Kỳ bí Lễ nhảy lửa của người Pa Thẻn

Kinh ngạc và tò mò là những cảm xúc đầu tiên của tôi khi chứng kiến Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Đống củi lớn được đốt lên giữa không gian rộng, khi củi đã cháy thành than hồng rực, từng người đàn ông đang ngồi quây quanh thầy cúng nhảy vào đống củi bới tung lên. Kỳ lạ thay, chân tay họ không hề bị bỏng hay thương tích gì.

Những người đàn ông Pà Thẻn được thần linh lựa chọn nhảy vào giữa đống than hồng nhưng không bị bỏng. Ảnh: Bích Nguyên

Những người đàn ông Pà Thẻn được thần linh lựa chọn nhảy vào giữa đống than hồng nhưng không bị bỏng. Ảnh: Bích Nguyên

Với những giá trị lịch sử, văn hóa mang trong mình, Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, tỉnh Tuyên Quang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 1/6/2023. Đây chính là cơ sở để chính quyền các địa phương có người Pà Thẻn sinh sống và nhân dân tiếp tục quảng bá, quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này.

Lễ nhảy lửa là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Không chỉ thể hiện mong muốn bội thu, mọi người được bình an, khỏe mạnh, Lễ nhảy lửa còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn từ đời này qua đời khác.

Theo quan niệm của người Pà Thẻn, xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc để có thể vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy. Họ cho rằng, vị thần tối cao là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Hàng năm, họ thường tổ chức Lễ nhảy lửa khi mọi công việc đồng áng đã xong xuôi (khoảng từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng Giêng âm lịch năm sau) để mừng cho mùa màng bội thu.

Thông thường, Lễ nhảy lửa được bắt đầu từ khoảng 7 giờ tối. Mở đầu nghi lễ, thầy cúng thắp nến và bày các lễ vật lên mâm cúng. Người Pà Thẻn thường chuẩn bị mâm cúng không quá cầu kỳ, bao gồm 1 con lợn, rượu, giấy cúng, đèn hương... Các học trò của thầy cúng cũng để sẵn củi thành một đống lớn, sau đó đốt cháy rực.

Khi lễ vật đã được bày biện xong, người chủ trì Lễ nhảy lửa mà tôi được chứng kiến là nghệ nhân, thầy cúng Phù Văn Thành, ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang bắt đầu làm lễ khấn thần linh. Ở xã Hồng Quang, thầy Thành được mọi người coi là thầy cúng cao tay, thuộc các bài cúng và thành thạo trong việc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc để mời thần linh xuống trần gian.

Thầy Phù Văn Thành thực hành nghi lễ cúng mời thần linh trong Lễ nhảy lửa. Ảnh: Bích Nguyên

Thầy Phù Văn Thành thực hành nghi lễ cúng mời thần linh trong Lễ nhảy lửa. Ảnh: Bích Nguyên

Nghệ nhân, thầy cúng Phù Văn Thành làm lễ khấn thần linh. Xung quanh thầy là những người đàn ông đã được lựa chọn từ trước. Khi thầy gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (khoảng 8-10 nam giới) sẽ ngồi đối diện với thầy cúng và được làm phép để có khả năng nhảy lửa. Theo quy định của người Pa Thẻn, trong suốt thời gian thầy cúng làm lễ cúng, phụ nữ và trẻ em không được đứng gần khu vực thầy và những người đàn ông tham gia nhảy lửa làm lễ.

Thầy Thành thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, tiếp tục thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Sau đó, thầy ngồi vào ghế cúng, một tay cầm que tre, một tay cầm chiếc vòng lắc. Thầy vừa gõ que tre vào đàn Pàn dơ, vừa lắc vòng, thân người rung rung theo từng nhịp gõ. Cùng lúc này, thầy đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Sau đó, thầy sai các học trò nhóm lửa vào đống củi. Thầy cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò.

Sau đó, thầy tiếp tục cúng, hai mắt nhắm lại, dồn hết tâm ý vào bài cúng. Sau khoảng 20 phút, thầy Thành khấn thần linh, các chàng trai bắt đầu nhảy múa, lao vào đống lửa, với đôi chân trần mà không hề sợ hãi. Họ dùng hai tay bới tung đống than ra xung quanh. Khi một người nhảy xong, lao từ đống than hồng ra ngoài, lại có một hoặc hai, ba người khác nhảy vào. Cứ thế, họ nhảy múa trong đống lửa mà không hề cảm thấy nóng rát. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn ngồi gõ đàn và khấn thần linh. Còn những người tham gia nhảy lửa đến khi than tàn mới thôi.

Mỗi lễ nhảy lửa thường có 8-10 người đàn ông tham gia nhảy lửa, chân tay họ đều đen nhẻm vì tro than bám vào. Ảnh: Bích Nguyên

Mỗi lễ nhảy lửa thường có 8-10 người đàn ông tham gia nhảy lửa, chân tay họ đều đen nhẻm vì tro than bám vào. Ảnh: Bích Nguyên

Chứng kiến lễ hội độc đáo này, anh Cứ A Tùng, người Mông ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vô cùng kinh ngạc khi thấy những người đàn ông Pà Thẻn cứ thế lao vào đống lửa, không chút sợ sệt. Anh càng tò mò hơn khi những người đàn ông bước ra khỏi đống lửa không bị bỏng tay chân. Anh Tùng thốt lên: “Tôi rất hồi hộp và kinh ngạc khi họ không bị thương tích gì. Tôi nghĩ, đây là nghi lễ rất độc đáo cần được bảo tồn và duy trì”.

Bước ra từ đống than hồng, hai bàn tay và chân của anh Phù Văn Hồng, thôn Thượng Minh đen nhẻm bụi than. Sau khoảng vài phút nghỉ ngơi, anh Hồng vui vẻ cho biết: "Tôi nhảy lửa được 10 năm rồi và chưa khi nào bị bỏng. Những người khác cùng tham gia nhảy lửa như tôi cũng vậy, chân tay vẫn nguyên lành, không bị tổn thương gì cả". Cũng theo anh Hồng, trước khi nhảy lửa, thầy cúng phải xem những người tham gia nhảy lửa có khả năng nhảy vào lửa an toàn thì thầy mới cúng chọn. Sau khi than tàn, những người tham gia nhảy lửa vẫn tiếp tục ngồi bên cạnh thầy để chờ thầy cúng thu quân, tiễn thần linh về trời.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-bi-le-nhay-lua-cua-nguoi-pa-then-post469782.html