Kỳ 1: Lồng lộng Thủ đô gió ngàn

'Vui sao một sáng tháng Năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn...'. Những câu thơ đẹp trong bài thơ 'Sáng tháng Năm' của nhà thơ Tố Hữu cứ ngân nga trong lòng chúng tôi trên đường về An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Giữa đất trời lồng lộng của Thủ đô gió ngàn, chúng tôi như nghe vọng lời của núi sông, lời căn dặn của Bác Hồ từ 70 năm trước...

Thăm Đền thờ Bác Hồ trên Đèo De

Theo chỉ dẫn của Thạc sĩ Đồng Khắc Thọ, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử-Sinh thái ATK Định Hóa, chúng tôi chọn một sáng tháng 5, giáp ngày sinh lần thứ 127 của Bác để hành hương về nguồn tại Định Hóa. Điểm đầu tiên chúng tôi đến trong Khu di tích quốc gia đặc biệt này là Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De thuộc xã Phú Đình.

Khác với chuyến đi về nguồn chục năm trước và chắc chắn còn khác nhiều với chuyến đi của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Sáng tháng Năm”, đường về Đèo De giờ đây phẳng lỳ như dải lụa. Vẫn “Suối dài xanh mướt nương ngô”, nhưng bên cạnh là những ngôi nhà kiên cố của trường học, bệnh xá, nhà dân... Cánh đồng lúa đặc sản Định Hóa chín vàng tỏa hương thơm dìu dịu pha lẫn cái ngọt ngào của các xưởng sao chè...

Lán Tỉn Keo, nơi Bác Hồ ở và làm việc tại ATK Định Hóa. Ảnh: Thế Hà.

Đường vào “Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến” ở Khuôn Tát. Ảnh: Thế Hà

Đèo De là địa danh gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng ngày Người ở ATK Định Hóa. Đèo là điểm giáp ranh giữa hai xã Phú Đình (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), cách Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào chừng 4km theo đường chim bay. Tại đây, đúng dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19-5-1890 / 19-5-2005), Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ mà giờ đây, nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa, huyện Sơn Dương quen gọi là Đền thờ Bác Hồ.

Thạc sĩ Đồng Khắc Thọ giới thiệu với chúng tôi về quá trình xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Đèo De. Đây là Đền thờ Bác Hồ lớn nhất ở nước ta, được xây dựng tại vị trí "tả thanh long, hữu bạch hổ" của Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, trung tâm Thủ đô gió ngàn của Chiến khu Việt Bắc năm xưa. Đây cũng là Đền thờ Bác Hồ duy nhất của Việt Nam do hai Thủ đô là Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và Thủ đô kháng chiến Thái Nguyên hợp tác xây dựng nên công trình mang tầm vóc quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Toàn bộ các hạng mục của Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Đèo De có tổng diện tích 16.000m2 gồm: Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Từ cổng Tứ trụ bước lên 115 bậc (để ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh của Bác) là tới nhà Tam quan. Leo tiếp 79 bậc (ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác) là đến Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Nhà tưởng niệm có diện tích sàn 625m2 gồm hai tầng, kiến trúc theo lối đền chùa truyền thống của Việt Nam, mái lợp ngói đỏ, hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở, những cánh sen là 79 cây vạn tuế. Viền quanh những cánh sen là rặng dâm bụt trổ đầy hoa lấy giống từ bờ hoa dâm bụt cổ thụ Bác Hồ trồng trên đồi Tỉn Keo vào năm 1948.

Hai bên tả, hữu khuôn Tam quan, bao quanh Nhà tưởng niệm Bác Hồ là rừng cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, các ngành, địa phương trồng.

Phía sau Đền thờ Bác là bộ Ngũ hành sơn, biểu tượng "Công cha như núi Thái Sơn" của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam cung tiến. Bên trái trước đền là lầu chuông, ngói đỏ với quả chuông đồng 1,2 tấn do Công ty Thương binh Hòa Bình (Hà Nội) cung tiến.

Tại vị trí trang trọng nhất của Nhà tưởng niệm Bác Hồ là bức tượng bán thân chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 99cm do các nghệ nhân làng Ngũ Xã (Hà Nội) chế tác. Nơi cao nhất treo bức hoành phi "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", đối diện là bức đại tự "Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi".

Tỉn Keo - nơi phát tích: “Điện Biên chấn động địa cầu”

Từ Nhà tưởng niệm Bác Hồ nhìn xuống, xóm Tỉn Keo (xã Phú Đình) đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Tỉn Keo tiếng Tày có nghĩa là "Chân đèo". Tỉn Keo ở ngay dưới chân Đèo De là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lâu nhất trong thời kỳ Người ở ATK Định Hóa. Đây cũng là nơi phát tích chiến dịch Điện Biên chấn động địa cầu.

Tỉn Keo là địa danh đáp ứng được tiêu chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc các đồng chí bảo vệ giúp việc khi tìm địa điểm đặt cơ quan: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/ Tiện đường sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo, kín mái/ Gần dân không gần đường”.

Bác ở đồi Tỉn Keo cách nơi làm việc của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Thẩm Khen 1,8km, Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nà Mòn khoảng 3km (đều thuộc xã Phú Đình), từ Tỉn Keo ngược lên 1,2km đến thác 7 tầng Khuôn Tát, leo chừng 3km đến đồi Nà Đình (Khuôn Tát) nơi Bác ở, làm việc những năm 1947, 1948, 1953 và đầu năm 1954. Từ Tỉn Keo vượt đèo De, núi Hồng là sang tới Tân Trào, Sơn Dương Tuyên Quang. Theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Địch cũng không ngờ ở chỗ giáp ranh, bản làng nghèo nàn, vắng vẻ lại là nơi “chùa rách, bụt vàng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký: “Cuộc họp Tỉn Keo” do Hồ chủ tịch Chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị (cuối tháng 9-1953). Dự họp có đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Hạ tuần tháng 9-1953 ta có được bản kế hoạch Na-va. Tướng 4 sao Na-va được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương từ ngày 8-5-1953. Na-va chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung bình định ở miền Nam và mùa thu năm 1954 sẽ tập trung quân ra miền Bắc để tiêu diệt chủ lực của ta dự định hoàn thành thôn tính nước ta trong vòng 18 tháng. Nhưng khoảng giữa năm 1953 Na-va đã tập trung ở đồng bằng một lực lượng quân cơ động mạnh chưa từng có sẵn sàng chờ đón những cuộc tấn công của ta. Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, báo cáo về tình hình chiến trường, Bác ngồi họp với tư thế bình thản, chợt đôi mắt Bác lộ vẻ chăm chú, bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại, Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn” vừa nói bàn tay Bác mở ra mỗi ngón trỏ về một hướng.

Sau khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất tại Đông Dương. Chính tại căn lán nhỏ Tỉn Keo vào ngày 6-12-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiện nay, lán Bác Hồ ở Tỉn Keo đã được phục chế lại. Phía trước căn lán Tỉn Keo còn có cây hoa dâm bụt Bác Hồ trồng. Đến nay, gần 70 năm trôi qua cây vẫn nở hoa xanh tươi.

“Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến”

Từ Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên Đèo De, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng trước cảnh đẹp kỳ vĩ của thác 7 tầng Khuôn Tát. Thác hiện lên trong nắng rực rỡ như bậc thang nhà sàn đồng bào Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Nhìn nghiêng, dòng nước trắng trông tựa như dải lụa tuyệt đẹp vắt vai nàng sơn nữ...

Khuôn Tát tiếng Tày có nghĩa là thung lũng có thác nước chảy. Cách không xa thác Khuôn Tát kỳ vĩ là “Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến” ở đồi Nà Đình thuộc bản Khuôn Tát, xã Phú Đình. Đồi Nà Đình rộng khoảng 2ha còn lưu giữ được nhiều cây phách cổ thụ, dưới tán rừng phách, còn hầm của Bác, căn lán Bác ở làm việc được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phục dựng, đường nội thị di tích được lát bằng đá suối, quả đồi được khoanh vùng, rào bảo vệ… Xóm đồng bào Dao Khuôn Tát còn giữ được cây đa 100 tuổi mang tên “cây đa Bác Hồ”, dấu tích sân bóng chuyền, bên cây đa nơi Bác Hồ cùng các đồng chí giúp việc, bảo vệ chơi bóng, tập võ, cây đa được xây đường bao để bảo vệ, gắn biển giới thiệu. Phía trên là nhà quản lý đón tiếp, phía sau tán đa là con suối Khuôn Tát, chảy uốn khúc có nhiều tảng đá to trước khi đổ 1 đoạn phẳng lặng dài 100m, ghi dấu nơi Bác câu cá, tắm giặt. Từ cây đa Bác Hồ phải lội qua đoạn suối Khuôn Tát, theo đường đi bộ khoảng 150m mới tới di tích “Phủ Chủ tịch” trên đồi Nà Đình. Đó là một ngôi nhà làm theo kiểu nhà sàn, lợp lá cọ, cột gỗ, vách bằng nứa, có sàn, cửa sổ thông thoáng. Tại đây, vào ngày 20-1-1948 Người đã ký các Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp-Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ; Sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí Hoàng Văn Thái-Tổng Tham mưu trưởng quân đội quốc gia Việt Nam, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn… Ngày 25-1-1948, Người ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình - Khu trưởng Chiến khu VII, kiêm Ủy viên Quân sự Nam Bộ.

Vào đầu tháng 1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ lên “Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến” ở Khuôn Tát, chào Bác trước khi đi chiến dịch, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền… Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau. Bác nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” .

Thấm thía lời dặn của Bác và xét diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", và đó được coi là quyết định quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…

ĐỖ PHÚ THỌ

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ky-1-long-long-thu-do-gio-ngan-507648