Kỷ cương hành chính: Làm đến nơi đến chốn

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều ý kiến đánh giá cao Chỉ thị 26 ra đời vào thời điểm này là hết sức cần thiết, tác động đến ý thức tác phong làm việc của công chức. Tuy nhiên, cần kiểm tra, giám sát để Chỉ thị đi vào cuộc sống.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ nhân dân; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Nhận định về các quy định tại Chỉ thị trên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, hiện nay ý thức chấp hành công vụ của cán bộ công chức, viên chức kể cả giữa cấp trên cấp dưới trong cơ quan đơn vị cũng đang có vấn đề cần phải được đặt ra.

Thủ tướng nhận thấy vấn đề đó và ra văn bản để xử lý đó là chuyển động rất là tốt để thể hiện kỷ cương điều hành hành chính nhà nước. Một trong quy định của hành chính là mệnh lệnh hành chính phải chấp hành, không có lý do gì lãnh đạo nói xong lại “cất ngăn kéo” quên đi, không thực hiện cũng được mà thực hiện cũng được.

Để vấn đề trên đi vào cuộc sống, ông Xuyền cho rằng, khâu tổ chức thực hiện là quan trọng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan đơn vị ở địa phương để tạo ra cơ chế làm việc hiệu quả, vận hành các cơ chế đi vào thực tiễn.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát kỷ luật, kỷ cương hành chính là cần thiết tuy nhiên cần xây dựng cơ chế giám sát.

Ông nói: “Tôi nghĩ giám sát đã được quy định đầy đủ trong các văn bản luật nhưng phải xây dựng được cơ chế và phát huy vai trò của người dân. Người dân phải được công khai minh bạch về việc đó thì người dân mới phát huy được quyền giám sát của mình”.

Hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng, song theo ông Dương Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội) chỉ đạo của Thủ tướng phải được cụ thể hóa. Các cơ quan chức năng, đơn vị phải làm chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ làm đến nơi đến chốn. Ai vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm minh để làm gương, tạo sức răn đe.

“Phải thắt chặt vì đây là kỷ cương của đất nước. Các cơ quan quản lý cán bộ công chức, viên chức phải nhắc nhở thực hiện và xử lý khi có vi phạm. Cơ quan nào có sự việc xảy ra, để xảy ra vi phạm thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nếu nghiêm trọng phải xử lý đến nơi đến chốn”- ông Sơn nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Viết Chức- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là việc đã quy định từ trước nhưng thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Bởi vì cán bộ không tự giác nên phải có lệnh cấm.

“Theo tôi mỗi người phải tự cấm mình, tự mình điều chỉnh mình. Tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính thì bất cứ việc gì “không bình thường” thì cán bộ phải điều chỉnh. Bộ máy phải tuân thủ theo cách điều hành của người đứng đầu.

Có thể nói việc đã đến chân tường, không làm không thể nói là trọng dân, vì dân phục vụ được. Cái gì gây khó chịu cho cá nhân hay một vài người thì nên bỏ cá nhân của mình mà phụng sự cái chung để tạo niềm tin cho người dân, làm cho không khí xã hội tin tưởng hơn, vui vẻ hơn, không gây ra nhiều bức xúc trong xã hội”- ông Chức lưu ý.

V.Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/ky-cuong-hanh-chinh-lam-den-noi-den-chon/120686