Kỳ 6: Mừng ít lo nhiều

Làm thế nào để tránh “có tiếng mà không có miếng” trong xuất khẩu, Thanh Niên đã phỏng vấn ông Phan Thế Ruệ (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) về vấn đề này.

Ảnh: C.N

Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu (XK) của VN trong năm qua, cũng như thành tích xuất siêu được 284 triệu USD?

Cuối năm 2011, chúng ta dự báo là năm 2012 sẽ rất khó khăn nên Bộ Công thương chỉ đưa ra mức tăng trưởng XK 10%. Thế nhưng kết quả năm nay kim ngạch XK tăng đến 18,3%, đây là điểm sáng của nền kinh tế VN năm 2012. Nhờ vậy mà chúng ta xuất siêu được 284 triệu USD, sau 19 năm. Trong điều kiện nền kinh tế VN và thế giới như hiện nay thì xuất siêu là vấn đề phải suy nghĩ. Thứ nhất, nếu không có các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì VN vẫn nhập siêu, đó là điều chắc chắn. Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, có sự hoán đổi. DN FDI từ 40% thị phần trước đây đã tiến lên chiếm 60% thị phần. Ngược lại, các DN trong nước từ 60% tuột xuống chỉ còn 40%. Điều này chứng tỏ là các DN trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ nội tại của nền kinh tế như lãi suất cao, khó tiếp cận vốn, nhiều chính sách của chúng ta làm tăng chi phí đầu vào... Bên cạnh đó, trong năm qua rất nhiều chính sách đã vô tình làm cản trở XK. Cụ thể như chính sách tỷ giá đồng VN mạnh thì rõ ràng chỉ khuyến kích nhập khẩu mà không khuyến kích XK. Những chính sách vĩ mô không ổn định, tài chính tiền tệ gây khó khăn cho DN nói chung và DN XK nói riêng khiến DN càng xuất thì càng lỗ. Bên cạnh đó là thị trường ngoài nước đặc biệt là thị trường truyền thống cũng xuất hiện nhiều khó khăn.

Như vậy kết quả xuất siêu của năm nay không đáng để mừng?

Tôi thấy mừng thì ít mà lo thì nhiều. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta muốn tăng trưởng kinh tế thì phải tăng trưởng xuất khẩu, tỷ giá đồng VN không thể giữ như thế này. Trong khi chúng ta xuất siêu nhưng tăng trưởng kinh tế rất thấp, đây cũng là điều “nghịch” với những năm trước đây.

Ông lý giải thế nào về việc chúng ta càng xuất nhiều lại càng thiệt?

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do cơ cấu nội tại của nền kinh tế và cơ cấu XK của chúng ta. Chẳng hạn như ngành gạo, năm nay chúng ta xuất đến 8 triệu tấn mà lợi nhuận thu được giảm tới 50 - 60 triệu USD so với năm ngoái. Điều này rất bất hợp lý nhất là khi Thái Lan họ vừa tăng được lượng vừa tăng được giá. Vấn đề ở đây là chúng ta sản xuất các giống ngắn ngày năng suất cao nên chất lượng thấp. Mà chất lượng thấp thì không thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới nên giá thấp. Kế đến là mạng lưới thu mua, chế biến, bảo quản, dịch vụ XK của chúng ta làm chưa tốt. Các DN XK vẫn cạnh tranh lẫn nhau, sản phẩm ra thị trường không đồng nhất, phải bán giá thấp, rồi bị cạnh tranh của các nước khác. Trong khi Thái Lan họ có chính sách thu mua riêng, còn XK thì họ biết chờ thời cơ. Ở VN, giá trị gia tăng của người sản xuất rất thấp, trong chuỗi giá trị người trực tiếp sản xuất không được lợi.

Lương công nhân ngành da giày hiện vẫn còn thấp - Ảnh: Diệp Đức Minh

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Phải tổ chức lại hệ thống sản xuất

Hiện tại, dù XK gạo của VN đóng góp trên 20% tổng nguồn cung trên thị trường thế giới và có trên 20 năm kinh nghiệm nhưng khâu tổ chức sản xuất của chúng ta có vấn đề khi mà chất lượng, hiệu quả chưa cao. Vấn đề tăng chất lượng, hiệu quả đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất. Giống lúa tốt mình không thiếu, kỹ thuật sản xuất của nông dân cũng “ngon lành” nhưng hiện nay, nông dân và DN không ngồi chung thuyền cùng vui, cùng khổ, cùng sướng với nhau.

Cụ thể như Bộ NN-PTNT đã đưa ra các mô hình sản xuất hiện đại là cánh đồng mẫu lớn. Mô hình này sẽ khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng thấp của chúng ta hiện nay nhưng thực tế chỉ có một số ít các công ty bảo vệ thực vật, phân bón tham gia. Còn Tổng công ty lương thực - đơn vị thu mua XK chính - thì lại lơ là. Chúng ta cũng không tổ chức sản xuất theo chuỗi ngành hàng mà làm theo công đoạn, “ông” nào làm khúc nào ăn khúc đó, mua đứt bán đoạn nên hiệu quả chất lượng cũng không cao. Vì vậy, phải tổ chức lại hệ thống sản xuất.

PGS-TS Võ Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại: "Quan" hiệp hội chỉ nhằm kéo dài đời sống công chức

Hiệp hội đúng nghĩa phải tạo được sự hợp tác, hỗ trợ nhau giữa các DN nhưng ở nước ta các hiệp hội chưa làm được việc ấy. Một số hiệp hội chỉ là danh nghĩa, chưa đủ tầm cỡ để mà giúp nhau, thỏa thuận với nhau kinh doanh như thế nào cho có lợi, lúc nào đáng mua, lúc nào đáng bán, mua giá nào và bán giá nào cho phải. Những người làm “quan” ở hiệp hội phải là những người thực sự tâm huyết, vì lợi ích chung, không chỉ của DN mà còn phải coi trọng lợi ích của người nông dân oằn mình làm ra hạt gạo, con cá, búp chè…Nhưng ở mình, “quan” hiệp hội là ai? Là những quan chức vừa có quyết định về hưu nhảy sang làm thêm mấy năm để kéo dài đời sống công chức. Có hiệp hội tập hợp còn lỏng lẻo. Như Hiệp hội Điều chẳng hạn, cứ lục đục suốt, còn thời gian đâu mà hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận.

Quang Duẩn (ghi)

TS Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ: Phải có nhạc trưởng làm cầu nối

Vì sao xuất khẩu của chúng ta lúc nào cũng bấp bênh, thời vụ, không vững chắc, đó là do tư tưởng của các DN mua bán luôn luôn khép kín, tự bươn chải, không hợp tác, bắt tay nhau. Thậm chí khi khó khăn còn “dìm” nhau, trục lợi, ép giá. Khi DN xé lẻ, manh mún, thì chí ít các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề phải đứng ra làm nhạc trưởng để điều khiển, sắp xếp. Theo tôi, phải có nhạc trưởng, có cầu nối, các DN mới theo được.

Anh Vũ (ghi)

Chí Nhân (thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130121/mung-it-lo-nhieu.aspx