Kỳ 3: Đời thợ mỏ 'khai thác cộng đồng' ở Indonesia

Là đất nước giàu khoáng sản bậc nhất ở Đông Nam Á với các mỏ than đá, vàng, nhôm và nikel, trong đó có những mỏ vàng với trữ lượng lớn nhất thế giới, nhưng bên cạnh đó, rừng nhiệt đới ở Indonesia cũng bị tàn phá, các dòng sông ô nhiễm, sức khỏe và sinh mạng những thợ mỏ lẫn cộng đồng dân cư bị đe dọa… Đó là hệ lụy của tình trạng 'khai thác mỏ cộng đồng', tức nhiều người cùng nhau hợp nhóm khai thác trái phép.

Tai nạn liên tiếp tại các mỏ cộng đồng

Là thợ đào vàng ở vùng Đông Kalimantan trong hơn 30 năm, ông Lampang (53 tuổi) không cởi mở lắm khi trò chuyện với phóng viên và đề nghị: "Xin đừng tiết lộ tên mỏ nơi tôi làm việc. Có rất nhiều mỏ khai thác cộng đồng ở Indonesia, nhưng tất cả đều bất hợp pháp".

Indonesia nổi tiếng với trữ lượng vàng dồi dào, chẳng hạn như mỏ Grasberg với sản lượng lên đến 3,5 triệu ounce (1 ounce = 31,1034768 gr) mỗi năm, đứng đầu thế giới. Nguồn quặng vàng dồi dào này đã thu hút người nghèo tìm kiếm vận may. Khai thác vàng bất hợp pháp, tức không giấy phép, có thể mang lại lợi nhuận cho một số chủ lẫn thợ, nhưng các mỏ bất hợp pháp cũng có thể là ngôi mộ tập thể chôn vùi họ.

Tháng 7/2023, tám thợ đào vàng đã bị vùi chết khi nước ngầm làm sụp hố đào sâu 60m tại làng Pancurendang, tỉnh Central Java. Tháng 4/2022, một vách đá đổ sập tại mỏ khai thác trái phép ở tỉnh North Sumatra, chôn vùi 12 nữ công nhân. Năm 2021, sáu thợ mỏ thiệt mạng tại mỏ vàng trái phép ở tỉnh Central Sulawesi. Năm trước nữa, 11 thợ mỏ chết tại 1 mỏ than không có giấy phép trong vụ việc tương tự ở South Sumatra...

Chính phủ Indonesia không có số liệu chính thức về số người chết tại các mỏ bất hợp pháp mỗi năm. Nhưng theo các nhà hoạt động môi trường, lở đất quanh các mỏ ở Indonesia là chuyện thường xuyên xảy ra, thường là do mưa lớn và đất đai không ổn định...

Rượt đuổi vận may

"Rủi ro lớn nhất ở mỏ là lở đất và nhiều người đã thiệt mạng. Người ta đeo đuổi vận may thay vì quan tâm đến an toàn của thợ mỏ trước tiên", Lampang chia sẻ.

Để đề phòng lở đất, theo ông, những người thợ ở khu mỏ cộng đồng phải sử dụng máy thổi để làm khô lòng đất, giúp phần nền ổn định hơn. Có gần 9.000 mỏ bất hợp pháp trên khắp Indonesia, 1/4 trong số này là mỏ vàng - theo ước tính của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia. Ngoài vàng, Indonesia còn giàu khoáng sản như bạc, đồng, thiếc, bạch kim và bauxite - loại đá trầm tích có hàm lượng nhôm cao.

Một mỏ "khai thác cộng đồng" bằng phương pháp thủ công ở Indonesia Ảnh: Reuters

Một mỏ "khai thác cộng đồng" bằng phương pháp thủ công ở Indonesia Ảnh: Reuters

Phó giám đốc Nasir Buloh của Diễn đàn Môi trường Indonesia (WALHI) tại Aceh - tỉnh nổi tiếng với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép - cho biết, những người khai thác tại các địa điểm bất hợp pháp phải đối mặt với rủi ro lớn hơn do họ không kêu gọi chính quyền hỗ trợ khi xảy ra sự cố dưới lòng đất.

Các thợ mỏ đã đào ngang, xẻ dọc nhiều hố và đường ngầm trên núi, hoặc nạo vét lòng sông với thiết bị hạng nặng. "Đã có một số thợ mỏ không được đưa ra ngoài sau vụ lở đất và bị bỏ lại trong các hầm khai thác, bởi chủ mỏ sợ có thể trở thành mục tiêu của nhà chức trách nếu bị bắt tại các mỏ khai thác trái phép", Phó giám đốc Buloh cho biết.

Theo luật Indonesia, khai thác vàng không giấy phép có thể bị phạt tới 5 năm tù và phạt tiền 100 tỷ rupiah Indonesia (khoảng 6,4 triệu USD).

Các hoạt động khai thác bất hợp pháp đặc biệt phổ biến tại những mỏ được cấp phép bị bỏ hoang, thu hút người dân địa phương đi mót vàng. Ở East Kalimantan, Lampang làm công việc khai thác vàng thủ công, nghĩa là chỉ sử dụng máy nạo vét vàng loại nhỏ để khai thác đất và tách vàng bên trong, sau đó làm sạch bằng acid, thay vì các hóa chất độc hại như thủy ngân thường được sử dụng ở những nơi khác.

Rere Christianto - phụ trách Chiến dịch khai thác và năng lượng của Diễn đàn Môi trường Indonesia (WALHI) - cho rằng: "Không có tiêu chuẩn an ninh nào trong hoạt động khai thác trái phép... Điều này bao gồm việc tiếp xúc khi sử dụng các hóa chất độc hại như thủy ngân, cyanide để luyện vàng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chẳng hạn như thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, tiết niệu và hệ thần kinh, về lâu dài sẽ làm tổn thương nội tạng của những người tiếp xúc...".

Cũng theo Christianto, việc khai thác bất hợp pháp tiếp tục diễn ra do luật pháp lỏng lẻo. Ông nói: "Các hoạt động khai thác trái phép không thể thực hiện một cách bí mật vì cần huy động nhân lực và công cụ. Chính vì thế, nếu các quan chức chính phủ muốn thực thi luật pháp, việc tìm ra những mỏ này rất dễ dàng".

Pius Erick Nyompe - người phụ trách Quỹ phúc lợi cộng đồng môi trường và khai thác mỏ ở East Kalimantan - cho biết, các mỏ vàng bất hợp pháp kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, mại dâm, nghiện rượu, băng đảng, ma túy và cho vay nặng lãi. Cũng theo Nyompe, không hợp pháp hóa và quản lý việc khai thác cộng đồng là nguyên nhân của vấn đề. Người dân ít có cơ hội tìm được việc làm; không có lựa chọn nào khác, họ đành vi phạm pháp luật, bước vào thế giới đầy nguy hiểm rình rập tại các mỏ khai thác bất hợp pháp, thủ công.

"Cần phải có bên thứ ba làm trung gian giữa chính phủ và những người thợ mỏ. Thợ đào vàng có quyền mưu cầu cuộc sống ổn định...", Nyompe nhấn mạnh.

(Còn tiếp...)

SONG HẢO (Theo Al Jareera, Reuters)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-3-doi-tho-mo-khai-thac-cong-dong-o-indonesia_156834.html