Kỳ 2: 'Chiếc bàn' và chuyện ngoại giao

Thủ tướng Hun Xen có thói quen dùng hình ảnh ví von khi nói chuyện. Trong đôi ba lần gặp gỡ ông Vũ Mão, Thủ tướng Hun Xen đã ví công tác ngoại giao với một hình ảnh rất đời thường, khiến ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia tâm đắc mãi...

Xích lại gần nhau bằng những bàn tay nồng ấm

Nếu như ở đầu cuộc trò chuyện với ông Vũ Mão, chúng tôi đã biết được một Thủ tướng Hun Xen ham học hỏi, sống tình cảm thì qua những chia sẻ sau đó, Thủ tướng Hun Xen lại hiện lên với hình ảnh một người có phần dí dỏm. Ông Vũ Mão kể rằng Thủ tướng Hun Xen đã ví công tác ngoại giao giống như một chiếc bàn. “Thủ tướng Hun Xen đôi ba lần nói rằng ngoại giao nhà nước là ở trên mặt bàn có thể có những trao đổi sôi nổi, thậm chí là tranh luận, bất đồng gay gắt, nhưng ngoại giao nhân dân là ở dưới mặt bàn, hai bên siết chặt tay nhau, dễ sẻ chia và thông cảm”, ông Vũ Mão nhớ lại.

Thủ tướng Hun Xen tiếp ông Vũ Mão tại Cam-pu-chia, năm 2011. Ảnh: thanhnien.vn

Phân tích cách ví von của Thủ tướng Hun Xen, ông Vũ Mão cho rằng nhà lãnh đạo Cam-pu-chia nhấn mạnh ngoại giao nhân dân là công cụ quan trọng không thể thiếu để phát triển quan hệ hữu nghị song phương, “một phương cách đưa con người xích lại gần với nhau bằng những bàn tay nồng ấm, những trái tim nồng cháy”. Cũng từ đây, ông Vũ Mão càng nhận thấy rõ trách nhiệm của những người làm công tác ngoại giao nhân dân hơn. “Như với Hội Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia là phải bàn bạc với Hội Hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam làm thế nào để góp phần giúp nhân dân vùng biên giới hai nước ngày càng gần gũi nhau. Lòng dân của mỗi dân tộc đối với nhau là nền tảng quan trọng để phát huy truyền thống hữu nghị lâu bền giữa hai nước”, ông Vũ Mão chia sẻ.

“Huy hoàng Angkor”

Trong suốt hơn 30 năm qua, tình cảm gắn bó của ông Vũ Mão với đất nước Chùa tháp luôn luôn đặc biệt sâu sắc. Tình cảm ấy không phải tới tận sau này mới được hun đúc mà đã “đơm hoa kết trái” ngay từ những ngày đầu khi ông mới “chân ướt chân ráo” sang Cam-pu-chia.

Ông còn nhớ ngay từ năm 1981, khi đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng chưa lâu, đặt chân đến Angkor, ông choáng ngợp trước sự kỳ vĩ và ngưỡng mộ bàn tay tài hoa của người dân Cam-pu-chia đã xây dựng nên những Angkor Thom, Angkor Wat. Ông cũng cảm phục trước sự gian khổ của các chiến sĩ trẻ Cam-pu-chia và bộ đội tình nguyện Việt Nam khi phải bảo vệ Angkor trước sự phá hoại của lính Pôn Pốt còn lẩn khuất trong khu rừng gần đó.

Để rồi đến năm 1985, vào một buổi tối ở thủ đô Phnôm Pênh, khi đi dạo dưới ánh trăng, bên bờ dòng Mê Công hiền hòa, phía trước là hình ảnh con đường qua đài Độc Lập với hàng bằng lăng tím trải dài hai bên, bao nhiêu cảm xúc lại ùa về, nảy lên từng nốt nhạc, ca từ trong tâm trí ông. Chưa từng học chuyên ngành về âm nhạc, chỉ với kiến thức nhạc lý phổ thông nhưng với những xúc cảm dạt dào ấy, ông đã sáng tác bài hát “Huy hoàng Angkor”. “Lời bài hát nói lên lịch sử huy hoàng mà cũng đầy thăng trầm của đất nước và nhân dân Cam-pu-chia. Nhân dân Cam-pu-chia đã phải trải qua tang tóc đau thương của họa diệt chủng trước khi dựng xây nên một đất nước thanh bình, phát triển”, ông bày tỏ.

Trong lần dự chiêu đãi của cố Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-núc (Norodom Sihanouk) dành cho đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, khi biết ông Vũ Mão hay sáng tác và sáng tác khá nhiều bài hát, Quốc vương đã bày tỏ muốn nghe một bài hát của ông. Ngay lập tức, ông Vũ Mão tặng Quốc vương bản nhạc “Huy hoàng Angkor” và Quốc vương đã chuyển bản nhạc cho dàn nhạc hoàng cung chơi. “Quốc vương nói rằng bản nhạc nghe rất êm ái, thanh bình. Quốc vương đã đề nghị tôi hát cho Quốc vương nghe bài hát này tới hai lần. Đó là kỷ niệm sâu sắc mà tôi nhớ mãi”, ông Vũ Mão bồi hồi nhớ lại. Từ đó về sau, ông Vũ Mão được biết bài hát “Huy hoàng Angkor” đã nằm trong danh sách 12 bài hát được Hoàng cung sử dụng mỗi khi Quốc vương tiếp các nguyên thủ nước ngoài.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/ky-2-chiec-ban-va-chuyen-ngoai-giao-510617