Kỳ 1: Tiểu thương lo buôn bán không đủ tiền… ăn

Không còn cảnh đông đúc như những năm trước, trong khoảng 1 - 2 năm trở lại đây, các chợ truyền thống ghi nhận sự vắng bóng của khách đi, khách đến. Nhiều tiểu thương không trụ lại được đã chấp nhận đóng cửa, tìm kiếm phương thức khác để kinh doanh…

Đìu hiu chợ truyền thống:

Một góc khu vực tầng 1 chợ Đồng Xuân lác đác người qua lại. Ảnh: Duy Linh

Một góc khu vực tầng 1 chợ Đồng Xuân lác đác người qua lại. Ảnh: Duy Linh

Hiu hắt khách những ngày cuối năm

Không còn cảnh chen chúc, cũng không còn cảnh người mua bán tấp nập, đã 10h sáng một ngày cuối tháng 11, chợ Đồng Xuân vẫn lác đác người mua. Thi thoảng, khu vực sảnh lại xôn xao, ồn ào bởi những tốp khách du lịch đang nhòm ngó, chỉ trỏ cũng như trao đổi với hướng dẫn viên về việc muốn mua ít mứt, ít hoa quả sấy tại sạp hàng ngay bên lối vào cửa số 1. Bên cạnh đó, các sạp hàng bán đồng hồ, máy tính… lạnh tanh. Các chủ cửa hàng lười biếng đưa mắt nhìn tốp khách bên cạnh, rồi lại cúi đầu bấm điện thoại.

Trong chợ, cũng lại chỉ khu vực bán balô, túi xách, vali… có một số người khách du lịch nhòm ngó, hỏi mua. Các gian hàng khác ê hề sản phẩm, hàng hóa và chỉ có chủ hàng loay hoay sắp xếp. Tại một sạp giày dép trẻ em, có đôi khách du lịch đến hỏi mua giày trẻ em, chủ sạp hàng lắc đầu quầy quậy, cho biết, họ không bán lẻ mặc dù cả tiếng đồng hồ cũng không có người đến hỏi.

Tầng 2, vốn được phân làm nơi bán vải vóc, quần áo cũng ở trạng thái tương tự. Thoáng có bóng người qua, các tiểu thương vồn vã mời và giới thiệu hàng như một thói quen… Ghi nhận nhiều sạp hàng ở tình trạng “cửa đóng then cài”.

Chợ vắng khách, những người làm nghề xe ôm quanh chợ Đồng Xuân cũng ngồi không, mải tìm kiếm khách. Lác đác có người khách vội vã từ chợ đi ra, nhưng nhanh nhảu tiếp tục cuốc bộ hoặc lên các xe điện chờ sẵn.

Tiếp tục đến chợ Hôm, ở đây tình trạng còn “thê thảm” hơn ở chợ Đồng Xuân. Gần 11h, các tiểu thương vẫn ngồi thơ thẩn ngó điện thoại. Một số người khách nhòm ngó ở các sạp hàng tìm mua tất, quần áo. Các sạp bán giày dép nhỏ xếp đầy những đôi giày, dép với nhiều mẫu mã cũng chỉ được xếp để chủ… tự nhìn, chứ khách hàng không thấy người nhòm ngó.

Ở dọc lối đi nhỏ hẹp của khu chợ, tương đối nhiều các sạp hàng ở tình trạng “cửa đóng then cài”. Trên tầng 2, các lối đi vốn đã nhỏ, hẹp lại càng hiu hắt vì thưa thớt khách lên.

Dãy ki - ốt cửa đóng then cài tại chợ Hôm. Ảnh: Duy Linh

Dãy ki - ốt cửa đóng then cài tại chợ Hôm. Ảnh: Duy Linh

3 ngày không có khách mua, tiểu thương “ngồi chơi dài”

Nhìn sang đám khách du lịch đang líu lo chỉ trỏ những giỏ ô mai, trái cây sấy, không sốt ruột, cô Hằng, chủ một gian hàng đồng hồ, kính mắt tại chợ Đồng Xuân lại cúi xuống lướt điện thoại. Thoáng thấy người đứng ngó nghiêng, cô chỉ nhìn lên, hồ hởi: “Các cháu xem hàng”. Việc khách chỉ xem, không có nhu cầu mua cũng như một chuyện đương nhiên với cô.

Thong thả buông chiếc điện thoại, cô cho biết, những năm trước, thời điểm này là thời điểm buôn bán tấp nập nhất của tiểu thương ở chợ này. Nhưng 1, 2 năm trở lại đây, ngày trong tuần cũng như cuối tuần, ngoài khách nước ngoài chủ yếu đến thăm thú, tìm hiểu văn hóa chợ truyền thống thì hầu như các chủ hàng như cô rảnh rỗi, ngồi… bấm điện thoại.

Cô cho biết, cô bán ở đây rất lâu rồi. Từ hồi khi nói đến chợ Đồng Xuân, người ta nghĩ ngay đến một “biểu tượng” của việc kinh doanh buôn bán. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhất là sau dịch Covid-19, khách khứa dần ít đi. “Ngày trước nghỉ một buổi hàng cũng thấy tiếc nhưng bây giờ có nghỉ cũng không thấy luyến tiếc gì lắm", cô Hằng cho biết. Cô giải thích, bởi lẽ giờ lượng khách giảm, có cố ngồi lắm khi cũng chỉ chơi chứ chẳng có khách. “Ngồi cả ngày đau lưng, mỏi gối. Ngày may mắn thì có được 1, 2 khách, còn không đủ ăn”, cô nói.

Cũng ở tình trạng tương tự, chị Lan, chủ một cửa hàng bán đồ gia dụng cho biết, nói chưa bao giờ chợ lại ế ẩm như hiện nay, kể cả thời điểm dịch Covid -19.

"Thời điểm cách đây 2 năm dù dịch bệnh nhưng vẫn còn bán được hàng hơn bây giờ, giờ bán khó gấp đôi, gấp ba. Trước đây khách hàng đến mua nhiều và xởi lởi, nhưng giờ họ đã mua ít rồi còn mặc cả từng đồng, chi li tính toán hơn", chị Lan nói.

Chợ vắng khách là thế, nhưng vậy vẫn chưa hết lo, bởi theo chị, cũng chưa biết là vắng thế này, kinh doanh đìu hiu vậy là đã “chạm đáy” chưa hay còn xuống nữa. “Khách hàng thưa thớt, mua bán thì mặc cả từng đồng. Chẳng biết là do kinh tế đi xuống, tiền của người ta cũng không còn hay vì lý do nào khác. Những người xung quanh tôi, cũng đã thắt chặt chi tiêu, đến gia đình tôi giờ cũng hạn chế mua bán những thứ không cần thiết”, chị Lan than thở.

"Giờ buôn bán chỉ để có việc mà làm hàng ngày cho đỡ buồn thôi, chứ không có lãi, may mà trước đây buôn bán được còn có tiền tích lũy, giờ lấy ra tiêu", chị chia sẻ.

Ngồi bán trà đá ở đối diện cổng chợ Đồng Xuân, người phụ nữ đã đứng tuổi cho biết, bà ở đây chứng kiến hầu hết sự đổi thay của ngôi chợ này. “Những năm về trước, chợ Đồng Xuân không lúc nào giảm sự tấp nập. Khách mua, khách bán rộn ràng từ sáng đến tối. Nhưng giờ thì thưa thớt, chẳng thấy cảnh như xưa nữa”, bà nói.

Về nguyên nhân, theo bà đó là sau khi có sự phát triển mạnh mẽ của chợ Ninh Hiệp. “Nhưng chợ Đồng Xuân cũng chỉ giảm khách đi chứ không ế khách. Khách tây, ta du lịch vào đây cũng nhiều. Những người bán buôn đến đây lấy hàng cũng nhiều. Chỉ một vài năm trở lại đây bắt đầu thưa thớt khách…”, bà cho biết.

Cũng trong tình trạng “mừng húm” khi có khách hỏi mua giày, chị Hương, tiểu thương ở chợ Hôm cho biết, đã 3 ngày nay chị không bán được hàng. “Đã 11h rồi mà chưa mở hàng. Có hôm bán được 1, 2 khách đã là nhiều so với những hôm đi ra lại đi về tay trắng”, chị nói.

Chỉ vào sạp hàng chỉ vẻn vẹn 2 - 3m2 của mình chị bảo, sạp nhỏ thế này nhưng mỗi tháng tiền thuê sạp, tiền điện nước cũng đã hết 3 triệu đồng mà buôn bán ngày được một vài trăm nghìn, có buổi còn chẳng được đồng nào thì không biết duy trì được đến lúc nào nữa.

“Ấy thế mà người ta còn đòi tăng giá cho thuê. Buôn bán đã chán, lại cái gì cũng rục rịch tăng lại càng nản”, chị cho biết.

Chị cũng bảo, ở khu vực chợ này đã có nhiều người chấp nhận đóng cửa hàng. Ngày trước sống bám vào chợ, nhưng nay sống bám vào chợ thì chết đói. Hết rồi cảnh “trăm người bán, vạn người mua”. Giờ chỉ cần thấy bóng khách đã là vui lắm rồi.

(Còn nữa)

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-tieu-thuong-lo-buon-ban-khong-du-tien-an-362402.html