Kỳ 3: Lộ diện tướng cướp tên 'Tân'

Lực lượng Săn bắt cướp (SBC) thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Sở Công an TPHCM sau khi được thành lập vào tháng 3/1978 đã lập hàng loạt chiến công hiển hách, làm nức lòng nhân dân và gây khiếp đảm cho các băng cướp khét tiếng. Trong quá trình tham gia điều tra vụ án vợ chồng nữ nghệ sĩ (NS) Thanh Nga bị sát hại, SBC lại lập thêm thành tích sáng chói khi tiêu diệt băng cướp Sòng Sơn khét tiếng tàn bạo từ trước 1975 ở Sài Gòn, cũng như hàng chục băng, ổ nhóm cướp khác trước khi 'bắn xuyên táo' 2 đối tượng tội phạm gây ra tội ác sát hại vợ chồng NS Thanh Nga làm hàng triệu người phẫn nộ...

Từ nhận định vụ bắn chết vợ chồng NS Thanh Nga có động cơ bắt cóc, tống tiền, Ban chuyên án lật lại hồ sơ vụ án bắt cóc cháu Tô Rô, con trai NS Kim Cương để tống tiền 20 lượng vàng xảy ra ngày 26/12/1977, trước vụ án mạng Thanh Nga 13 tháng. Theo lời kể của cha cháu bé thì tên cướp đến nhận vàng có dáng cao, hao hao giống người lai Âu - Phi. Lập tức tất cả những đối tượng lai Âu - Phi được kiểm tra, nhưng kết quả không nói lên được liên quan nào đến vụ án bắt cóc cháu Tô Rô tống tiền 20 lượng vàng. Vậy là vụ án này vẫn tiếp tục bế tắc như vụ án Thanh Nga!

Soạn giả cải lương Nguyễn Phương (sinh ngày 01/7/1922 tại Mỹ Tho, mất tháng 7/2020 tại Canada) là thầy dạy Thanh Nga múa, hát thuở mới vào nghề, khi nghe tin Thanh Nga bị bọn cướp bắn chết đã bàng hoàng, đau thương, tiếc nuối thốt lên: "... Sinh mạng bị cướp đi của Thanh Nga là một tổn thất không gì bù đắp nổi cho sân khấu cải lương và là niềm đau của hàng triệu người. Dù tội ác có được trừng trị, nhưng có lẽ thêm ngàn lần trừng trị nữa cũng không tương xứng với tổn thất mà tội ác đã gây ra".

Bất ngờ xảy ra khi V. - một tên cướp trốn truy nã bị trinh sát bắt giữ đã khai ra "bà sếp" của hắn cũng từng nuôi một bé trai 5 tuổi chờ phụ huynh đem vàng đến chuộc. Tra theo tàng thư cảnh sát chế độ cũ để lại thì "bà sếp" của V. chính là Thúy Mai - vợ của Trần Đức Thuận, kẻ cầm đầu băng cướp Sòng Sơn khét tiếng. Trước 30/4/1975, trên đường Trương Minh Ký, Sài Gòn có ngôi đền Sòng Sơn được đồn thổi rất linh thiêng. Vợ, con các tướng lĩnh, chính khách thường mang lễ vật đến đây cầu tai qua nạn khỏi và cầu thêm quyền cao, chức trọng cho chồng, cha, anh mình. Vợ chồng Thúy Mai, Đức Thuận liền tổ chức khống chế tài xế, cận vệ của các phu nhân, tiểu thư rồi cướp nữ trang, hột xoàn, tiền bạc số lượng lớn của họ. Băng cướp này rất xảo quyệt nên cảnh sát chế độ cũ rất cay cú, đã lên kế hoạch "úp sọt" chúng. Cả bọn bị đày đi Côn Đảo.

NS Thanh Nga tài sắc vẹn toàn

Khi Côn Đảo được giải phóng, chính quyền cách mạng ân xá cho chúng. Trở về Sài Gòn năm 1976, nhóm đối tượng này bắt đầu tập hợp nhân sự, vũ khí, gây ra... 60 vụ cướp rất tàn bạo, bắn chết 10 người, bắn bị thương 15 người. Lực lượng SBC chạm trán các sát thủ chuyên nghiệp này tại sào huyệt của chúng ở xã Tân Hiệp - Hóc Môn. Nguyễn Đức Thuận cùng hàng chục đệ tử dùng các loại súng, lựu đạn tử chiến dữ dội nhưng lần lượt bị tiêu diệt hoặc bị thương phải đầu hàng. Riêng "phó tướng" của Thuận là Lê Văn Giỏi bắn súng thiện xạ bằng cả hai tay đã thoát được vòng vây nên nhiều tổ SBC tiếp tục truy tìm hắn.

Mấy ngày sau, Giỏi bị phát hiện khi đang cùng đồng bọn tính gây một vụ cướp để kiếm vàng vượt biên sau khi "chủ tướng" Thuận và vợ là Thúy Mai sa lưới. Trong khoảnh khắc đối mặt nhau nghẹt thở, trinh sát đã nhanh hơn nổ súng trước, Lê Văn Giỏi gục ngã, chiếc xe Vespa do hắn điều khiển văng vào lề. Ngoài khẩu súng Rulô trên tay, trong cốp xe Vespa của Giỏi còn một khẩu Colt 45, 2 quả lựu đạn, dao bấm... Phá được băng cướp Sòng Sơn, bắt được vợ chồng đối tượng cầm đầu, thu rất nhiều súng, đạn, "chiến lợi phẩm" chúng cướp được cũng không có chứng cứ gì để nói băng cướp Sòng Sơn liên quan đến vụ án Thanh Nga. Nhưng bà Hiệp Thành - mẹ vợ đối tượng Thuận xác nhận, bà có nuôi một đứa trẻ do vợ chồng Thuận gửi về. Trinh sát cho xem nhiều ảnh trẻ con thì bà nhận ra cháu Tô Rô trong số ảnh đó.

Tiến hành thêm các bước điều tra, lực lượng chức năng nhận thấy Tô Rô và cháu bé do bà Hiệp Thành nuôi có khuôn mặt rất giống nhau, nhưng không phải là một. Cháu Tô Rô bị bắt cóc khi đang ở nhà trẻ "Vườn Hồng". Hai tên cướp chĩa súng khống chế cô giáo rồi ẵm Tô Rô nhảy lên Honda 67 chở đi. Sau này Tô Rô kể lại hành trình bị bắt cóc: "Người ta chở con đi trên một con đường thật là xa, qua con sông thật là rộng trên một chiếc tàu 2 tầng. Tới nơi con có 3 đứa bạn là Bé Sáu, Đức mập và út Tâm. Lại có bà cụ già ốm nhom...". Cuối cùng, các mũi trinh sát dốc sức lần theo lời kể của cháu Tô Rô và tìm ra một ngôi nhà ở ấp Ngàn Rô, xã Đại Ân 2, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang. Ở đó vẫn còn đủ 3 người bạn của Tô Rô và bà cụ ốm nhom, già khọm...

Trong lúc cơ quan điều tra đang xác minh về chủ nhân của ngôi nhà này thì ngày 06/02/1979, cơ quan công an nhận được cuộc điện thoại của vợ bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ báo tin cháu Phương, con trai bà vừa bị bắt cóc và đòi tiền chuộc 50 lượng vàng. Lập tức các đơn vị SBC, trinh sát cực giỏi được điều vào trận đánh quan trọng này.

Trinh sát đuổi theo bắn trúng lưng đối tượng Hóa được Tân chở trên Honda 67 (ảnh tư liệu)

Theo kế hoạch, lực lương mai phục sẽ ập vào ngay khi có kẻ ra gặp người nhà cháu Phương để nhận vàng. Song do "sự cố" về tín hiệu nên khi tên cướp lấy vàng xong nhảy lên Honda 67 do đồng bọn chờ sẵn phóng đi thì mới có hiệu lệnh tấn công. Các "ngựa sắt" của SBC liền "bay" trên đường đuổi theo. Chúng ném lựu đạn vào xe SBC nhưng may là lựu đạn không nổ. Các trinh sát nhắm vào bánh xe bọn cướp siết cò, nhưng viên đạn sượt qua bô xe. Đến phát thứ ba thì trúng lưng đối tượng ngồi sau, máu loang đỏ lưng áo trắng, hắn đau đớn cố bám vào đối tượng cầm lái, chúng thoát được nhờ đã tính toán lộ trình từ trước khi nhận vàng.

Căn cứ theo dấu máu rơi lại trên đường phố, Ban chuyên án nhận định đối tượng ngồi sau bị thương rất nặng, chắc chắn phải vào bệnh viện cấp cứu. Toàn bộ các bệnh viện trong thành phố được báo động, chờ đón "vị khách đặc biệt". Cuối cùng đối tượng chọn Bệnh viện Chợ Rẫy. Lực lượng công an đã đến trước, mọi việc suôn sẻ khi bệnh nhân bị vết thương từ lưng xuyên qua bụng đã đuối cả sức lực lẫn ý chí kháng cự. Đó là đối tượng Nguyễn Văn Hóa. Hóa khai sau khi bắt cóc cháu Tô Rô, theo lệnh đàn anh tên "Tân", hắn ném bức thư yêu cầu đưa 20 lượng vàng vào nhà NS Kim Cương. Tân chia cho Hóa 6 chỉ vàng, nhưng Hóa báo lại Tân là có 4 chỉ vàng giả. Tân liền "bù đắp" cho Hóa 940 đồng (lúc đó lương kỹ sư là 61 đồng). Vụ thứ hai, Hóa cùng Tân bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ tống tiền 50 lượng vàng, Hóa được chia 3 lượng vàng và số tiền 200 đồng...

Từ lời khai của Hóa, Ban chuyên án đã xác định đối tượng có tên "Tân" đã cùng đồng bọn thực hiện vụ bắt cóc con NS Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ để tống tiền. Trinh sát về nhà đối tượng Tân ở ấp Ngàn Rô (Hậu Giang) mai phục, nhưng nhiều ngày đêm Tân không xuất hiện. Các trinh sát tiếp tục kiên nhẫn chờ và cuối cùng bắt được Giang Vĩnh Xương đến liên lạc với gia đình Tân. Xương khai mỗi lần lên Sài Gòn thường hẹn gặp Tân ở đường Nguyễn Biểu, quận 5... Một hướng điều tra mới lại được mở ra...

Thư đe dọa tống tiền do đối tượng Tân viết (ảnh tư liệu)

Đối tượng Nguyễn Văn Hóa lúc bị bắt và khi cấp cứu trong bệnh viện (ảnh tư liệu)

Lúc trong tù Hóa viết thư cho Tân: "Anh Tân, tôi vẫn còn sống và đang nằm bệnh viện nhà lao Chí Hòa. Hôm nay tôi biên thư cho anh biết tôi được một viên trung tá bác sĩ cứu sống. Người này cùng cảnh ngộ với ta thôi. Hôm nay nhờ bác sĩ làm bệnh án, tôi được chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa vết thương. Trên xe chỉ có bác sĩ và cháu ông ta là Hưng cũng là người lái xe. Xe sẽ đi chậm từ hãng rượu Lave, hoặc ngã tư Nguyễn Văn Thoại trên đường Trần Hoàng Quân. Trên quãng đường ấy thì mấy anh theo xe đón tôi..." (trích phim tài liệu Chuyên án TN-11).

Hóa mơ là thư đó đến tay Tân và vụ cướp tù trên đường sẽ xảy ra như trong phim Mỹ mà không ngờ rằng đó chỉ là biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an hòng "lùa cá vào lưới"...

Hưng đã mang bức thư đó đưa cho Hồ Văn Hùng ở trên đường Nguyễn Biểu, quận 5. Hùng đã bị bắt vì tội thông đồng với phạm nhân đang bị giam giữ, nhưng hắn chỉ khai chung chung về nơi ở của đối tượng Tân. Nhờ sự giúp đỡ của quần chúng, 1 giờ sáng ngày 10/4/1979, các trinh sát cùng chính quyền, công an địa phương đã bắt được đối tượng Tân tại một căn nhà ở cư xá Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Tân đang ngủ trên gác thì bị đội trưởng SBC Hai Thành giật mùng, hắn bật dậy thì bị giáng một báng súng K59 vào đầu đổ gục. Tân giơ tay chịu còng với vết thương sau lưng do viên đạn bắn đối tượng Hóa "xuyên táo". Ngoài Tân, cơ quan điều tra bắt em ruột Tân là Nguyễn Văn Mai ở gần nhà Tân. Khám trong người Tân còn 15 lượng vàng, nhiều đồ nữ trang và cả đầu đạn mà trinh sát SBC đã bắn xuyên lưng Hóa găm vào lưng Tân. Tân giữ đầu đạn "kỷ niệm" chờ trả thù...

(Còn tiếp...)

PHÚC HUY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/ky-3-lo-dien-tuong-cuop-ten-tan_147988.html