Kỳ 3: Cách để tránh 'nhờn luật'

Việc đi xe máy vào đường cao tốc, đường cấm là hành vi vi phạm pháp luật, được quy định ở các điều luật với các chế tài xử phạt, thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, có vẻ như những chế tài xử phạt hoặc ít có vụ việc hình sự được đưa ra xử lý nên một số người dân vẫn có tâm lý 'nhờn' luật…

Hiểm họa từ vi phạm của người điều khiển xe máy:

Một trường hợp bị xử phạt vì hành vi đi xe máy lên đường vành đai 2 trên cao ngày 17/10 vừa qua. Ảnh: Văn Trọng

Lực lượng chức năng khó khăn khi xử phạt

Vừa qua, tổ công tác của Đội CSGT số 4 - CA TP Hà Nội đã lập chốt xử lý tại lối xuống đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở (hướng cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở).

Chỉ ít phút, tổ công tác đã phát hiện và dừng nhiều xe máy đi trên đường Vành đai 2 trên cao. Đáng nói trong số này có người điều khiển xe máy đã đi vào đường cấm lại không đội mũ bảo hiểm.

Trình bày với lực lượng CSGT, các tài xế trình bày rất nhiều lý do để bao biện. Như tài xế N.S.T (trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh có nhìn thấy biển cấm tại đầu đường nhưng vẫn đi vào.

Sở dĩ chuyện biết nhưng vẫn phạm luật, anh này trình bày, bởi vì phải đón người thân đi nhập học, đường tắc quá nên “bất đắc dĩ” phải đi lên đường vành đai 2 trên cao.

“Lên trên này mặc dù cũng rất sợ, vì mặc dù đường 1 chiều, không vướng đèn, không chen chúc nhưng xe ô tô đi rất nhanh. Nhưng bởi đã nhỡ lên rồi nên đành phải đi… hết cầu”, anh T ngại ngùng cho biết.

Cùng bị xử phạt, một số trường hợp khác thì trình bày, do theo tâm lý đám đông, khi thấy nhiều xe đi lên thì nghĩ mình đi lên cũng… không sao. Thế nhưng cũng không ít trường hợp đã quay đầu bỏ chạy khi nhìn thấy lực lượng chức năng đang kiểm tra, xử phạt.

Theo đại diện Đội CSGT số 4, với hành vi điều khiển xe máy vào đường cấm thì các tài xế bị lập biên bản xử phạt hành chính từ 400 - 600 nghìn đồng, tước giấy phép lái xe hai tháng.

Đặc thù của tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở chỉ dành cho ô tô và cấm xe máy, xe mô tô, xe đạp, người đi bộ nên việc các phương tiện này đi lên đường là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Trong quá trình xử lý vi phạm, cán bộ CSGT gặp nhiều khó khăn do người vi phạm bất chấp nguy hiểm để né tránh. Đơn vị sẽ duy trì việc vừa tuyên truyền, vừa xử lý để người dân chấp hành.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Trước những vi phạm của người tham gia giao thông trên đường cao tốc cùng với sự gia tăng các vụ tai nạn do người điều khiển xe máy đi vào đường cấm, Cục Cảnh sát giao thông đã liên tục đưa ra khuyến cáo người dân tuyêt đối không đi xe máy, đi bộ vào đường cao tốc.

Đặc biệt, khi xảy ra tai nạn, tuyệt đối không được đưa phương tiện liên quan đến vụ tai nạn rời khỏi hiện trường; đồng thời có biện pháp cấp cứu người bị nạn, trình báo CQCA nơi gần nhất.

Cảnh báo là như vậy, nhưng “vấn nạn” người tham gia giao thông bất chấp, theo kiểu “tiện” để len lỏi trên các đường cao tốc vẫn luôn xảy ra.

Cùng với sự cảnh báo của cơ quan chức năng, cư dân mạng cũng đã kịp thời đăng tải lên mạng xã hội để cảnh báo việc người đi bộ đi vào đường cao tốc là vô cùng nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm luật an toàn giao thông.

Theo anh Lê Văn Hải (ở quận Cầu Giấy), với những mức phạt phạt 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng và tạm giữ xe máy đến 7 ngày đối với hành vi điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc chưa đủ để răn đe.

"Cần có chế tài mạnh hơn, thậm chí nếu gây ra tai nạn cần xử công khai với mức án nghiêm khắc, đồng thời lan tỏa rộng rãi để người dân biết sợ…”, anh bày tỏ quan điểm.

Còn theo anh Nguyễn Khắc Thanh (ở quận Hoàng Mai) cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền và tổ chức giao thông rõ ràng, mạch lạc để người dân không đi nhầm. Ví dụ như sơn lên vạch đường cấm xe máy để lái xe dễ dàng nhận biết chấp hành (bởi chỉ cắm biển báo có người nhìn, người không); tăng cường đào tạo sát hạch lái xe; tăng xử phạt nghiêm những hành vi đi xe máy vào cao tốc…

“Việc xử lý vi phạm hành chính ở nước ta chỉ xoay quanh phạt tiền nhưng trên thế giới họ áp dụng nhiều hình thức xử phạt đa dạng khác như trừ điểm bằng lái, tịch thu bằng lái, bắt lao động công ích, thi lại lý thuyết và thực hành… Tất cả những hình thức đó nhằm chấm dứt hành vi vi phạm đe dọa tính mạng người dân”, anh Thanh cho hay.

Cũng theo anh Thanh, bấy lâu nay ở Việt Nam xử lý các tai nạn giao thông theo quy định “bất thành văn” kiểu xe to phải đền xe nhỏ. Việc đó hoàn toàn không nên bởi như thế vô tình tạo cái cớ để người điều khiển xe máy ỉ lại để cứ “tiện” lối nào đi lối ấy.

“Luật pháp phải dựa trên nguyên tắc cơ bản là người đi đúng là người cần được bảo vệ. Do đó, không có chuyện xe ô tô đi đúng, xe mô tô đi sai, phải bồi thường khi có sự cố", anh nói.

Thường xuyên lưu thông trên các tuyến cao tốc, tài xế Nguyễn Hùng Minh, tài xế một công ty vận tải không ít lần bắt gặp trường hợp mô tô, xe máy đi vào đường vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long hoặc trên một số tuyến cao tốc. Đã không ít lần, anh Minh phải giật mình khi phát hiện xe máy đi vào làn dành riêng cho ô tô.

"Cảm giác rất khó chịu và mất an toàn cho cả hai, bởi trong làn cao tốc, bất ngờ khi xuất hiện xe máy là mình không thể quan sát kịp được, rất nguy hiểm".

Anh Minh cho biết, mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi đi xe máy vào cao tốc, song tình trạng này diễn ra phổ biến đến mức, có ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện mô tô, xe máy nếu đi vào cao tốc. Về đề xuất này, anh Minh cho rằng, nếu sửa đổi được luật như vậy thì cũng là điều nên làm.

"Tịch thu luôn thì mới “của đau con xót”, mới sợ được, chứ một vài trăm lại thả thì chẳng đâu vào đâu cả, mà thực rất nguy hiểm", anh Minh nói.

Với trường hợp phát hiện có vụ việc tai nạn giao thông, CA yêu cầu người dân kịp thời thông tin đến CQCA gần nhất về nội dung vụ việc, phối hợp cấp cứu người bị nạn. Người dân cũng cần cung cấp các tài liệu, hình ảnh liên quan đến vụ tai nạn giao thông cho CQCA phục vụ quá trình điều tra, giải quyết về sau.

(Còn nữa)

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-cach-de-tranh-nhon-luat-357878.html