Kỳ công sao chép tượng Quan Âm nghìn mắt

Lần đầu tiên, ở Việt Nam, các nghệ nhân đã sao chép thành công tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay, đặc biệt là tượng thu nhỏ vô cùng công phu.

Tại bảo tàng Long An đang lưu giữ một bức tượng Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát (dân gian quen gọi là Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay) từng đã gây tiếng vang lớn trong nghệ thuật điêu khắc. Vào cuối những năm 70, tỉnh Long An đã cử một phái đoàn gồm những nghệ nhân điêu luyện của mình ra Bắc để thực hiện mục tiêu là chép lại bức tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì các nghệ nhân cảm thấy quá khó, nhưng bằng tài năng, nghị lực và sự tận tụy, họ đã mang một bức tượng đạt tới đỉnh cao nghệ thuật về phương Nam. Sự kiện đã gây tiếng vang và bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã tặng ba bằng khen đột xuất cho họ.

Khởi nguồn từ pho tượng ở chùa Bút Tháp

Theo kinh Phật và những truyền thuyết dân gian thì Đức Quan Thế Âm Bồ Tát tu luyện được tất cả các phép thần thông quảng đại, thường hay biến hiện ra nhiều sắc tướng để trừ khổ ải cho chúng sinh. Trong các vị Quan Thế Âm Bồ Tát, theo danh hiệu và sắc tướng thì Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Phật thần thông quảng đại hay ra tay cứu độ chúng sinh: "Không đâu Ngài không thấy, không việc gì Ngài không làm được. Do vậy, Ngài có sắc tướng là vị Phật nghìn mắt, nghìn tay. Vào viếng các ngôi chùa, ta thường thấy các tượng Phật đứng hay ngồi mà có nhiều tay, nhiều mắt... đó chính là những pho tượng thờ Ngài".

Về pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, trong bài viết "Bí ẩn của pho tượng phật chùa Bút Tháp", họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ cho biết: Pho tượng bằng gỗ chạm, sơn son thếp vàng đầu tiên thờ Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được nghệ nhân Trương Thọ Nam tạc và hoàn thành vào năm 1656, thời Hậu Lê. Trên bệ tượng ghi Nam Đông Giao, Thọ Nam - Trương tiên sinh - phụng khắc, tạm hiểu: Nam Đông Giao là địa chỉ, Thọ Nam là tên hiệu, Trương là họ, tiên sinh là bậc trí giả, phụng khắc là phụng mệnh trời đất dựng tượng để thờ. Theo quan niệm của một số nhà nghiên cứu, chữ phụng khắc được dịch là khắc theo ý chỉ của nhà vua (nhưng nếu phụng mệnh vua mà khắc thì tượng phải để ở kinh đô, trong khi đó pho tượng này lại được thờ ở một ngôi chùa).

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, có thể xem là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật rất chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất: Dương - Âm (thiện - ác, đỏ - đen, sáng - tối, trời - đất).

Tượng thể hiện lòng tin tuyệt đối vào sự toàn năng của Phật Bà Quan Âm..., các nghệ nhân đã thành công trong cách bố cục và diễn tả để pho tượng được tự nhiên, cân đối giữa thân người và 21 đôi tay mềm mại xung quanh. Các đôi cánh tay lớn như đang múa, các cánh tay nhỏ được sắp xếp theo vầng hào quang tỏa sáng xung quanh. Trên mỗi lòng bàn tay đều có hình con mắt thể hiện nghìn mắt. Phần bệ tượng thể hiện bể khổ trần gian với nhiều sóng gió. Con ác thú đội tòa sen và người đội bệ tượng là những kẻ ác bị trừng phạt và được Phật Bà thu phục làm đệ tử.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đang được trưng tại bảo tàng tỉnh Long An.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đang được trưng tại bảo tàng tỉnh Long An.

Riêng hoa văn chạm khắc trên bệ tượng mang nét đặc sắc của hoa văn trang trí thời Lê như "Lưỡng long chầu nhật", "Song lân chầu nhật", trong đó hình tượng long (rồng) tượng trưng cho uy quyền của vua và lân là biểu tượng cho sự bền vững của triều đại, của quốc gia... Tượng này được xem là cổ vật quý của nước ta và là niềm tự hào to lớn của nền mỹ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam trong tiến trình phát triển lịch sử Phật giáo dân tộc.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đánh giá: "Ở châu Á, đạo Phật khởi nguồn nên chủ đề Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được tạc ở một số nước, nhưng tác phẩm do nhà điêu khắc thiên tài Trương Thọ Nam sáng tác có nội dung hoàn chỉnh bậc nhất về thế giới quan và nhân sinh quan theo quan điểm Phật giáo truyền thống, có hình thức nghệ thuật đạt được sự hoàn mỹ tuyệt vời. Pho tượng này đã đạt giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958".

Chinh phục đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc

Ông Vương Thu Hồng, Phó Giám đốc bảo tàng Long An cho biết, sở dĩ Long An may mắn có được bức tượng này là vào tháng 9/1978, công ty Mỹ nghệ Mỹ thuật Long An đã cử ông Nguyễn Đức Lưu là họa sĩ, nguyên Giám đốc công ty, cùng 3 nghệ nhân Huỳnh Văn Định, Huỳnh Măng, Huỳnh Chính Đức trong dòng họ Huỳnh - một trong những dòng họ điêu khắc gỗ truyền thống của Long An, ra miền Bắc nghiên cứu và chép lại tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay từ tượng gốc ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh (thời ấy còn gọi là tỉnh Hà Bắc) với tỷ lệ thu nhỏ.

Trải qua nhiều khó khăn tưởng chừng như ý định trên sẽ không thực hiện được, nhưng với lòng kiên trì học hỏi, sự yêu nghề cộng với khối óc thông minh và đôi bàn tay khéo léo..., sau 3 tháng 15 ngày tích cực miệt mài làm việc (từ tháng 10/1978 đến giữa tháng 1/1979), những nghệ nhân Long An đã hoàn thành việc sao chép thành công tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay từ tượng gốc ở chùa Bút Tháp với phương pháp đo đạc bằng dây và ước lượng thu nhỏ bằng mắt thường.

Ông Hồng cho biết, tượng sao chép được làm bằng gỗ lát hoa, cao 0,69m, rộng 26cm, là bản sao thu nhỏ của tượng gốc với tỷ lệ 1/5. Về phần công việc lúc ấy cũng được phân công cụ thể cho từng nghệ nhân. Theo đó, thân tượng và tay chính do nghệ nhân Huỳnh Văn Định đảm trách. Thân tượng có 3 đầu và 6 cánh tay liền nhau. Phần chóp có 9 đầu được lắp mão. Xung quanh được chạm 36 cánh tay rời (mỗi bên có 18 tay được chia làm 3 hàng lắp vào thân). Phần hào quang, do nghệ nhân Huỳnh Chính Đức đảm trách. Hào quang tính từ đế lên đến điểm cao nhất có 958 cánh tay rời, mỗi tay được chạm trên đó một con mắt được sắp xếp cách đều nhau. Và đế tượng, được tính từ tòa sen trở xuống, do nghệ nhân Huỳnh Măng đảm trách. Đây là một khối gỗ chạm thủng không có lắp ghép. Phần đế tượng được chạm khắc nhiều hoa văn li ti rất công phu.

Cũng theo ông Hồng, vào thời điểm đó, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay của các nghệ nhân Long An sau khi hoàn thành đã gây tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật miền Bắc lúc bấy giờ. Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã tặng cho 3 nghệ nhân mỗi người một bằng khen đột xuất.

Lần đầu tiên ở Việt Nam mới có một đơn vị và nghệ nhân sao chép thành công tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, đặc biệt là tượng thu nhỏ rất công phu. Đây là kết quả lao động miệt mài sáng tạo của các nghệ nhân Long An. Việc trưng bày, giới thiệu với khách tham quan tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được sao chép thành công từ tượng gốc ở chùa Bút Tháp đã làm phong phú thêm số lượng hiện vật trưng bày của Bảo tàng Long An và làm tăng thêm lòng tự hào về nghề chạm khắc gỗ truyền thống của tỉnh Long An.

Thanh Tùng - Ngọc Mai

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/ky-cong-sao-chep-tuong-quan-am-nghin-mat-nghin-tay-dua-ve-phuong-nam-a65790.html