Kon Tum bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh

Ngọc Linh là dãy núi trải dài trên địa bàn 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai với độ cao 800-2.600m so với mực nước biển, được xem là 'nóc nhà' của Tây Nguyên. Đặc biệt, dãy Ngọc Linh vắt ngang tỉnh Kon Tum và Quảng Nam còn có sản vật hết sức quý hiếm, chính là sâm Ngọc Linh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang thăm vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: NVC

Từ “cây thuốc giấu” đến sản phẩm quốc gia

Sâm Ngọc Linh là loại sâm mọc tại núi Ngọc Linh ở độ cao khoảng trên 1.500m thuộc địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Loại sâm này chỉ sống lưng chừng ở các ngọn núi trên dãy Ngọc Linh, nơi thường xuyên có mây mù bao phủ, khí hậu mát mẻ. Đây là loại sâm quý hiếm được tích tụ từ tinh hoa của đất trời nên chứa hàm lượng saponin cao, đặc biệt tốt cho sức khỏe.

Trước khi có sự phát hiện từ các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh được người dân tộc Xơ Đăng địa phương sử dụng như một “cây thuốc giấu” (hiểu nôm na là cây thuốc quý và được giữ gìn kỹ lưỡng để sử dụng khi cần), chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Sâm có vị đắng, mùi thơm, sau khi dùng ai nấy đều khỏi bệnh và cảm thấy khỏe khoắn. Lúc bấy giờ, chưa ai biết đó là cây sâm như ngày nay.

Theo tài liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, năm 1970, khi đang công tác tại Trường Đại học Dược Hà Nội, dược sĩ Đào Kim Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dược liệu và kiểm nghiệm Khu 5 - nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc chữa trị cho dân và bộ đội. Năm 1971, dược sĩ Long cùng 13 đồng nghiệp, trong đó có 9 sinh viên mới ra trường, bắt đầu hành trình đi tìm thuốc. Sau khi nhận nhiệm vụ, đoàn công tác đi bộ từ Hòa Bình và sau 6 tháng mới đến Khu 5. Khi ấy, Ban Dân y Khu 5 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tìm cây thuốc để chăm sóc sức khỏe cho bộ đội.

Nắm được thông tin “cây thuốc giấu” của người dân tộc Xơ Đăng khu vực tỉnh Kon Tum có tác dụng tăng cường sức khỏe, anh em trong đoàn đã cử dược sĩ đi tìm. Từ đây, đoàn công tác bắt đầu hành trình ngược núi Ngọc Linh tìm cây thuốc quý. Sáng ngày 19-3-1973, đoàn tìm thấy loài cây này mọc thành quần thể ở độ cao 1.800m so với mực nước biển trên dãy núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. “Anh em trong đoàn khi ấy gọi đó là cây sâm đốt trúc và sơ bộ xác định là họ nhân sâm”, dược sĩ Long nhớ lại. Sau khi sâm được phát hiện, Khu ủy Khu 5 chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội đánh giá, kết luận.

Theo kết quả nghiên cứu, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh chứa 52 hợp chất saponin, trong đó phát hiện 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác trên thế giới. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng. “Sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ô xy hóa, lão hóa, phòng, chống ung thư, bảo vệ tế bào gan”, dược sĩ Đào Kim Long khẳng định.

Tròn 45 năm sâm Ngọc Linh được phát hiện từ “cây thuốc giấu”, ngày 24/9/2018, tại Thông báo số 369/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại tỉnh Kon Tum”, sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã trồng được 1.749ha sâm Ngọc Linh; trong đó trồng mới 508ha, chủ yếu của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô, tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Diện tích sâm này trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, tập trung chủ yếu ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông. Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, trồng 1ha sau 8 năm cho thu hoạch, lợi nhuận có thể đạt khoảng trên 2 tỷ đồng.

Dồn sức bảo tồn, phát triển

Xác định giá trị quý hiếm của sâm Ngọc Linh, ngày 17/4/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND về “Phê duyệt quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030” với tổng diện tích quy hoạch là 31.742ha; trong đó, vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên là 16.988ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm Ngọc Linh là 14.754ha (độ cao từ 1.200m-1.500m).

Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: “phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 4.500ha đa dạng hóa sản phẩm và quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum”. Theo đó, định hướng phát triển bền vững sâm Ngọc Linh trên cơ sở sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển theo chuỗi liên kết, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn chế biến sâu với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Kon Tum chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn miền núi, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) và gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum - cho biết: “phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh phải gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. Sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới”. Theo ông Trần Hoàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum - “sâm Ngọc Linh đã được bảo tồn, thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cần phải đẩy mạnh canh tác gieo trồng, ứng dụng khoa học để tăng sản lượng. Công ty luôn đồng hành với các nhà khoa học, nghiên cứu ứng dụng khu bảo tồn giống, trồng trọt, chế biến các sản phẩm; nâng cao năng suất, giảm giá thành giúp cho nhiều người được tiếp cận, sử dụng sâm Ngọc Linh. Chúng tôi khẳng định thời gian tới sẽ đáp ứng được nhu cầu về sản xuất hàng hóa để sâm Ngọc Linh có thể đủ cho người tiêu dùng trong nước và đưa đi xuất khẩu”.

Ông Bùi Thanh Bình - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum - chia sẻ, để bảo hộ được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường trong nước và quốc tế, phải tận dụng các điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nuôi trồng, chế biến, phát triển sản phẩm. Đồng thời, truyền thông mạnh mẽ các giá trị độc đáo của sâm Ngọc Linh, coi đây là bước đột phá cho sự phát triển của ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, đem lại cho Việt Nam khả năng đối trọng với các cường quốc tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Hiện nay, việc di thực sâm Ngọc Linh được thực hiện cẩn trọng, được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, khoa học. Việc mở rộng trồng và chế biến sâm Ngọc Linh trước hết được tiến hành ở núi Ngọc Linh. Tuy nhiên, phải bảo đảm chất lượng sâm, hàm lượng saponin cũng như các hoạt chất có trong sâm; mỗi sản phẩm nhân sâm phải là một sản phẩm chất lượng cao, được chế biến từ những củ sâm chất lượng tốt nhất, tinh túy nhất.

Theo dược sĩ Đào Kim Long, khi trồng cây sâm xuống đất, trước hết phải kiểm tra xem giống này lấy ở đâu. Không du nhập giống, không lai tạo để biến đổi gene, không cấy ghép và phải bảo tồn cho được giống quý sâm Ngọc Linh. Đồng thời, phải xây dựng bằng được những doanh nghiệp hạt nhân, có đủ tiềm lực và sức mạnh để trở thành những nhà tiên phong, đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh với các chủng loại sản phẩm phong phú từng bước vững chắc vươn ra thị trường quốc tế.

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông - cho biết, công tác bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh đã và đang được địa phương đặc biệt chú trọng, nhằm giữ gìn thương hiệu, tránh việc bị trục lợi, làm giảm uy tín của cây “quốc bảo”. Để làm được điều này, huyện đã có nhiều giải pháp, trước hết là phối hợp các công ty và chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã từng bước xây dựng hồ sơ pháp lý của vùng trồng, trong đó xác định mỗi hộ, mỗi doanh nghiệp phải có hồ sơ khai sinh của cây sâm Ngọc Linh. Tiếp theo, huyện sẽ tổ chức để người dân là người chủ sở hữu thật sự của rừng liên kết, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, dẫn dắt để phát triển, mở rộng vùng trồng, làm cho cây sâm Ngọc Linh trở thành sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ làm giàu, thoát nghèo bền vững.

Ngày 19/8/2023, trong chương trình làm việc tại Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát vườn sâm Ngọc Linh tại xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông, thăm một số hộ dân và doanh nghiệp liên kết trồng sâm. Tại đây, Thủ tướng lưu ý tỉnh Kon Tum và các huyện, xã cần tiếp tục coi trọng việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đồng thời, người dân liên kết, thành lập các hợp tác xã, tiến hành sản xuất lớn; Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ về vốn; các doanh nghiệp đầu tư lo vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh...

Mục tiêu trở thành trung tâm dược liệu của cả nước

Nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Kon Tum trở thành trung tâm dược liệu của cả nước, trong đó cây sâm Ngọc Linh là chủ lực, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ sản phẩm đặc hữu này, tỉnh Kon Tum tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã có, nhất là huy động nguồn vốn, công nghệ và sự tham gia của các doanh nghiệp có tiềm lực trong liên kết trồng, thu mua, chế biến sâm Ngọc Linh. Xúc tiến hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất có đầu ra và sản xuất ra dược liệu có chất lượng tốt theo tiêu chuẩn GACP-WHO từ sự đầu tư đầy đủ về giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, sơ chế, bảo quản để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến sâu.

Hai là, đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất để phát triển cây sâm. Đồng thời, tiếp tục triển khai thí điểm giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, nhằm bảo đảm lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân theo hướng người dân có đất và giữ rừng phải được hưởng lợi xứng đáng. Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ba là, cần sớm xây dựng, hoàn thiện quy trình nhân giống; tổ chức nhân giống, từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng và nhân giống cho nhân dân. Quản lý chặt chẽ nguồn gene gốc sâm Ngọc Linh, triển khai công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận nguồn giống gốc, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đối với các vườn giống của các công ty, hợp tác xã và hộ gia đình đạt chuẩn tại từng địa phương để làm cơ sở bảo tồn, nhân giống và phát triển.

Bốn là, tổ chức kê khai, thống kê, kiểm soát tốt nguồn sâm Ngọc Linh trồng từ các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn để tiến hành xác nhận và quản lý chất lượng, làm cơ sở pháp lý cho việc công nhận nguồn giống, sản phẩm hợp pháp cung ứng ra thị trường.

Năm là, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng để có sự đầu tư tập trung, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu rất lớn về sản lượng; ưu tiên đầu tư nguồn lực chuyển hóa sản phẩm sâm Ngọc Linh thành sản phẩm thương mại có giá trị gia tăng cao.

Nguyễn Văn Chiến

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kon-tum-bao-ton-phat-trien-sam-ngoc-linh-702503.html