc phục sự cồng kềnh tổ chức TGPL

Đóng góp ý kiến về việc xây dựng chi nhánh của Trung tâm TGPL, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, cần được xem xét trong mối tương quan các định hướng về đổi mới hoạt động của các trung tâm TGPL và thực tiễn hiệu quả hoạt động trên đề án đổi mới TGPL sẽ có lộ trình để chuyển các trung tâm TGPL từ chỗ là đơn vị chủ yếu thực hiện TGPL trở thành cơ quan quản lý Nhà nước về TGPL.

Đại biểu Hiền nêu rõ: “Việc cung ứng dịch vụ TGPL chủ yếu do các luật sư thực hiện, các trợ giúp viên pháp lý cũng có lộ trình để chuyển thành luật sư. Với xu hướng đó, tôi tán thành về không quy định chi nhánh TGPL như một cơ cấu cứng thuộc tầng lớp trung gian của trung tâm TGPL, nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, khắc phục sự cồng kềnh về tổ chức, hoạt động kém hiệu quả của các chi nhánh. Tôi cũng nhất trí việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống chi nhánh TGPL đã được đề xuất”.

Về hình thức TGPL, đại biểu Hiền nhất trí với nội dung của dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) về việc chỉ nên quy định 3 hình thức TGPL là tham gia tố tụng, đại diện vào tố tụng và tư vấn pháp luật.

Trong ngày 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv-can-thiet-mo-rong-doi-tuong-duoc-tro-giup-phap-ly-2546560-b.html