Kon Tum: Nan giải bài toán trồng rừng ở huyện nghèo Tu Mơ Rông

Trồng rừng tạo ra sức sống mới cho nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng khó. Tuy nhiên, việc trồng rừng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) không mang lại hiệu quả như mong đợi bởi tỷ lệ cây sống thấp, trong khi chi phí đầu tư cao… khiến dân chưa mặn mà.

Theo đó, trong năm 2021, huyện Tu Mơ Rông đã vận động 7 cộng đồng và 250 hộ dân trên 11 xã đăng ký trồng rừng tập trung với diện tích 249 ha, với 2 loại cây trồng là thông ba lá và sơn tra.

Người dân tham gia trồng rừng được nhà nước hỗ trợ tiền thông qua cây giống. Khi thành rừng, người dân được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, người dân có thể kết hợp phát triển kinh tế từ các loại cây dưới tán rừng.

Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã chết hàng loạt. Điển hình tại xã Đăk Hà, tỷ lệ diện tích rừng trồng sống trên địa bàn chỉ đạt 40%, nhiều hộ tỷ lệ sống chỉ đạt dưới 10%.

 Cây rừng trồng xen mì khiến tỷ lệ cây sống thấp, có nơi chỉ đạt dưới 10%

Cây rừng trồng xen mì khiến tỷ lệ cây sống thấp, có nơi chỉ đạt dưới 10%

Cụ thể, hộ gia đình chị Y Nga, trú tại thôn Mô Pa (xã Đăk Hà) trồng hơn 1ha cây sơn tra, tuy nhiên tỷ lệ sống chỉ dưới 10%.

Chị Y Nga cho hay: “Trước đó, diện tích này gia đình đã trồng mì, lúa. Đến năm 2021, chính quyền rà soát thì biết là đất lâm nghiệp nên đã vận động gia đình trồng rừng (cây sơn tra). Theo đó, gia đình cũng thực hiện trồng xen canh 1.000 cây sơn tra với mì. Gia đình cũng muốn thực hiện trồng rừng theo hướng dẫn của xã, tuy nhiên nếu trồng rừng hết thì gia đình biết lấy đất đâu để trồng cây lương thực, nuôi 3 người con nhỏ. Chính vì vậy, gia đình mới xen canh với mì và các loại cây ngắn ngày khác. Thế nhưng, việc chăm sóc và thu hoạch mỳ đã ảnh hưởng khiến cây sơn tra chết hết”.

Tương tự hộ gia đình anh A Dãi trú cùng xã cũng trồng rừng xen canh trên diện tích hơn 1ha cây ngắn ngày, tuy nhiên tỷ lệ cây sống đạt dưới 10%.

 Người dân tiến hành trồng dặm lại diện tích cây rừng bị chết

Người dân tiến hành trồng dặm lại diện tích cây rừng bị chết

Trao đổi với PV, ông Dương Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Đắk Hà cho biết: “Khi thực hiện việc trồng rừng, người dân phần lớn thường xen canh thêm các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như bắp, mì... Bởi lẽ, cây rừng phải hơn 5 năm mới bắt đầu cho thu hoạch vì vậy người dân thường xen các loại cây trồng ngắn ngày để có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, bà con lại sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, đặc biệt là thuốc cỏ khiến cho cây rừng trồng xen dần bị chết đi. Cùng với đó việc thu hoạch những cây nông nghiệp ngắn ngày cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng”.

Ngoài nguyên nhân trên, theo kết quả giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, hoạt động kiểm tra giám sát việc thực hiện quy trình trồng rừng, chất lượng giống cây trồng và xuống giống tại một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ, chặt chẽ.

Cụ thể, qua khảo sát thực tế một số hộ dân tham gia trồng rừng tại xã Đăk Sao và Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông khi nhận cây giống cấp đã chuyển sang màu vàng khô. Đồng thời kiểm tra hồ sơ dự án không có biên bản kiểm tra chất lượng cây giống, kiểm tra việc xuống giống…

 Nhắm giúp người dân có lương thực duy trì cuộc sống và phát triển kinh tế trên diện tích rừng trồng, xã Đăk Hà đã hướng dẫn trồng xen canh cây dứa

Nhắm giúp người dân có lương thực duy trì cuộc sống và phát triển kinh tế trên diện tích rừng trồng, xã Đăk Hà đã hướng dẫn trồng xen canh cây dứa

Việc trồng rừng không thành rừng khiến người dân thiệt thòi vì không hưởng được tiền dịch vụ môi trường rừng, đồng thời lãng phí nguồn ngân sách được hỗ trợ trước đó. Trước thực trạng trên, UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các xã đánh giá lại hiệu quả rừng trồng năm 2021. Qua đó, xây dựng kế hoạch để hướng dẫn người dân tiếp tục trồng dặm lại đối với những diện tích rừng trồng có tỷ lệ sống thấp, chưa đảm bảo mật độ theo hồ sơ thiết kế trong mùa vụ trồng rừng năm 2022, 2023.

Theo đó, đầu năm 2023, xã Đăk Hà đã huy động nguồn lực xã hội hóa và huy động người dân góp vốn để trồng dặm lại cây rừng bị chết. Nhằm tránh việc cây chết như các năm trước, xã luôn kiểm tra, giám sát việc trồng dặm rừng lại rừng. Hướng dẫn cho người dân cách bón phân, rào chắn bảo vệ; triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, sâu bệnh hại…cho cây trồng rừng.

Theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỷ lệ cây rừng sống thấp do nhiều nguyên nhân như: Việc chăm sóc, bảo vệ của người dân chưa hiệu quả; chi phí đầu tư để trồng rừng cao, thời gian thu hoạch lâu khiến dân chưa mặn mà. Nhiều vùng khó khăn, người dân trồng xen canh với cây nông nghiệp khiến cây rừng chết hàng loạt.

“Trước thực trạng trên huyện đã thành lập nhiều đoàn nhằm đề ra các giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả việc trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã trực tiếp hướng dẫn các mô hình xen canh hiệu quả dưới tán rừng. Qua đó, người dân có thể hưởng lợi từ các loại cây dưới tán rừng và nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng”, ông Mạnh cho biết thêm.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kon-tum-nan-giai-bai-toan-trong-rung-o-huyen-ngheo-tu-mo-rong-post258314.html