Kinh tế Trung Quốc 'vén mây mù' tìm đường tăng trưởng

Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn trong quý I/2022, nhưng hàng loạt số liệu cho thấy dấu hiệu 'ổn định' và triển vọng phát triển tốt trong thời gian tới. Tuy nhiên, điểm không thể bỏ qua trong tương lai gần đó là 'ba áp lực' đã trở nên 'vượt quá dự báo' và nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức mới.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải tiếp tục đối mặt với những áp lực. (Nguồn: CNN Business)

Ba áp lực

Nhìn vào “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, có thể thấy các lĩnh vực này đều phát triển ổn định và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong quý I/2022, quy mô đầu tư vào tài sản cố định tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó hỗ trợ lớn cho tăng trưởng. Tổng vốn tích lũy đóng góp tới 26,9% vào tăng trưởng kinh tế, giúp GDP tăng 1,3%.

Nhìn vào “bốn động lực mới” của nền kinh tế - công nghệ mới, lĩnh vực mới, định dạng mới và mô hình mới, có thể thấy các yếu tố này đang phát triển mạnh. Trong quý I/2022, giá trị gia tăng của ngành sản xuất công nghệ cao tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số bán lẻ hàng hóa trực tuyến dù đã ở mức cao nhưng vẫn tăng thêm 8,8%; sản lượng các loại xe sử dụng năng lượng mới tăng 140,8%.

Các số liệu đều cho thấy xu hướng ổn định lớn và triển vọng bứt phá trong thời gian tới. Ông Lương Quốc Dũng, một chuyên gia kinh tế cấp cao nói với báo chí tại Hội thảo Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển rằng: “Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý I/2022, cao hơn mức tăng của quý IV/2021. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế phức tạp, bất ổn, không dễ để nền kinh tế Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng đó”.

Mặt ổn định đang diễn biến tốt, nhưng cũng không thể phớt lờ mặt khó khăn. Trong tháng vừa qua, dưới tác động của nhiều yếu tố như tình hình xung đột Nga-Ukraine leo thang, đại dịch Covid-19 tái bùng phát, công chúng bắt đầu tỏ ra lo ngại rằng sau giai đoạn hồi phục ngắn ngủi năm ngoái, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào “suy thoái kép”.

Tương ứng với đó, “ba áp lực” sẽ càng lớn hơn trước những thay đổi có thể vượt ngoài dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải tiếp tục đối mặt với những áp lực.

Về các ngành nghề trung gian, sự hồi phục của lĩnh vực này chưa đồng đều. Các ngành dịch vụ như ăn uống, bán lẻ, du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ về ngành du lịch, trong quý I/2022, tổng số khách du lịch nội địa là 830 triệu lượt, giảm 194 triệu, tương đương 19%, so với cùng kỳ năm 2021.

Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh, sản xuất cá thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do dịch Covid-19.

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của các doanh nghiệp cỡ vừa là 48,5% trong tháng 3/2022, thấp hơn 2,9% so với tháng 2/2022, nằm trong ngưỡng hoạt động cầm chừng. Chỉ số PMI của các doanh nghiệp cỡ nhỏ là 46,6%, tiếp tục nằm ở ngưỡng nguy cơ. Tính đến hết quý I/2022, chỉ số phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã sụt giảm 4 quý liên tiếp.

La Chí Hằng, nhà kinh tế trưởng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Việt Khai, đã nói một cách thẳng thắn: “Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn ngưỡng tiêu chuẩn và các nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp thường chống chịu yếu trước các nguy cơ. Ở Trung Quốc, số lượng các nhóm trên rất nhiều, vì vậy cảm giác này lại tăng thêm”.

Ôn Bân, nhà nghiên cứu trưởng của Ngân hàng dân sinh Trung Quốc, nhận xét: “Dù hoạt động kinh tế tổng thể trong quý I/2022 là ổn định, nhưng bị ảnh hưởng bởi môi trường quốc tế phức tạp, khốc liệt hơn và dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi trong nước, mức độ tăng trưởng của một vài chỉ số đã chậm lại hoặc tăng theo hướng tiêu cực trong tháng Ba, điều này cho thấy động lực hồi phục của nền kinh tế đã yếu đi và không thể coi nhẹ áp lực suy giảm”.

Trong quý II/2022, cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực chống lại chu kỳ giảm, ổn định và làm tăng tổng cầu, đảm bảo nền kinh tế hoạt động trong phạm vi hợp lý.

Tích lũy sức mạnh và hồi phục

Trì Phúc Lâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cải cách và Phát triển (Hải Nam) Trung Quốc, đã chỉ ra rằng trước những thay đổi về tình hình kinh tế, việc điều chỉnh chính sách là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải tăng cường cải cách cùng với việc điều chỉnh chính sách, đẩy mạnh quá trình mở cửa ở mức độ cao, thúc đẩy cải cách sâu cùng với mở cửa ở mức độ cao, cũng như thúc đẩy phát triển chất lượng cao.

Đúng là Trung Quốc cần duy trì sự ổn định của thị trường kinh tế vĩ mô, nhưng không thể ngắn hạn hóa các mục tiêu dài hạn, mục tiêu tổng thể của cả bộ máy không thể bị phân mảnh và cuộc chiến lâu dài không thể bị biến thành một cuộc đột kích.

Nhìn từ lĩnh vực công nghiệp, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có đủ tiềm năng và khả năng phục hồi. Hệ thống công nghiệp của Trung Quốc đã hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện, lợi thế của thị trường khổng lồ là rõ ràng, định hướng phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo ngày càng cho thấy kết quả, và có nền tảng tốt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh.

Cũng cần thấy rằng, dưới áp lực của cuộc chiến thương mại quốc tế, sức bật của chuỗi công nghiệp Trung Quốc đã tăng trong những năm gần đây.

Một mặt, quy mô xuất khẩu và thị phần quốc tế đạt mức kỷ lục mới; mặt khác, một số chuỗi công nghiệp có lợi thế cạnh tranh nổi trội trên trường quốc tế, ví dụ như lĩnh vực điện Mặt Trời, điện gió và kinh tế số.

Đồng thời, các sản phẩm và công nghệ thay thế nội địa đã tăng mạnh trong một số ngành công nghiệp bị thiếu hụt như chíp và mạch tích hợp, cho thấy động lực đổi mới sáng tạo và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Không thể phủ nhận rằng tăng trưởng kinh tế hiện thời đang đối mặt với áp lực suy giảm rất lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc có thể đương đầu với những cú sốc bên trong và bên ngoài, và sẽ duy trì tăng trưởng ổn định.

Theo quan điểm của ông Lương Quốc Dũng, Trung Quốc có lợi thế lớn, toàn diện về sản xuất, số hóa, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu, là những nguồn lực chính để nền kinh tế có thể phục hồi. Chính sách kinh tế của Trung Quốc còn dư địa tương đối lớn và các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế - cũng là phương tiện chính để xử lý các thách thức.

Tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên 2022, một phát biểu đã thể hiện rõ sự kiên định: “Nền kinh tế Trung Quốc với những điểm cốt lõi là năng lực chống chịu, hồi phục mạnh mẽ, tiềm năng lớn, nhiều dư địa để điều chỉnh, sự cải thiện trong dài hạn sẽ không thay đổi.

Trung Quốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp nền kinh tế thế giới ổn định và hồi phục, đồng thời giúp các nước có các cơ hội thị trường rộng lớn hơn. Trung Quốc sẽ triển khai đầy đủ khái niệm phát triển mới, đẩy mạnh xây dựng mô hình phát triển mới và tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao".

(theo Bình luận Trung Quốc)

Bùi Phóng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-ven-may-mu-tim-duong-tang-truong-182621.html