Kỳ 2: Chuyện của nghệ nhân già

Lo lắng trước truyền thống làng nghề đang mai một dần những nghệ nhân Kim Bồng đã tìm cách truyền nghề. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, làng nghề Kim Bồng đã bước đầu thành công trong việc đào tạo nghệ nhân.

(TT&VH Cuối tuần) - “Chỉ có thể khôi phục, gìn giữ và phát triển làng nghề khi việc đó gắn liền với sự no ấm của người làm nghề!” - câu nói của ông Hữu Sự, Bí thư Thành ủy Hội An đã phần nào lý giải được vì sao Hội An thành công trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, phát triển theo hướng nào thì gìn giữ được vốn cổ? Câu chuyện từ làng mộc Kim Bồng... Sau cuộc trò chuyện với anh Huỳnh Sướng và những gì mắt thấy tai nghe trong một ngày ở làng mộc Kim Bồng, hôm sau, tôi quyết định trở lại làng nghề một lần nữa để gặp bằng được nghệ nhân Huỳnh Ri. Hôm nay nghệ nhân Huỳnh Ri có nhà. Sáng sớm đã thấy ông trong xưởng mộc gia đình, đang ngồi nắn nót luyện viết chữ Hán cổ để tạo khuôn cho cặp câu đối trước nhà theo đơn đặt hàng của một vị khách ở Đà Nẵng. Ở tuổi 70, vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn, nghệ nhân Huỳnh Ri cùng các con đã trùng tu và phục dựng những công trình kiến trúc – văn hóa giá trị như tịnh xá Ngọc Giáng, đình Tam Thai, gần đây là đình làng Thanh Quýt ở xã Điện Bàn (Duy Xuyên) và những ngôi nhà cổ thuộc diện được bảo tồn đặc biệt như nhà số 101 Nguyễn Thái Học (Hội An)... Câu chuyện trùng tu nhà cổ của anh Huỳnh Sướng cũng là nỗi lòng của cha anh. Ông Huỳnh Ri kể, khi đình Ân Mỹ ở xã Cẩm Chân trùng tu xong, ông đến xem, thấy đình không giữ được nét cũ, bèn nói với thợ ở đó rằng “làm không đúng”, người ta bảo: “Tiền đâu của đó”. Ông cho rằng cách trùng tu nhà cổ ở Hội An mà chạm trổ quá nhiều hoa văn là không đúng bởi chỉ có nhà ở quê và đình chùa mới chạm trổ nhiều chứ nhà ở phố Hội là nhà thương gia, hoa văn đơn giản và vừa phải... Ông cũng chỉ mong mình nếu không được trực tiếp trùng tu nhà cổ thì cũng được vẽ thiết kế và nghiệm thu công trình, một mong muốn đầy trách nhiệm. Giữa mạch chuyện, ông Huỳnh Ri chỉ tay về phía chiếc cổng làng bê tông cốt thép và căn nhà trưng bày của làng nghề rồi kể: “Hồi xưa làm cái nhà trưng bày, thiết kế xong, cả làng tôi phản đối vì nó chẳng ra dáng nhà mộc mà như một khối bê tông, nhưng rồi nó vẫn được xây đúng theo bản thiết kế đó. Tôi hỏi người hữu trách rằng làm nhà trưng bày hay làm chợ? Họ cũng không ngần ngại nói “đó là cái chợ để người ta đến mua bán. Làm du lịch thì mua ở đâu về bán chả được? Thế thì đừng trách vì sao du khách đến Kim Bồng lại mua được đồ mộc của Đồng Ky , Bắc Giang!...”. Rồi ông ngước nhìn xa xăm như nhớ lại thời hưng thịnh đã quá vãng. Trước đây, 90% người làng Kim Bồng làm mộc. Quanh năm, trai tráng cả làng đi làm ở khắp nơi, ở làng chỉ toàn phụ nữ, trẻ con, phụ nữ làng ông chỉ lo chuyện đồng áng chứ chẳng ai mó tay vào gỗ, vào đục. Cũng giống như nhiều làng nghề gia truyền khác, mộc Kim Bồng cũng có lệ không truyền nghề cho phụ nữ để tránh thất truyền. Đến sau giải phóng, đời sống kinh tế khó khăn đã nhấn chìm làng nghề, những người còn theo nghề tính được trên đầu ngón tay và đã có lúc mộc Kim Bồng gần như bị mai một hoàn toàn. Việc chuyển hướng sang làm mộc gia dụng hay làm tượng, đồ mỹ nghệ phục vụ du lịch là điều tất yếu để có thể gìn giữ, phát triển làng mộc. Ông Huỳnh Ri có năm con trai nhưng chỉ hai người còn theo nghề, đến giờ ông cũng không dám tin rằng thằng cháu đích tôn đang học lớp 11 sẽ theo nghề ông bởi cha nó cũng không theo nghề mộc mà làm cán bộ nhà nước. Ông bảo có chăng chỉ còn thằng con trai anh Sướng theo nghề, vì nó tuy mới đi mẫu giáo nhưng cũng đã thích đục đẽo. Năm 1995, tại hội thảo làng nghề tổ chức ở triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), ông Huỳnh Ri đã xin ý kiến của bộ Văn hóa Thông tin lúc đó về việc truyền nghề cho cả người ngoài làng. Vậy là từ năm 1996, ông được UBND thị xã Hội An lúc bấy giờ và xã Cẩm Kim đầu tư hỗ trợ thực hiện dự án đào tạo (ước tính là 9,3 tỷ đồng, trong đó của nhà nước 5 tỷ, còn lại là do nhân dân tại đây đóng góp), khóa học đầu tiên khai giảng vào năm 1998 với 20 học viên, tất cả đều là người làng Kim Bồng. Ông Huỳnh Ri truyền nghề, còn trường Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng thì đề nghị được chịu trách nhiệm phần lý thuyết với 72 tiết học và cấp bằng cho học viên khi khóa học kết thúc. Từ những khóa sau, chỉ có gia đình ông Huỳnh Ri đảm nhận việc truyền nghề, trường dạy nghề Quảng Nam là đơn vị cấp bằng cho học viên, mặc dù trường không tham gia đào tạo (!). May mắn, lớp học của ông nhận được sự quan tâm của chính quyền Hội An, hỗ trợ các học viên ở xưởng ông Huỳnh Ri mỗi tháng 18 kg gạo/người. Đến nay, ông đã đào tạo được khoảng 100 người thợ, trong đó có không ít người không phải dân làng Kim Bồng. Ông Huỳnh Ri nói: “Bảo tồn vốn cổ là việc không dễ làm, làng nghề được như ngày hôm nay là nhờ sức dân và sức chính quyền. Tôi cũng chỉ còn ước vọng truyền nghề được cho càng nhiều người càng tốt, thế thôi”. Nói về chuyện khôi phục làng nghề, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, trong một lần trả lời phỏng vấn, khẳng định rằng ông tin làng mộc Kim Bồng sẽ phát triển vì bây giờ, người thợ đã thấy được cái giá của nghề, ngoài việc làm hàng phục vụ nhân dân, xuất khẩu hay bán đồ mỹ nghệ cho khách du lịch, họ cũng sẽ bận quanh năm với công việc trùng tu, sửa chữa phố cổ. Tất nhiên vẫn còn đây đó những chuyện bảo tồn, phát triển... sai vốn dân gian truyền thống do thiếu hiểu biết, do đại khái, thậm chí do cả những mối quan hệ... của những nhà quản lý, những người có trách nhiệm trong công tác trùng tu các công trình kiến trúc truyền thống ở phố Hội cũng như nhiều nơi khác... Nhưng dù sao, sự thành công bước đầu của Hội An trong việc khôi phục, gìn giữ và phát triển làng nghề nhờ vào sự truyền dạy của các nghệ nhân có sự hỗ trợ của chính quyền, xem như một mô hình gìn giữ và phát triển di sản văn hóa trong đời sống đương đại. Tại Hàn Quốc, bộ văn hóa nước này duy trì một chủ trương “nhân giống nghệ nhân” khá hiệu quả: hàng năm bộ này cấp một khoản tiền cho các nghệ nhân trên toàn quốc, gọi là “lương đào tạo”, theo đó, mỗi nghệ nhân có trách nhiệm đào tạo ba người để có thể nối nghiệp mình. Khoản tiền đào tạo này sẽ được tăng, giảm, thậm chí cắt tùy theo kết quả “đào tạo” của các nghệ nhân. Ở Việt Nam cũng từng có chủ trương tương tự, tuy nhiên việc thực hiện lại manh mún và không liên tục. Như báo TT&VH Cuối tuần đã từng đề cập đến trong loạt bài về di sản văn hóa Tây Nguyên, theo báo cáo thì các nghệ nhân A Lưu, AAr vẫn đang ngày đêm truyền dạy nghệ thuật hát kể sử thi cho con cháu trong làng, nhưng trên thực tế từ lâu họ đã không làm điều ấy và họ cũng chưa bao giờ nhận được những khoản kinh phí trợ giúp từ chính quyền hoặc cơ quan văn hóa cho công tác truyền dạy như vậy, đôi khi chỉ là “để mua kẹo dụ trẻ con theo học”... Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397. Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20090717044440580t133/ky-2-chuyen-cua-nghe-nhan-gia.htm