Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về chính sách cho ngành công nghiệp mỹ phẩm

Theo Bộ Y tế, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam cũng có triển vọng xuất khẩu mỹ phẩm, với các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, sản phẩm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước để tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Ông Chu Quốc Thịnh - Trưởng Phòng Quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết như vậy tại Diễn đàn Thị trường ngành làm đẹp 2024 - "Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững," diễn ra chiều 19/4 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp Việt chỉ trụ lại ở phân khúc giá rẻ

Ông Thịnh cho hay, trên thị trường Việt Nam hiện nay có tới 70% mỹ phẩm là hàng nhập khẩu. Ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam còn non trẻ, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước là 965 cơ sở, nhưng chỉ có 35 cơ sở đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, cùng với chiến lược truyền thông mạnh, các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần lớn. Vì thế, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 30% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố nên chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ.

Dữ liệu thống kê số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được công bố tại Cục Quản lý Dược và các Sở Y tế cho thấy, trong 8 năm (từ 2015-2022), tổng số Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm là 296.116 phiếu trong đó mỹ phẩm nhập khẩu chiếm 70% về số lượng.

Ông Chu Quốc Thịnh - Trưởng Phòng Quản lý mỹ phẩm (Cục Quản lý Dược) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt vì thế đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ. Thêm vào đó, ngành mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm.

Ông Thịnh cũng cảnh báo, trong xu thế hiện nay, với việc xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm mới, dẫn đến sự cạnh tranh mạnh khốc liệt và khó khăn hơn để các hãng mỹ phẩm giữ chân được khách hàng. Cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt các sản phẩm này được kinh doanh trên các sản thương mại điện tử, các nền tảng thương mại (zalo, Facebook…), do đó khách hàng cần phải có sự tinh tường để lựa chọn sản phẩm an toàn và chất lượng nhằm đảm bảo sức khỏe.

Theo ông Chu Quốc Thịnh, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người Việt cũng có xu hướng gia tăng. Với dân số khoảng 100 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới về dân số, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm.

Tháo gỡ vướng mắc về chính sách

Giai đoạn 2020 đến đầu 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành mỹ phẩm phải đối mặt với tác động của một số gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát. Tuy nhiên, hiện tại ngành mỹ phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Đại diện Bộ Y tế dẫn chứng theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International (Tập đoàn nghiên cứu thị trường của Anh, nghiên cứu thị trường trên 80 nước), quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỷ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD.

Theo ông Chu Quốc Thịnh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam cũng có triển vọng xuất khẩu mỹ phẩm, với các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, sản phẩm vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân; ngoài ra còn có cả sản phẩm cao cấp như nước hoa, trang điểm…

Để tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm, dự kiến xin ý kiến và ban hành trong năm 2025.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, việc xây dựng, ban hành Nghị định này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý cũng như để giải quyết những vấn đề phát sinh khi thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử).

Nghị định nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn là dịp để các chuyên gia và nhà khoa học nhìn nhận được thực trạng của thị trường ngành làm đẹp và cùng nhau đưa ra các giải pháp khả quan, từ đó có những hành động cụ thể về phát triển ngành làm đẹp Việt Nam./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kip-thoi-thao-go-cac-vuong-mac-ve-chinh-sach-cho-nganh-cong-nghiep-my-pham-post941114.vnp