Kinh tế - Trọng tâm cải cách của Trung Quốc trong 10 năm tới

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ công bố một chương trình cải cách trong thập kỷ tới vào thứ Ba (12/11), trong đó chủ yếu tìm kiếm sự cân bằng cần thiết giữa tái thiết nền kinh tế và gìn giữ sự ổn định và củng cố quyền lực Đảng Cộng sản.

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 được tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 8-12/11/2013

Tờ Tân Hoa Xã đã công bố những kế hoạch chi tiết đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc về những cam kết cải cách của các lãnh đạo mới được đưa ra trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 được tổ chức từ thứ Bảy vừa qua.

Cuộc họp kín kéo dài 4 ngày của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chủ yếu tập trung vào vấn đề cải cách kinh tế. 205 ủy viên Trung ương Đảng đã tham gia cuộc họp được tổ chức dưới an ninh chặt chẽ tại một khách sạn cổ ở phía tây thủ đô Bắc Kinh.

Hội nghị lần này của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đề cập đến một số vấn đề xã hội và chính trị, tuy nhiên sẽ không bàn đến việc cải cách chính trị kiểu phương Tây như các nhà quan sát đã dự đoán.

Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ phải mở ra một động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế khi mà sau 3 thập kỷ phát triển chóng mặt, Trung Quốc bắt đầu suy yếu, gánh nặng dư thừa công suất công nghiệp, nợ công khổng lồ và khả năng cạnh tranh bị xói mòn.

Du Chính Thanh, một ủy viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng trước cho biết cuộc họp sẽ công bố những cải cách “chưa từng có”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích và các phương tiện truyền thông chính thức đã dần bớt mong đợi vào tuyên bố này của ông Du.

“Những mong đợi đáng ngạc nhiên sẽ nhỏ dần”, một cố vấn kinh tế chính phủ hàng đầu của Trung Quốc giấu tên nhận định.

An ninh được thắt chặt bên thềm Hội nghị Trung ương Đảng của Trung Quốc năm nay

Các kế hoạch dự kiến về những cải cách quan trọng của Trung Quốc đã được các nhà lãnh đạo đất nước, kết hợp với đề xuất của các bộ ngành chính phủ và các chuyên gia cố vấn chính phủ hàng đầu xây dựng.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển, một cơ quan cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, đã đề xuất 8 lĩnh vực cải cách quan trọng trong hội nghị lần này: tài chính, thuế, đất đai, tài sản công, an sinh xã hội, đổi mới, đầu tư nước ngoài và chính quyền.

Một số người tham gia các cuộc thảo luận về cải cách cho biết, việc cải cách hiện vẫn phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt từ các nhóm lợi ích mạnh mẽ, trong đó có chính quyền địa phương hoặc công ty độc quyền nhà nước.

Hầu hết các tiến bộ được dự kiến sẽ đưa lực lượng kinh tế thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc xác định giá vốn, năng lượng, bất động sản và một số cải cách tài chính cũng như thuế.

Các thông cáo của cuộc họp sẽ không tiết lộ bất kỳ cuộc tranh luận nóng có khả năng diễn ra đằng sau hậu trường. Và nó cũng không thể có các chi tiết đặc biệt.

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 diễn ra vào thời điểm mà chính trường nước này vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của vụ án Bạc Hy Lai, người từng là ứng cử viên cho một trong những chiếc ghế lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc.

Cựu Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh đã bị kết án chung thân về tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Tuy vậy, ông vẫn nhận được rất nhiều tình cảm của những người ủng hộ. Họ cho rằng ông Bạc đã bị các nhóm thế lực chính trị mới gài bẫy nhằm ngăn chặn bước tiến trên chính trường của ông.

Trong lịch sử, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Ba của Trung Quốc luôn được xem là một bàn đạp cho những cải cách kinh tế quan trọng. Cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cũng từng đưa ra cải cách mở cửa nền kinh tế Trung Quốc ra thế giới tại Hội nghị lần thứ 3 vào năm 1978.

Hội nghị này vào năm 1993 cũng đánh dấu một cải cách sâu rộng, do Thủ tướng Chu Dung Cơ lãnh đạo, sau đó đã giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hiện tại, trọng tâm cải cách là tái cân bằng kinh tế bằng cách tăng dân số đô thị và nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng thay vì xuất khẩu và đầu tư, động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu, trong đó khối lao động nhập cư và gia đình của họ sẽ được tiếp cận giáo dục và phúc lợi xã hội ngoài làng mạc của họ.

Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy cải cách ruộng đất để cho phép nông dân bán đất khi họ dừng sản xuất nông nghiệp - một trở ngại quan trọng trong việc đô thị hóa của chính quyền Bắc Kinh nhằm biến hàng triệu người di cư trở thành người tiêu dung tiềm năng.

Cuộc họp tiếp theo của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay, trong đó sẽ tiếp tục bàn đến các vấn đề quan trọng, đặc biệt là kinh tế.

Phan Sương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/The-gioi/Kinh-te-Trong-tam-cai-cach-cua-Trung-Quoc-trong-10-nam-toi/119826.info