Kon Tum: Trang trại hàng trăm con heo nái gây ô nhiễm môi trường

Thành lập trang trại nuôi heo nái, chủ trại “Tàu Mịch” tại (thôn 1B, xã Đắk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), đã tự ý khoanh vùng, lập nhiều chuồng, mua giống về để nuôi. Tuy nhiên, việc xả chất thải lại trực tiếp đổ ra sông, suối đang gây ô nhiễm môi trường.

Xả thẳng ra sông

Cách khu dân cư khoảng chừng 1km, tại địa bàn (thôn 1B, xã Đắk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) đã xuất hiện một trang trại nuôi heo nái số lượng lớn. Với mục đích vừa làm giống, vừa bán ra thị trường, chủ trang trại có tên “ Tàu Mịch” đang sở hữu trong tay hàng trăm con heo, được nuôi trên diện tích khoảng 10.000 m2. Chủ trang trại đã đầu tư xây chuồng, ngăn tường khá bài bản.

Trang trại heo gây ô nhiễm nguồn nước tại thôn 1 B, xã Đắk La.

Theo anh N.V.L ( SN 1976, trú tại Thôn 1B, xã Đắk La) cho biết: “ Nuôi heo bán ở đây cũng nhiều lắm, có điều tôi thấy trang trại này không phải vậy. Họ nuôi rất nhiều, không cho ai vào thăm, hàng rào cao ngút, xung quanh có lưới sắt. Nhiều lúc, người dân chúng tôi muốn vào học hỏi để về làm theo nhưng bảo vệ không cho vào. Lý do là họ sợ dịch bệnh gì đấy, tôi có nghe họ nói là nuôi hơn 100 con. Điều tôi thấy là từ khi họ nuôi heo tới giờ, không khí và nguồn nước luôn có mùi hôi thối. Chủ trại đã xây một đường ống dài chừng 20 chục mét để xả thải trực tiếp phân heo qua kênh và chảy ra suối 2/9. Mà nuôi nhiều heo như thế, mỗi ngày lượng phân phải hơn 3- 4 m3, Thử hỏi ai chịu nổi”.

Quan sát của PV, tại trang trại nuôi heo được đặt gần một con kênh, nước chảy khá mạnh. Sau khi vệ sinh chuồng của chủ trại thì nguồn nước này dẫn ra suối 2/9 và sau đó đổ về sông Pô Kô. Khi chúng tôi đi qua con kênh được xả thải, trên dòng nước vẫn còn đọng lại nhiều lớp váng màu vàng, phân heo vẫn còn nổi “lềnh bềnh” đầy mùi hôi.

Đường ống được chủ trang trại cho chất thải đi ra suối.

Để cụ thể hơn, chúng tôi đã gặp chủ trang trại nuôi heo “ Tàu Mịch” là ông Đặng Văn Mịch trú tại (thôn 1B, xã Đắk La, huyện Đắk Hà). Ông Mịch cho rằng: “Nuôi heo nhà đơn giản, ai nuôi mà chẳng thải phân ra ngoài, tôi thấy ở đây nhiều người cũng giống tôi. Không biết ai mà nói tôi làm ô nhiễm, nghe không hợp lý. Hiện tại cơ sở tôi nuôi hơn 100 con giống, khi xả nước phân tôi làm hai đường ống. Một đường cho chảy vào hồ chứa nước, sau đó cho ra kênh. Đường ống còn lại là tôi cho ra trực tiếp kênh nước gần chuồng”.

Như vậy, chủ trang trại không muốn nói ô nhiễm nguồn nước từ việc xả thải phân heo ra suối, mà chỉ cho rằng xả một ít nên chẳng sao, trong lúc người dân phàn nàn về môi trường nước bị nhiễm phân heo nặng, không khí đầy nằng nặc mùi phân heo.

Chính quyền nhắc nhở lại tái diễn

Việc chăn nuôi heo có trang trại lớn, số lượng nhiều đòi hỏi phải có nhiều yếu tố đảm bảo, khi đó mới được phép thành lập trang trại. Tuy nhiên, với trại heo “Tàu Mịch” lại không thông qua chính quyền địa phương, mà tự mình lập chuồng chăn nuôi, không quan tâm đến các yếu tố môi trường, dịch bệnh phát sinh liên quan.

Việc xả thải thẳng ra môi trường đang gây ô nhiễm khiến người dân sống xung quanh bức xúc.

Bức xúc trước mô hình chăn nuôi tự phát như ông Mịch, bà N.T.T ( trú tại thôn 1B, xã Đắk La, huyện Đắk Hà) thẳng thẳn nêu ý kiến: “Tôi sống ở đây bao nhiêu năm, chăn nuôi heo không phải lạ, thế mà số lượng heo nhiều như thế, tôi nghĩ nên cân nhắc. Bởi nuôi các con vật khác thì khí thải ra còn ít mùi, riêng với heo thì khó chịu lắm. Đã thế lại còn cho thải ra sông, suối, nghe mà phát tức. Thật khó hiểu những người này, chắc vì tiền mà quên đi mọi thứ”.

Liên quan đến trang trại nuôi heo gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, ông Nguyễn Thái Huy – Chủ tịch UBND xã Đắk La cho biết: “Trước đây, trang trại ông Mịch có nuôi ngoài khu đông dân cư, có dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Chính quyền xã đã lên đôn đốc, nhắc nhở. Sau đó, chuyển ngoài khu đông dân cư, hiện nay lại tái phạm, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan như cảnh sát môi trường huyện, đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý nhanh vấn đề nêu trên”.

Chăn nuôi heo là mô hình tốt nhằm để phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là những nơi như xã Đắk La, huyện Đắk Hà còn gặp nhiều khó khăn trong sự đổi mới về cách thức làm ăn. Ngoài trồng trọt ra thì chăn nuôi vẫn nên duy trì để có thể nâng cao đời sống vật chất ngày một cao hơn cho bà con. Tuy nhiên, với việc làm như trang trại heo“ Tàu Mịch” thì cần phải xem xét lại, chăn nuôi chưa đúng với các thủ tục về pháp lý, gây ô nhiễm môi trường, để cho người dân bức xúc như hiện nay thì chính quyền sở tại phải khẩn trương nhập cuộc, điều tra làm rõ về trách nhiệm của các hộ chăn nuôi trong lĩnh vực môi trường.

Tiến Nhuệ - Hải Nguyễn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/kon-tum-trang-trai-hang-tram-con-heo-nai-gay-o-nhiem-moi-truong-116873