Kỳ 3 - Dự án 300 tỷ sạt lở ở Điện Biên: Điểm mặt các 'quan lớn, quan bé' sai phạm

Hàng loạt cán bộ 'lớn - bé' của tỉnh Điện Biên đã phải 'cúi mặt' nhận án kỷ luật liên quan đến trách nhiệm để xảy ra sự cố nêu trên.

Xin được tóm lược vụ việc này như sau: Dự án San nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên được khởi công xây dựng đầu tháng 10/2015 và thực hiện cơ bản hoàn thành cuối tháng 12/2015.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đang đi vào những hạng mục cuối cùng của dự án thì xảy ra sự cố sạt lở. Để sửa chữa, tỉnh Điện Biên dự toán sẽ hết 250 tỷ đồng để khắc phục.

Trong khi tỉnh không còn ngân sách để đối ứng, lãnh đạo tỉnh đã phải về Trung ương xin bố trí vốn để khắc phục sự cố. Như vậy, tổng mức đầu tư dự án đã lên đến hơn 566 tỷ đồng.

Sự cố thiệt hại hàng trăm tỷ... xử phạt trách nhiệm 40 triệu đồng (!?)

Như vậy, việc đội vốn dự án đã xảy ra. Nguyên nhân có "nhân tai" hay "thiên tai" hay kết hợp cả 2 yếu tố vẫn được cơ quan chức năng tỉnh này "ráo riết" tiếp tục xác định. Tuy nhiên, công trình không thể để xuống cấp như vậy được. Cần phải có vốn để tiếp tục bàn giao công trình. Cuối cùng, các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng chấp nhận cấp 1 phần vốn trong dự toán đề xuất (250 tỷ đồng) của UBND tỉnh Điện Biên, để tình này khắc phục sự cố một cách nhanh nhất.

Nhiều công trình ở Mường Lay bị đe dọa trước nguy cơ sạt lở. Ảnh: TTXVN

Xin gác lại một bên câu chuyện về vốn. Một vấn đề đang được dư luận rất quan tâm đó là, trách nhiệm. Hai chữ trách nhiệm để xảy ra sự cố trên, ai sẽ chịu. Và những vị "quan to, quan nhỏ" nào sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan đến vụ việc này. Và họ sẽ bị xử lý trách nhiệm ra sao?

Theo Quyết định từ UBND tỉnh Điện Biên thì những vị "quan" này sẽ phải nộp phạt với tổng số tiền lên đến 40 triệu đồng.

Vậy những vị "quan" này là ai?

Cụ thể: Ông Phạm Văn Sỹ - Phó chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ (Nguyên trưởng BQL dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La) nộp phạt 15 triệu đồng

+) Ông Võ Hồng Thanh - Phó BQL dự án nộp phạt 15 triệu đồng.

+) Ông Hoàng Văn Chính - Trưởng phòng Xây dựng cơ bản (thuộc BQL dự án) nộp phạt 5 triệu đồng.

+) Ông Quách Như Hiếu; Tạ Song Hào - Cán bộ phòng Xây dựng cơ bản (thuộc BQL dự án) mỗi ông nộp phạt 2,5 triệu đồng.

Sai phạm đối với BQL dự án: - Để đơn vị tư vấn khảo sát thực hiện khảo sát không phù hợp

Trước đó, cuối tháng 3/2017 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể xung quanh sự cố sạt lở, tại văn bản này có nêu rõ:

"Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm về việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan theo đúng quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng hiện hành".

Để tăng tính răn đe, tháng 4/2017 UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 895/UBND-TH về việc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến sự cố công trình san nền, đường giao thông và thoát nước khu tái định cư Chi Luông (Thị xã Mường Lay, Điện Biên). Trong văn bản này nêu rõ:

"Tuyệt đối không sử dụng tiền của tập thể để nộp phạt vi phạm hành chính thay cho các cá nhân vi phạm".

Như vậy, có thể thấy rõ sự quyết liệt trong xử lý sai phạm liên quan đến các cá nhân vi phạm của UBND tỉnh Điện Biên. Các cá nhân để xảy ra sai phạm không được dùng tiền của tập thể để mang đi nộp phạt cho vi phạm của cá nhân được.

Nhưng...vâng, nhưng cụ thể việc các cá nhân có dùng tiền cá nhân của mình để đi nộp phạt hay không lại là chuyện hoàn toàn khác? Về vấn đề này Pháp luật Plus xin được gửi tới Quý bạn đọc trong bài viết sau.

Không chỉ vậy, dư luận đang cho rằng mức xử lý xử phạt vi phạm hành chính như vậy là "quá nhẹ" so với mức độ sự cố xảy ra.

4 vị quan đã phải "cúi mặt" và tâm phục khẩu phục trước Quyết định xử lý vi phạm từ UBND tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, điều dư luận đang hết sức quan tâm đó là công việc của những vị "quan lớn, quan bé" này ra sao sau khi bị "kỷ luật"? Họ có "thăng quan tiến chức" hay không? Hay vẫn giữ nguyên vị trí công tác.

Đồng chí Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và đoàn công tác của trung ương kiểm tra thực địa tại các khu vực có nguy cơ sụt, trượt cao của công trình. Ảnh dienbien.gov.vn

Nguyên Trưởng BQL dự án dính sai phạm là ai?

Qua điều tra, Pháp luật Plus được biết, ông Phạm Văn Sỹ - hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) - một trong nhiều cá nhân mắc sai phạm liên quan đến sự cố sạt lở tại Khu tái định cư Chi Luông.

Năm 2011, thông tin trên báo Nông nghiệp thời điểm đó ông Phạm Văn Sỹ đang giữ chức vụ Trưởng BQL dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Đến năm 2015, ông Phạm Văn Sỹ vẫn giữ chức vụ Trưởng BQL dự án. Cũng tại thời điểm năm 2015, sự cố Dự án San nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên bắt đầu diễn biến phức tạp.

Cuối năm 2015, ông Phạm Văn Sỹ được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên.

Cho đến ngày 4/3/2016, HĐND thành phố Điện Biên Phủ khóa IV nhiệm kỳ 2011-2016, đã tiến hành kỳ họp kỳ thứ 13 (bất thường), để kiện toàn chức danh lãnh đạo UBND thành phố. Tại kỳ họp, đại hội đã bầu ông Phạm Văn Sỹ - UVBTV Thành ủy, giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ khóa IV nhiệm kỳ 2011 -2016. (Trước đó, ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, sinh năm 1969; Trình độ: Chuyên môn Đại học; Lý luận chính trị cao cấp).

Ở diễn biến khác, ngày 07/3/2016, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 205/QĐ-BXD về việc tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho 10 cá nhân thuộc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2015. Trong đó có tên ông Phạm Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên.

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng dành cho cá nhân ông Phạm Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2015.

Cho đến cuối năm 2016, khi UBND tỉnh Điện Biên cùng các cơ quan ban ngành ráo riết tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục sự cố Dự án San nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông thì lúc diễn ra việc xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân cũng bắt đầu.

Tại thời điểm cuối năm 2016, ông Phạm Văn Sỹ đã không giữ chức vụ Trưởng BQL dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La cũng như Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên mà đã "yên vị" tại UBND TP Điện Biên Phủ với chức danh Phó chủ tịch UBND.

Trách nhiệm, sai phạm cũng đã được chỉ rõ. Nhưng nhiều vị quan vẫn ung dung "ngồi yên vị" trong khi sự cố vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tỉnh Điện Biên vẫn phải "ngửa tay" xin Chính phủ hàng trăm tỷ đồng để tái thiết lại dự án, cùng với đó là tìm nguồn lực khác để xử lý sự cố.

Việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, và những mức kỷ luật nặng nhẹ ra sao sẽ được Pháp luật Plus thông tin trong bài viết sau.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Vũ Quang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ky-3--du-an-300-ty-sat-lo-o-dien-bien-diem-mat-cac-quan-lon-quan-be-sai-pham-d55554.html