Kỳ 6: Giulio Andreotti – Quý ngài nước Ý

GD&TĐ - “Người của Andreotti” bị mafia hạ sát vào tháng 3/1992 là Salvatore Lima, tên thường gọi là Salvo Lima. Là một chính trị gia lão luyện, Lima đóng một vai trò quan trọng trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (DC) từ những năm 1950.

Ngõ cụt

Ông ta liên minh với các phe phái đối lập nhau trong chính trường Ý: Đầu tiên là phái Amintore Fanfani, và sau đó là “tử thù” của Fanfani là Giulio Andreotti.

Trong bản báo cáo của Hội đồng Chống Mafia đầu tiên của Ý (giai đoạn 1963 – 1976), Lima được miêu tả như một trong những “trụ cột quyền lực” của mafia Ý ở Palermo.

Cái chết của Salvo Lima cũng là tiếng chuông cảnh báo mối liên hệ của mafia và “những người bạn” chính trị gia. Mafia đã cảm nhận được sự quay lưng của Lima và Andreotti, và kết tội hai nhân vật này đã không ngăn cản được phán quyết của phiên tòa đại hình năm 1986, khiến hàng loạt ông trùm mafia phải ngồi tù.

Năm 1982, Andreotti chỉ định Carlo Alberto Dalla Chiesa nhận vị trí Quận trưởng Palermo. Trong một văn bản viết ngày 2/4/1982 gửi Tổng thống Giovanni Spadolini, Dalla Chiesa đã viết rằng những thành viên gốc Sicily của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo có quan hệ với Andreotti đều đã bị thâm nhập bởi mafia.

Theo lời chị của nhà báo Mino Pecorelli, Dalla Chiesa đã gặp gỡ Pecorelli (cả hai đều là thành viên Hội Tam điểm Propaganda 2) vài ngày trước khi Pecorelli bị ám sát năm 1979.

Pecorelli đã chuyển cho Dalla Chiesa nhiều văn bản chứa những chứng cứ và lời buộc tội chống lại Andreotti. Trước khi chết, một cộng sự của Andreotti là Franco Evangelisti cũng kể lại với một nhà báo về cuộc gặp gỡ bí mật giữa Andreotti và Dalla Chiesa.

Dalla Chiesa đã cho Andreotti xem toàn bộ những ghi chép của Aldo Moro với nhiều tiết lộ nguy hiểm về Andreotti. Những ghi chép này chỉ được đưa ra công khai vào năm 1990.

Tháng 9/1982, Dalla Chiesa và vợ bị mai phục và bị bắn chết trong ô tô riêng. Các điều tra sau này cho thấy mafia đã chuẩn bị cho vụ ám sát Dalla Chiesa từ năm 1979, ba năm trước khi ông nhận nhiệm vụ làm Quận trưởng Palermo.

Theo Tòa án Perugia và Palermo, “Andreotti có mối quan hệ lâu năm với những người mà theo nhiều cách, đều rất quan tâm đến ông chủ ngân Banca Privata Italiana, thành viên của Hội Tam điểm P2 – Michele Sindona”.

Mối quan hệ này càng trở nên chặt chẽ hơn khi các ngân hàng của Sidona phá sản vào năm 1976. Licio Gelli, “sếp sòng” chi nhánh P2 của Hội Tam điểm, đã đề xuất kế hoạch cứu Banca Privata Italiana lên Andreotti, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, Andreotti đã không thuyết phục được Bộ trưởng Bộ Tài chính Ugo La Malfa. Sau này, Andreotti phủ nhận sự liên quan có tính chất cá nhân, và khẳng định mọi nỗ lực cứu ngân hàng này chỉ thuần túy là vì công việc chung. Khi Sidona trốn sang Mỹ, Andreotti vẫn tiếp tục giữ liên lạc với nhân vật này.

Năm 1984, Sidona bị bắt và dẫn độ về Ý. Sau này ông ta bị kết án tù chung thân vì phá sản và vì vụ đầu độc Giorgio Ambrosoli – một tù nhân ở nhà tù Voghera – năm 1986, nhà báo kiêm giảng viên ĐH Sergio Turone cho rằng Andreotti có vai trò trong việc cung cấp đường có thuốc độc cho Sindona trong tù, nhằm làm cho sức khỏe ông này suy yếu để có thể được trở lại Mỹ. Kế của Andreotti bất thành, thay vì suy yếu, Sindona đã… lìa đời.

Cũng có thể Andreotti đánh lừa để Sindona “tự nguyện” dùng độc dược, bởi lo ngại rằng khi nhận ra mình không còn được ủng hộ, Sindona sẽ tiết lộ những tình tiết nguy hiểm về cuộc sống của Andreotti.

Cuộc đời và tính cách của Andreotti – người 7 lần làm Thủ tướng Ý – là nguyên mẫu của nhân vật Don Licio Lucchesi trong phim The God Father III.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/ky-6-giulio-andreotti-quy-ngai-nuoc-y-2532470-b.html