Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Bộ luật Hình sự cần có tính khả thi cao, ổn định lâu dài

GD&TĐ - Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Cần giải pháp phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ băn khoăn về tình hình tội phạm vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi phạm tội trong thời gian qua.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn quốc phát hiện 34.685 vụ, 59.562 người chưa thành niên phạm tội. Riêng tháng 6 năm 2016, có 2.082 vụ với 3.669 người chưa thành niên phạm tội.

Điều này cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng. Đáng chú ý nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên gây ra có chiều hướng tăng. Trước tình trạng đó, cần phải có giải pháp thích hợp để phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội.

Một số ĐBQH cũng đề nghị sửa lại Khoản 2, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung như Khoản 2, Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 1999, là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng để xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc bỏ quy định về khiển trách (Điều 93 - Bộ luật Hình sự năm 2015), biện pháp hòa giải tại cộng đồng (Điều 94 - Bộ luật Hình sự năm 2015) thì các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội là chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu phòng chống tội phạm đối với người chưa thành niên phạm tội như tình hình hiện nay.

Đề nghị xử lí án ma túy không tính theo hàm lượng tinh chất ma túy

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn số liệu thống kê của Bộ Công an cho biết, số lượng người nghiện ma túy ở nước ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Sau 5 năm, cả nước tăng thêm hơn 44.000 người nghiện ma túy mới.

Quá trình giải quyết các vụ án ma túy thời gian vừa qua, bà Thủy cho biết đã nảy sinh nhiều quan điểm và theo đó là nhiều cách áp dụng khác nhau.

Hiện nay, dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận áp dụng 2 cách tính: Một là, sau khi thu giữ được một vật nghi là bánh ma túy, chỉ giám định xác định bánh đó có phải là bánh ma túy hay không và nếu đúng thì lấy toàn bộ nhân ra cân, ra lạng để xử lý;

Hai là, không chỉ giám định bánh đó có phải là bánh ma túy hay không mà còn phải giám định xác định có bao nhiêu hàm lượng ma túy tinh chất chứa trong bánh ma túy này và rút hàm lượng ma túy tinh chất này nhân ra cân ra lạng để xử lý.

ĐB Nguyễn Thị Thủy cho biết, với các nước đã tiếp cận được, nghiên cứu được thì thấy các nước đều quy định rõ không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất.

ĐB Thủy nêu dẫn chứng và quan điểm – “Về quan điểm cá nhân, tôi lựa chọn không tính theo hàm lượng tinh chất ma túy mới là phù hợp”.

Ý kiến của các ĐB thống nhất đây là bộ luật rất quan trọng, nếu để ra sai sót sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường và mang tính lâu dài. Vì vậy phải sửa đổi triệt để, căn bản, toàn diện những quy định chưa hợp lý, nhằm xây dựng một Bộ luật Hình sự có tính khả thi cao, sát với thực tiễn và có tính ổn định lâu dài.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ky-hop-thu-2-quoc-hoi-khoa-xiv-bo-luat-hinh-su-can-co-tinh-kha-thi-cao-on-dinh-lau-dai-2479405-b.html