Kỳ 1: Tăng 'sức đề kháng' cho người dân, doanh nghiệp

Việc thực hiện các chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng, kịp thời tăng thêm 'sức đề kháng' cho người dân, người lao động, doanh nghiệp trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo tỉnh tiếp nhận 100 tấn gạo từ Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng).

Từ sau đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24.9.2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình…

Niềm vui nhận hỗ trợ

Tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg bảo đảm đúng quy định, kịp thời. Đến nay, xã đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gồm 107 người bán vé số, số tiền chi trả 160 triệu đồng; 5.755 lao động tự do với số tiền trên 8,6 tỷ đồng; 824 người thuộc đối tượng F0, F1 và trẻ em cách ly tại nhà với tổng tiền trên 861 triệu đồng và 29 đối tượng cách ly tập trung với tổng tiền 43,7 triệu đồng. Tại địa bàn xã có 27 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng tiền trên 81 triệu đồng; 87 hộ kinh doanh có thu nhập thấp được hỗ trợ 261 triệu đồng.

Hằng ngày, vợ chồng anh Nguyễn Văn Cẩu và chị Nguyễn Thị Hạnh ở ấp Tân Đông, xã Tân Hưng nhận chặt thuê mì, mía, làm cỏ... để lo cuộc sống của gia đình. Dịch Covid-19 bùng phát, trong thời gian tỉnh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, vợ chồng chị rơi vào cảnh thất nghiệp. “Nghe thông tin được hỗ trợ, vợ chồng tôi đi làm hồ sơ và được nhận mỗi người 1,5 triệu đồng”- chị Hạnh nói.

Cùng ở xã Tân Hưng, chị Lê Trương Mạn Ngọc, chủ quán cà phê Hoa Sứ chia sẻ: chị mở quán bán được 3 năm nay. Đợt dịch năm 2020, quán bị ảnh hưởng một thời gian ngắn rồi tình hình buôn bán ổn định lại. Đến tháng 7.2021, dịch bùng mạnh, quán chị ngưng bán theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Kết thúc thời gian giãn cách xã hội, quán vừa mở cửa lại thì có 2 trường hợp là F0 vào quán, nên phải tiếp tục đóng cửa gần 1 tháng nữa. “Tính ra mình nghỉ bán từ 13.7 đến tháng 11.2021 mới bán lại. Lúc đó, UBND xã đã hướng dẫn thủ tục cho mình làm hồ sơ hỗ trợ và mình nhận được 3 triệu đồng. Mừng lắm”- chị Mạn Ngọc nói.

Ông Nguyễn Văn Sanh- Phó Chủ tịch UBND xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết, đến nay, xã đã xét duyệt 1.889 hồ sơ là lao động tự do với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng. Đến ngày 21.6.2022, xã đã chi trả cho 1.877 hộ, còn lại 12 trường hợp do khai nhiều lần với thông tin khác nhau, hoặc nhận ở địa phương khác. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, UBND xã lập danh sách và tờ trình chi hỗ trợ cho 197 hộ với số tiền 591 triệu đồng. Đối với các hộ có giấy phép kinh doanh, xã đã chi hỗ trợ cho 128 hộ với số tiền 384 triệu đồng.

Chị Văn Thị Nhành (ấp Thuận An, xã Truông Mít) cho biết, nhà chị bán bún riêu. Dịch bùng phát, chị đã ngưng bán. Nhờ có đứa con đi làm công nhân nên việc chi tiêu trong nhà cũng tạm ổn. “Lúc đó ở xã hỗ trợ lương thực, thực phẩm nên cũng không đến nỗi. Vừa qua, địa phương đã hướng dẫn cho tôi làm hồ sơ để nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng”- chị Nhành nói.

Cơ bản hoàn thành một số chính sách

Gần tròn 1 năm huyện Dương Minh Châu phải đối mặt với dịch bệnh. Theo bà Trần Thị Thu Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, giai đoạn đó, huyện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: ca nhiễm phát sinh; phải tổ chức thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống Covid-19 (truy vết, cách ly, phong tỏa, điều trị, tiêm vaccine...).

Đời sống của người dân, sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, huyện Dương Minh Châu đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động của Chính phủ từng bước giúp ổn định đời sống nhân dân, phục hồi kinh tế.

“Từ khi dịch bệnh xảy ra, Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết về các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước ta, chia sẻ phần nào những khó khăn của người dân do đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 3.2022, huyện đã thực hiện chi hỗ trợ cho 71.641 trường hợp với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng”- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết.

Còn trên địa bàn huyện Tân Châu, tổng kết công tác hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP, toàn huyện có 56.500 hồ sơ được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 83 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định cho 121 đơn vị với số tiền gần 458 triệu đồng (từ tháng 7 đến tháng 11.2021), ước đến tháng 6.2022 là 980 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ tháng 7.2021, huyện xác nhận danh sách người lao động tham gia BHXH để đề nghị hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 cho 1.425 lao động tại 21 đơn vị.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, tính đến ngày 20.12.2021, huyện đã hoàn thành việc thực hiện giảm mức đóng BHTN (từ 1% xuống 0%) là 119 đơn vị với trên 3.600 lao động, tương ứng với số tiền hơn 450 triệu đồng. Dự kiến số tiền giảm đóng BHTN đến ngày 30.9.2022 trên 1,7 tỷ đồng. Huyện cũng đã lập danh sách 4.153 lao động đang tham gia đóng BHTN gửi các đơn vị và nhận danh sách các đơn vị gửi về giải quyết 4.153 lao động, đạt 100%.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, để các chính sách triển khai kịp thời, hiệu quả và bảo đảm tính minh bạch, khách quan, huyện thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và các phương tiện thông tin đại chúng đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động và nhân dân trên địa bàn về các chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phúc tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng trong thời gian nhanh nhất.

Tính đến ngày 20.5, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, UBND tỉnh đã phê duyệt (bao gồm cả hồ sơ ủy quyền UBND cấp huyện phê duyệt) cho 554.510 người với tổng số tiền 1.013,3 tỷ đồng; đã chi trả đạt tỷ lệ 99% so với tổng số phê duyệt. Đến nay, đa số các chính sách đã kết thúc hỗ trợ, như chính sách hỗ trợ lao động tự do; hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp (tạm hoãn, ngừng việc); hỗ trợ tiền ăn cho người thuộc F0, F1 tại các cơ sở cách ly, điều trị tập trung; hỗ trợ hộ kinh doanh có thu nhập thấp. Riêng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động sẽ nhận hồ sơ đến ngày 30.6.2022.

Việc triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, tính đến nay cơ bản đạt 100% số doanh nghiệp được hỗ trợ và 100% người lao động thuộc đối tượng đều đã nhận được hỗ trợ.

Cụ thể, đến hết ngày 31.12.2021 đã hoàn thành việc giảm đóng vào quỹ BHTN cho 1.829 đơn vị, 406.552 lao động với tổng số tiền giảm đóng là 20,563 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 212.099 người lao động với tổng số tiền 487,647 tỷ đồng.

Việc thực hiện các chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng, kịp thời tăng thêm “sức đề kháng” cho người dân, người lao động, doanh nghiệp trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Từ đây, giúp người lao động có điều kiện trang trải và ổn định cuộc sống; giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để duy trì trong thời gian dịch bệnh bùng phát trên diện rộng cũng như từng bước phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Cùng với thực hiện các chính sách, tỉnh đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ cho người dân trong thời điểm dịch. Với 336.255kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, tỉnh phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 năm 2021; từ 50 tấn gạo của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng, tỉnh đã rà soát và cấp phát cho 2.500 đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn tại cộng đồng, người có hoàn cảnh khó khăn không bảo đảm được đời sống và các đối tượng có nguy cơ bị thiếu đói do dịch bệnh (mỗi nhân khẩu 20kg gạo).

Từ 20.000 phần quà (tổng kinh phí 6 tỷ đồng) và 100 tấn gạo của Bộ Quốc phòng tặng, tỉnh phân bổ cho 20.000 đối tượng là hộ cận nghèo chuẩn Trung ương, hộ nghèo theo tiêu chuẩn của tỉnh, hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội, bán vé số, lao động tự do, ở trọ... gặp khó khăn; đưa 100 tấn gạo hỗ trợ cho các chốt phòng, chống dịch; tặng quà cho trên 8.600 công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn và các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo.

UBND tỉnh cùng UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ cho trên 2.502 hộ cận nghèo và 697 hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, mỗi hộ 670.000 đồng, tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Về hỗ trợ mai táng phí cho người không may tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, tính đến ngày 25.4.2022, tỉnh đã thanh toán cho 1.070 ca với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng (18 triệu đồng/trường hợp).

Đến ngày 14.3.2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 66 em nhỏ mồ côi do cha, mẹ chết vì nhiễm Covid-19 với tổng số tiền 543 triệu đồng.

Ngọc Diêu - Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-tang-suc-de-khang-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-a146770.html