Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh: Sôi nổi thảo luận, thẳng thắn chất vấn

Trong buổi làm việc thứ 2 ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tập trung thảo luận các nội dung tờ trình dự thảo nghị quyết, đặc biệt là bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN 6 tháng cuối năm; tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Chiều nay (13/7), Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII tiếp tục chương trình làm việc với các nội dung trọng tâm là thảo luận tại hội trường và tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương.

Giám đốc Sở Xây dựng giữ chức danh Ủy viên UBND tỉnh

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, đại biểu nghe công bố kết quả bầu Ủy viên UBND tỉnh. Theo đó, trong phiên họp nội bộ cuối buổi sáng, HĐND tỉnh đã bầu ông Nguyễn Quốc Hà - Giám đốc Sở Xây dựng giữ chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Quốc Hà - Giám đốc Sở Xây dựng.

Tiếp đó, đại biểu HĐND nghe Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần trình bày báo cáo thẩm tra về lĩnh vực nội chính, pháp chế.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần trình bày báo cáo thẩm tra.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ.

Đại biểu tâm huyết góp ý vào các nội dung trình kỳ họp

Bước vào chương trình thảo luận tại hội trường, HĐND tỉnh đã nghe Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh (tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Nghi Xuân) phát biểu ý kiến, trong đó đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt những kết quả khả quan.

Chủ tịch LĐLD tỉnh Nguyễn Văn Danh (tổ đại biểu Nghi Xuân) phát biểu ý kiến.

Gợi mở thêm các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, đại biểu cho rằng cần tập trung rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo từng ngành, lĩnh vực; tập trung cao sản xuất vụ hè thu, vụ đông 2023; tổ chức đánh giá, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; đẩy mạnh thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tăng cường phát triển kinh tế nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đại biểu tham dự kỳ họp.

Bên cạnh đó, sớm tổ chức chương trình giới thiệu du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ với các tỉnh phía Bắc tại Hà Tĩnh nhằm kết nối phát triển thị trường. Tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách; triển khai Quy hoạch tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp.

“Một trong những giải pháp quan trọng là khẩn trương triển khai các nội dung đã ký kết tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư; tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn theo định hướng quy hoạch tỉnh”, đại biểu Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng góp ý nhiều nội dung liên quan đến các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Thảo luận tại hội trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nguyễn Đức Tới (Tổ đại biểu bầu tại huyện Cẩm Xuyên) cho rằng, triển khai nhiệm vụ KT-XH những tháng cuối năm, cần tập trung đánh giá những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân nhằm đề ra các giải pháp cụ thể, ban hành các chủ trương, giải pháp linh hoạt; trong đó, tiếp tục quan tâm các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, tăng cường các giải pháp thu ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Đức Tới tham gia ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Đức Tới đã đề xuất các giải pháp liên quan đến nhiều lĩnh vực. Theo đó, với lĩnh vực nông nghiệp, cần ban hành các chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, quan tâm định hướng thị trường, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Góp ý giải pháp trong thu hút đầu tư, đại biểu nhấn mạnh cần xây dựng phương án, lộ trình triển khai thực hiện các dự án đã trao chứng nhận chấp thuận đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Nhấn mạnh du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm, đại biểu Nguyễn Đức Tới đề nghị cần có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh mang tính chất bền vững và hiệu quả. Cần có giải pháp đối với một số dự án đầu tư không hiệu quả như tại Khu du lịch Thiên Cầm.

Đồng tình với các tờ trình, báo cáo được trình bày tại kỳ họp, Phó Bí thư Huyện ủy Hương Khê Từ Thị Hòa (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Hương Khê) nhấn mạnh những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.

Đại biểu Từ Thị Hòa tham gia ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Từ Thị Hòa cho rằng, trong những năm qua, lĩnh vực lâm nghiệp có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và từng địa phương có rừng, đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, đó vẫn còn tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng xảy ra trong thời gian dài; nhiều hộ gia đình, cá nhân không thực hiện nghiêm túc hợp đồng giao khoán để bảo vệ, khoanh nuôi, phát triển rừng; tình trạng chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các đơn vị chủ rừng nhà nước với nhau và giữa chủ rừng nhà nước với hộ gia đình, cá nhân…

Đại biểu Hòa đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để rà soát lại hiện trạng, hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp, cắm mốc phân định ranh giới; tổ chức thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với các chủ rừng nhà nước. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo rà soát lại hiệu quả việc giao đất, giao rừng; có phương án xử lý đối với các trường hợp sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích. Các cơ quan liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ tiếp tục giải quyết dứt điểm việc chồng lấn đất lâm nghiệp.

Cũng theo đại biểu Hòa, tỉnh cần xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chính sách phát triển lâm nghiệp; đồng thời sớm làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong toàn tỉnh nói chung, Hương Khê nói riêng trong việc thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Góp ý các giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Hương Sơn) nhấn mạnh nhiều giải pháp đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy tham gia ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng xây dựng kế hoạch tiêm phòng kịp thời, đảm bảo việc cung ứng vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia súc phù hợp với thời tiết của địa phương. Các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo đúng quy định, nhất là đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật đã cấm sử dụng.

Các ngành chuyên môn cần quan tâm tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân, có cơ chế hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ trên đồng ruộng nhằm hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên các cánh đồng, gây lãng phí nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra việc chấp hành công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở trên các lĩnh vực, các khâu sản xuất, chế biến.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy cũng nhấn mạnh, tỉnh cần tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, nâng hạng sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đánh giá hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử để có giải pháp thực hiện chương trình đồng bộ, hiệu quả hơn.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hà Tân (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Can Lộc) bày tỏ sự đồng tình cao với các dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân tham gia ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu cũng đề xuất cần ưu tiên nguồn lực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; có chỉ đạo mới đối với các huyện đã đăng ký, phấn đấu năm 2025 về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể hơn trong xây dựng đô thị văn minh.

Đại biểu nêu thực tế, thời gian qua, Hà Tĩnh đã chỉ đạo thí điểm triển khai mô hình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, 9/13 đơn vị đã có kết quả khả quan. Tuy nhiên, tỉnh cần đánh giá kết quả bước đầu và kịp thời có đề án, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đảm bảo thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.

Tham gia thảo luận, đại biểu Đinh Thị Hồng Vân (giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng - Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại TP Hà Tĩnh) cho rằng, cần tập trung thêm vào một số giải pháp để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư trong 6 tháng cuối năm.

Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân tham gia ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Đinh Thị Hồng Vân cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo và các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bình - Phó Giám đốc Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại TX Kỳ Anh) làm rõ thêm một số nội dung về thực trạng và giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP.

Đại biểu Đặng Thị Bình tham gia ý kiến tại phiên thảo luận.

“Các chủ trương, chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đã hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở rất lớn trong xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường. Kết quả phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông thôn, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” - đại biểu Đặng Thị Bình nhấn mạnh.

Đại biểu đề xuất các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để hỗ trợ chủ sản phẩm trong phát triển thương hiệu, xây dựng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; động viên các hộ cá thể liên kết với nhau, hình thành chuỗi sản phẩm đặc trưng để tạo nên thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Đại biểu Đặng Thị Bình cũng mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vay, giảm lãi suất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, điện) để các HTX phát triển sản phẩm; hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất để các HTX có năng lực mở rộng quy mô; tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Kết thúc phần thảo luận tại hội trường, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đã phát biểu đánh giá.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đánh giá nội dung thảo luận.

Trong nội dung thảo luận tại hội trường, đã có 7 đại biểu đại diện cho các Tổ đại biểu tham gia phát biểu trực tiếp, 6 tổ đại biểu tham gia góp ý bằng văn bản. Các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết; kịp thời phản ánh trung thực các ý kiến cử tri, những vấn đề thực tiễn tại địa phương; đánh giá, phân tích toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Đại biểu cũng đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh khẳng định, đối với các kiến nghị liên quan trực tiếp đến nội dung trình kỳ họp, chủ tọa đã giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh xem xét cụ thể từng nội dung trong quá trình hoàn thiện các nghị quyết.

Chất vấn rõ ý, ngắn gọn, trọng tâm

Đặt vấn đề mở đầu phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho biết: HĐND tỉnh sẽ dành thời gian gần 1 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 30 câu hỏi của các đại biểu. Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh chọn một số nhóm lĩnh vực được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm để chất vấn tại hội trường.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đặt vấn đề mở đầu phiên chất vấn.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đồng chí được phân công trả lời các nội dung thẳng thắn, trách nhiệm, nêu rõ giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn phải rõ ý, ngắn gọn, trọng tâm.

Mở đầu phiên chất vấn của kỳ họp, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn đăng đàn trả lời tổng hợp các nhóm nội dung thuộc ngành.

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn trả lời chất vấn.

Phần chất vấn, trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN&MT có 3 đại biểu nêu câu hỏi liên quan đến chậm ban hành Đề án xử lý rác sinh hoạt giai đoạn 2020 - 2030; tình trạng cấp đất sai thẩm quyền kéo dài nhiều năm; vấn đề tích tụ ruộng đất...

Đại biểu Thái Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi về chậm ban hành Đề án xử lý rác sinh hoạt giai đoạn 2020 - 2030.

Đại biểu Trần Thị Hoa (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Thạch Hà) đặt câu hỏi chất vấn về tình trạng cấp đất sai thẩm quyền và hướng khắc phục.

Phần chất vấn đối với Giám đốc Sở TN&MT sẽ tiếp diễn vào sáng mai, sau đó, tư lệnh các ngành Nội vụ, Y tế sẽ đăng đàn trả lời các nội dung liên quan đến lĩnh vực được giao.

Theo chương trình nghị sự, phiên chất và trả lời chất vấn còn tiếp tục vào đầu giờ chiều làm việc ngày mai, sau đó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phát biểu tiếp thu, làm rõ các nội dung liên quan, trước lúc HĐND tỉnh họp phiên bế mạc.

Kỳ họp sẽ diễn ra trong 2 ngày (13 và 14/7) tại hội trường tầng 1, UBND tỉnh. Trong thời gian HĐND tỉnh họp, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà có ý kiến, kiến nghị đề nghị liên hệ qua số điện thoại: 02393.853.032 hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ: thuky.hdndht@hatinh.gov.vn.

Nhóm P.V

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-14-hdnd-tinh-ha-tinh-soi-noi-thao-luan-thang-than-chat-van/251372.htm