Kỳ công '1.000 tạo tác rồng tiên'

Vào những ngày gần Tết 2024, chúng tôi về thăm làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) để tận mắt chiêm ngưỡng 1.000 tác phẩm điêu khắc rồng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.

Trong vài năm trở lại đây, nền nghệ thuật nước nhà trở nên rực rỡ, đa dạng hơn với nhiều loại hình sáng tạo mạnh mẽ từ các nghệ nhân, nghệ sĩ, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, người nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc sơn mài. Năm nay, anh Phát tiếp tục phát huy sức sáng tạo mạnh mẽ của mình bằng việc ra mắt bộ sưu tập “1.000 tạo tác rồng tiên” chào đón năm Giáp Thìn 2024.

Bộ sưu tập này được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lấy ý tưởng từ truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên, với mục đích nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Để đề cao tính thuần Việt, anh Phát đưa hình tượng rồng thời Lý, với các phẩm chất cao đẹp của người Việt như sự nho nhã, chất phác, thân thiện… vào trong bộ sưu tập. Hình tượng này còn khẳng định rồng của người Việt không lẫn với hình ảnh rồng của quốc gia khác. Các tác phẩm của anh Phát lần này sở hữu kích thước đa dạng hơn so với những bộ sưu tập trước đây. Ví dụ tác phẩm “Nàng tiên nhỏ” chỉ có kích thước 10cm x 10cm, nhưng tác phẩm lớn “Chiếc lồng đèn” lại có kích thước 6m x 6m. Các chất liệu anh sử dụng trong bộ sưu tập cũng gắn liền với đời sống, lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta như gỗ, mây, tre… Việc sử dụng các yếu tố thuần Việt vào từng tác phẩm thể hiện niềm tự hào dân tộc sâu sắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.

">

Tác phẩm “Bộ ghế rồng tiên” do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thực hiện.

Trong bộ sưu tập, anh Phát còn sử dụng khá nhiều chất liệu gốm. Anh Phát tâm sự: “Ít ai biết ở Sơn Tây cách đây hơn 100 năm đã có làng gốm Lò Nồi, Phú Nhi, nhưng nay đã mai một nhiều. Thông qua bộ sưu tập lần này, tôi quyết tâm mang nghề gốm truyền thống xứ Đoài trở lại với người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Tôi đã phục dựng lại một xưởng gốm theo đúng khuôn mẫu làng gốm Lò Nồi xưa cho người dân và du khách tham quan, trải nghiệm”.

Với số lượng rất lớn trong bộ sưu tập “1.000 tạo tác rồng tiên”, có thể thấy thời gian và công sức nghệ nhân bỏ ra rất lớn. Trong đó, tác phẩm anh Phát tâm huyết nhất phải mất tới hai năm để thực hiện là “Bộ ghế rồng tiên”. Tác phẩm là một chiếc ghế dài, với 50 nàng tiên đủ các kích thước, được sắp xếp bố cục rất tỉ mỉ. Anh Phát cho biết: “Tôi chọn các thân gỗ lũa mềm mại, uyển chuyển để làm nguyên liệu. Trong quá trình tạo tác bộ sản phẩm này, quan trọng nhất là làm sao để các đoạn gỗ thô, cứng có thể ghép nối với nhau, tạo nên một hình rồng hoàn chỉnh. Ngoài ra, tác phẩm còn kết hợp hài hòa với nghệ thuật sắp đặt, sao cho ghế rồng và các nàng tiên tạo nên hình ảnh rồng vươn mình uốn lượn bay lên, cùng những nàng tiên đang nhảy múa. Hai chủ thể này phải thật sống động, phối hợp với nhau và có chiều sâu, tạo cảm giác chân thật nhất đối với thị giác”.

Không chỉ những tác phẩm lớn mới tốn công sức mà ngay cả các tác phẩm nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng rất đặc sắc từ tạo hình đến ý nghĩa. Ví dụ, chỉ một chiếc khay đựng đồ hình “cá chép hóa rồng” cũng mang thông điệp khát khao thành đạt, ý chí vươn lên trong cuộc sống với những nét chạm trổ tinh vi, sống động. Điều đó cho thấy hai chữ “kỳ công” thật sự xứng đáng dành cho “1.000 tạo tác rồng tiên” của người nghệ nhân.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ky-cong-1-000-tao-tac-rong-tien-759381

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/635642-ky-cong-1-000-tao-tac-rong-tien.html