Kỳ 2: Giữ gìn làng nghề gắn với phát triển du lịch

Nghề dệt choàng xã Long Khánh A - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

ĐTO - Huyện Hồng Ngự đang tập trung phát huy giá trị Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Trong đó, xác định những sản phẩm chủ lực làng nghề, nâng chất lượng sản phẩm thành quà tặng phục vụ du lịch, kết nối tour tuyến với các khu, điểm du lịch trong và ngoài địa phương.

Kỳ 1: Làng nghề trăm tuổi ở vùng cù lao

Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A

Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A

Tiếp nối nghề dệt choàng từ người thân, ông Dương Văn Lực ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự đã có thâm niên 40 năm theo nghề. “Nghề dệt choàng giúp gia đình tôi có thu nhập, nuôi các con học hành thành đạt. Nghe tin nghề dệt choàng xã Long Khánh A vừa vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, tôi rất phấn khởi, tự hào và mong ước làng nghề ngày càng phát triển hơn. Tôi cũng lớn tuổi rồi, sẽ truyền nghề lại cho con cháu để giữ gìn nghề truyền thống của địa phương” - ông Lực chia sẻ.

Đứng trước những thách thức về khả năng tồn tại của làng nghề hơn 100 năm tuổi, nhiều người dân nơi đây đã không ngừng cải tiến, sáng tạo và kết hợp giữa các yếu tố truyền thống, hiện đại tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Chiếc khăn rằn không chỉ có màu đen, màu nâu mà còn thêu trên đó những hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp như hoa sen, sếu đầu đỏ... Cùng với sản phẩm truyền thống là khăn choàng, làng nghề còn đa dạng hóa các sản phẩm từ nguyên liệu khăn choàng như: áo sơ mi, áo dài, túi xách, mũ, cà vạt... Chiếc khăn choàng vừa là sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân, vừa là sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Năm 2015, xã Long Khánh A đã thành lập Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh với 12 thành viên. Giám đốc Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh Phạm Thanh An cho hay, nhờ sử dụng khung dệt máy nên số lượng sản phẩm làm ra tăng gấp 4 - 5 lần so với dệt thủ công. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã sản xuất từ 1,5 - 2 triệu chiếc khăn choàng và sản phẩm từ khăn choàng. Hiện nay, nhờ đa dạng hóa mẫu mã nên sản phẩm của hợp tác xã đang hút hàng, tiêu thụ mạnh ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và Campuchia.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A Trương Thị Thu Thạnh, cho biết: “Lúc đầu, bà con ở làng nghề dệt choàng làm bằng phương pháp thủ công, sản phẩm chỉ là khăn choàng cổ. Dần về sau, được địa phương tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đã đầu tư máy dệt giúp tăng năng suất lao động và đa dạng hóa sản phẩm nên nâng cao thu nhập. Để giữ gìn và phát triển nghề dệt choàng, xã tiếp tục khuyến khích các hộ sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá khăn choàng và hình ảnh làng nghề; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại sản xuất ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Có thể nói, du lịch làng nghề đang hấp dẫn du khách, đồng thời là xu hướng phát triển du lịch ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội, hình thức du lịch trên đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo từng vùng miền, Quốc gia, dân tộc. Mỗi làng nghề trong tỉnh Đồng Tháp đều có nét đặc sắc riêng, phát triển du lịch làng nghề sẽ là hướng đi mới mang lại lợi ích lâu dài, phù hợp với Đề án phát triển du lịch của tỉnh, góp phần vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và bảo tồn những giá trị văn hóa địa phương.

Theo lãnh đạo UBND huyện Hồng Ngự, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của ngành hữu quan cùng với nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương của huyện Hồng Ngự, lĩnh vực du lịch trên địa bàn có bước phát triển đáng kể, nhất là từ khi tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch, trong đó có hoạt động du lịch, trải nghiệm tại làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A. Huyện Hồng Ngự tiếp tục quan tâm hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; xây dựng nhãn mác, thương hiệu; tổ chức các hội nghị với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch tắm cồn Long Khánh, tham quan nhà cổ và vườn cây ăn quả... tại vùng cù lao sông Tiền.

T.ĐẠT-N.AN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/ky-2-giu-gin-lang-nghe-gan-voi-phat-trien-du-lich-115035.aspx