Kodak - chỉ còn là “vang bóng một thời”?

ICTnews - Kodak – hãng sáng tạo ra chiếc máy ảnh số đầu tiên vào năm 1975 đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 131 năm của công ty.

ICTnews - Kodak – hãng sáng tạo ra chiếc máy ảnh số đầu tiên vào năm 1975 đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 131 năm của công ty.

Công ty 131 năm tuổi này đã có công đưa nền công nghiệp chụp ảnh thành một sở thích của đại chúng, và tên gọi Kodak gần như trở thành từ đồng nghĩa với chụp ảnh, với việc lưu giữ các kỷ niệm. Sự sụp đổ của một nhãn hiệu huyền thoại như thế không chỉ tác động đến giới doanh nghiệp, doanh nhân Mỹ, mà còn có ảnh hưởng văn hóa sâu xa lên các thế hệ trên toàn thế giới, những người đã chụp những bức ảnh đầu tiên bằng loại máy ảnh phim mang logo chữ K màu vàng và đỏ không thể lẫn lộn được của Kodak.

“Bạn có thể tìm và nhận ra dấu hiệu màu vàng Kodak trên toàn thế giới – dù bạn đi đâu”, nhiếp ảnh gia John Larish, từng làm việc cho Kodak trong những năm 1980 nói. “Nhưng với sự du nhập của loại máy ảnh số và thậm chí là cả điện thoại máy ảnh, tôi nghĩ công ty giờ đây như một cái gì đó mà chúng ta sẽ nhắc đến trong các cuốn sách lịch sử”.

Ngôi sao băng

Mặc dù là công ty sáng chế ra máy ảnh số đầu tiên thế giới vào năm 1975, song Kodak lại chậm chạp trong việc tận dụng lợi thế này để kiếm lợi nhuận, tạo điều kiện cho các đối thủ Nhật Bản như Canon và Sony chớp thời cơ trong triều đại kỹ thuật số phát triển nhanh nhạy vào cuối những năm 1990.

Kodak nổi lên là một biểu tượng máy ảnh cao cấp trong thế kỷ 20, nhưng tất cả chỉ như một ngôi sao băng, bởi sự sáng tạo công nghệ không hề “đứng im”.

Năm 1927, Kodak gần như độc quyền trong nền công nghiệp nhiếp ảnh Mỹ. và vào những năm 1960, mẫu máy Instamatic 126 của hãng đã trở thành một trong những mẫu máy ảnh phổ biến nhất thời đại.

Bên cạnh những “huân huy chương” trên, Kodak còn là một tập đoàn nổi tiếng luôn chăm sóc nhân viên. Được làm việc cho Kodak nghĩa là sẽ yên tâm suốt đời, tâm niệm đó đã tồn tại như một điều rất tất yếu, giản dị của các thế hệ nhân viên Kodak.

Bước vào những năm 1980, Kodak vẫn còn chiếm khoảng 2/3 doanh số phim màu thế giới. Nhưng sự thận trọng quá mức khi khai thác các thị trường mới, như camera ngắm và chụp 35mm đã khiến hãng phải trả giá. Những đối thủ Nhật Bản đã nhanh chóng cướp mất tỷ suất lợi nhuận béo bở của Kodak. Fuji của Nhật đã chiếm ngôi vị hãng máy ảnh số 1 của Kodak.

Những đợt sa thải, cắt giảm nhân sự liên tục xảy ra với Kodak những năm sau đó. Bill Hargreaves, một kỹ sư Koda trong 28 năm liền, cho biết bố của ông đã dành cả sự nghiệp tại Kodak sau chiến tranh thế giới thứ II, và nghỉ hưu năm 1971. “Ông ấy đã ở đó khi Kodak là nơi làm việc tốt nhất trên thế giới”. Nhưng Hargreaves đã phải nghỉ hưu sớm vì việc thắt chặt chi tiêu khiến môi trường làm việc tại đây trở nên “ngày càng khắc nghiệt mỗi năm”.

Vừa qua Kodak đã thuê Jones Day, một công ty luật chuyên tư vấn về phá sản và các phương án tái cấu trúc. Đó cũng là lúc cổ phiếu của hãng, từng lên đỉnh 94 USD vào năm 1997, trượt xuống thấp nhất mọi thời đại, còn chỉ 78 cent/cổ phiếu. Kodak đã phải khẳng định trong một thông cáo rằng hãng không hề có ý định nộp đơn bảo vệ phá sản, và rằng Jones Day chỉ là một trong số những nhà tư vấn sẽ giúp công ty đi lên.

Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn luôn nơm nớp lo sợ trước tình hình tài chính của công ty. Kodak đã phải giảm bảng lương của nhân sự xuống mức cực thấp. Còn các nhân viên của Kodak thì nói họ rất sợ cuộc khủng hoảng này sẽ nhấn chìm sự nghiệp của họ. Thậm chí, nhiều người còn không dám tin rằng công ty sẽ phá sản.

Bán bằng sáng chế có cứu được Kodak?

Giờ đây, đứng giữa khoảng cách mong manh của sự sụp đổ và hồi sinh, Eastman Kodak Co đang phải “mở két”, bán đi 1.100 bằng sáng chế hình ảnh số để có lượng tiền mặt lớn nhằm vượt qua giai đoạn chuyển đổi và tránh rơi vào hố đen phá sản. Theo thông tin, hiện Kodak sở hữu một danh mục khoảng 11.000 bằng sáng chế.

Cách đây hơn 1 thế kỷ, Kodak chính là hãng đã phổ biến ngành công nghệ nhiếp ảnh. Hãng tung ra loại phim cuộn mềm dẻo, linh hoạt đầu tiên của thế giới vào năm 1888 và đưa công nghệ chụp ảnh thành một thứ hàng hóa đại chúng với mẫu máy ảnh Brownie giá 1 USD vào năm 1900. Nhưng những ngày hoàng kim đó đã quá lâu rồi, nhà sản xuất phim lớn nhất thế giới từng rất vững mạnh và kiếm bộn tiền trong thế kỷ 20, giờ đây đang gặp khốn khó.

Hiện nay, Kodak đang chơi trò đuổi-bắt. Bị giới tài chính phố Wall thúc giục, bắt bẻ vì nguồn tiền mặt ngày càng teo tóp, và những nỗ lực không thành trong việc trở lại là công ty có lãi ở mảng kinh doanh ảnh kỹ thuật số - Kodak đã phải rao bán bằng sáng chế kể từ tháng Bảy. Nhiều nhà phân tích tài chính dự đoán Kodak sẽ có 2-3 tỷ USD nhờ “thương vụ bán rong” này.

Tuy nhiên, giá trị bằng sáng chế của Kodak có thể nhiều hơn thế. Bởi hiện nay bằng sáng chế đang rất “có giá”, đặc biệt với những công ty muốn bảo vệ chính họ khỏi các vụ kiện tụng độc quyền. Những diễn biến trong giới kinh doanh vừa qua càng cho thấy tầm quan trọng của bằng sáng chế. Hồi tháng Bảy, một liên minh gồm Apple và Microsoft đã mua lại loạt bằng sáng chế của Nortel Networks với giá 4,5 tỷ USD. Một tháng sau, Google mua lại Motorola Mobility với giá 12,5 tỷ USD, một phần cũng là để được sở hữu 17.000 bằng sáng chế của Motorola Mobility.

“Đã có cả một cuộc chiến tầm cỡ “hạt nhân” trong cuộc đua thống trị thị trường smartphone, máy tính bảng và thiết bị di động toàn cầu”, Christopher Marlett, giám đốc MDB Capital, một ngân hàng đầu tư ở California, nói. “Và Kodak có một trong những vũ khí lợi hại nhất”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng phục hồi của Kodak vào năm 2012 sau khi liên tục gặp thua lỗ trong gần thập kỷ qua. “Tất cả số tiền mặt đó sẽ chỉ giúp công ty tồn tại trong một thời gian ngắn. Và sau đó, họ sẽ lại rơi vào vị trí cũ mà chẳng còn tài sản nào để bán”, nhà phân tích Shannon Cross của hãng Cross Research ở New York nói. “Nếu chỉ biết “đốt tiền” và không tìm được cách nào để tạo ra lợi nhuận, hãng sẽ chẳng còn gì”.

Gần đây, Kodak đã rót hàng trăm triệu USD vào dòng máy in phun mực mới và cuối cùng chúng cũng đang mang lại cho hãng chút lợi nhuận. Máy in ảnh tại gia, máy in phun thương mại tốc độ cao đang được xem là những mảng kinh doanh cốt lõi mới của công ty. Kodak dự đoán doanh số từ những mảng kinh doanh trên sẽ tăng gấp đôi lên gần 2 tỷ USD vào năm 2013, chiếm 25% tổng doanh số của hãng.

Ngoài ra, Kodak cũng cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác trước khi những mảng kinh doanh mới ở trên có thời gian sinh lợi.

Thực tế mà nói, hiện nay Kodak đang gặp khó khăn trước sức nặng cạnh tranh của thị trường và cả áp lực của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Biểu tượng máy ảnh Eastman Kodak Co đang phải vật lộn để sống sót sau ¼ thế kỷ loay hoay tìm chỗ đứng. Nhiều người nói Kodak đã không còn mang trên mình sức nặng thương hiệu nữa. Những thế hệ người dùng sau này biết Sony, thậm chí là LG và Samsung, nhưng họ không biết Kodak. Kodak không phải là cái tên đầu tiên khi nói đến nhiếp ảnh nữa.

Bảo Bình

Tổng hợp

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/ho-so/Kodak-chi-con-la-vang-bong-mot-thoi/2011/11/2CMSV3196750/View.htm