Kon Tum quyết liệt kiểm soát, ngăn chặn bệnh bạch hầu

Tỉnh Kom Tum tiếp tục triển khai các biện pháp cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ dịch… nhằm ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu không lan rộng.

 Huyện Sa Thầy lập chốt kiểm soát việc ra vào của người dân vùng dịch. Ảnh: Báo Kon Tum

Huyện Sa Thầy lập chốt kiểm soát việc ra vào của người dân vùng dịch. Ảnh: Báo Kon Tum

Tính đến ngày 8/7, tỉnh Kon Tum có 16 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 7 người bệnh (huyện Đăk Tô 2, huyện Sa Thầy 5) và 9 người lành mang trùng. Tất cả các ca dương tính với bạch hầu đang được cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy và Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô. Sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, không sốt, không khó thở và không đau ngực.

Trong những năm gần đây, bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Đăk Tô liên tục xảy ra và có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính được xác định là trước đây người dân chưa được tiêm chủng, hoặc đã được tiêm chủng nhưng không đủ mũi nên không có miễn dịch trong cộng đồng.

Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như cách ly các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh, cho các đối tượng nghi ngờ uống kháng sinh dự phòng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực có dịch.

Trung tâm Y tế huyện cùng với các địa phương rà soát những người chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine uốn ván - bạch hầu để triển khai tiêm bổ sung và xây dựng kế hoạch tiêm phòng vaccine trên diện rộng cho người dân.

Sa Thầy là địa phương có số ca mắc bạch hầu cao nhất với 5 trường hợp, 6 người lành mang trùng, 3 ổ dịch đang hoạt động.

Khi phát hiện các trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy đã khoanh vùng, điều tra những người tiếp xúc gần với người bị dương tính, khám sàng lọc, lấy máu xét nghiệm, khử khuẩn môi trường bằng CloraminB, cấp phát thuốc cho người dân trong vùng có dịch uống để điều trị dự phòng. Những trường hợp nghi ngờ cũng được điều trị theo phác đồ của bệnh bạch hầu.

Chính quyền các địa phương cũng tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, như phân công lãnh đạo xuống kiểm tra địa bàn, triển khai khoanh vùng, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc uống thuốc của người dân; lập chốt chặn để giám sát việc ra vào vùng có dịch của người dân...

Mặc dù đã triển khai nhanh, quyết liệt, nhưng công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại các địa phương đang có một số khó khăn nhất định. Đó là, do các đối tượng mắc bệnh thuộc nhóm tuổi lớn, chưa được tiêm chủng đầy đủ nên khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao. Người lành mang trùng chưa có biểu hiện bệnh nên rất khó xác định khi chưa được xét nghiệm. Đối tượng này di chuyển nhiều nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh cho người khác khiến dịch bệnh có thể bùng phát trong cộng đồng.

Địa bàn có ổ dịch bạch hầu đều là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về việc phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, lại thêm tập quán sinh hoạt tập trung, cộng đồng… là môi trường thuận lợi lây lan, phát tán mầm bệnh, cũng như việc xử lý ổ dịch gặp nhiều khó khăn.

Nhằm kiểm soát tốt bệnh bạch hầu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ngành y tế tỉnh Kon Tum cùng các địa phương xác định một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện như tiếp tục khoanh vùng, giám sát chặt chẽ ổ dịch; khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh hoặc người lành mang trùng để cách ly và điều trị kịp thời; tổ chức cho người dân trong vùng ổ dịch uống thuốc điều trị dự phòng, tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, phun xử lý ổ dịch bằng Chloramin B ngày 2 lần.

Ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine Td cho các đối tượng từ 7-25 tuổi tại các xã có ca bệnh để tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng. Đồng thời thực hiện tốt việc tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó là chú trọng đến công tác truyền thông phòng, chống dịch bạch hầu cho cộng đồng, tuyên truyền cho người dân lợi ích của tiêm chủng để người dân biết, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/kon-tum-quyet-liet-kiem-soat-ngan-chan-benh-bach-hau/400278.vgp