Kinh tế TP. Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn bứt tốc

Sau khi chặn đà suy thoái từ quý I/2023, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã lấy lại đà tăng trưởng và đang bứt tốc để 'về đích' theo kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Chặn đà suy thoái

Tại Hội nghị lần thứ 21 (mở rộng), Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) diễn ra vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: Thành phố (TP) đã ngăn được đà suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023, đem lại nhiều kết quả quan trọng. Trong đó sản xuất công nghiệp đã lấy lại đà phục hồi, đầu tư công chuyển động mạnh. Từ quý II/2023, TP khởi động một số dự án lớn như cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đường vành đai 3, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, khánh thành Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2...

Chặn được đà suy thoái, kinh tế TP.HCM đang bước vào giai đoạn bứt tốc (Ảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được đầu tư mạnh mẽ).

Về các chỉ số phát triển kinh tế cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM, tốc độ tăng trưởng GRDP trong quý II/2023 của TP đạt 3,55% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2023 chỉ đạt 0,7%). Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP tăng 4,92%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,9%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 561.000 tỷ đồng (tăng 7,1%).

Tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng (tăng 62,7%), khách du lịch nội địa đến TP đạt gần 16,5 triệu lượt (tăng 48%), khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt (tăng 306%). Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,7% (22.463 doanh nghiệp) về số lượng. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 228.000 tỷ đồng, đạt 48,52% dự toán năm và bằng 93,23% so cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP đã tập trung tháo gỡ khó khăn của cho doanh nghiệp, đã chỉ đạo giải quyết 113/232 kiến nghị của doanh nghiệp Nhà nước, 169/189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản, 20/44 hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư và gia hạn chủ trương đầu tư. Tính đến hết tháng 6/2023, TP.HCM đã giải ngân hơn 15.400 tỉ đồng, cao gấp 9 lần quý I/2023 và 2,4 lần so với cùng kỳ 2022.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Mặc dù TP đã lấy lại đà tăng trưởng, nhưng nhiều khó khăn, thách thức trước mắt vẫn còn đó trong khi thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều. Tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa X diễn ra ngày 10/7/2023, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, kinh tế TP vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới.

Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; một số nguồn thu còn gặp khó. Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù có chuyển biến nhưng còn thấp; việc triển khai điều chỉnh quy hoạch chung TP còn chậm. Thị trường lao động thiếu ổn định, một số ngành có chỉ số lao động giảm theo tình hình chung, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận người dân…Vì thế cả hệ thống chính trị TP cần quyết tâm, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt tốt nhất các chỉ tiêu đã đề ra cho cả năm 2023.

Trong năm 2023, TP.HCM đề ra 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng trưởng GRDP đạt từ 7,5% - 8%, thu ngân sách đạt 469.682 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu đạt từ 95% trở lên, giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người, giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%... Hiện nay mặc dù kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng các chỉ tiêu nói trên vẫn được giữ nguyên.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian tới TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo các chủ trương, chính sách đã được Trung ương tháo gỡ trong 6 tháng đầu năm 2023. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân, chương trình khuyến mãi tiêu dùng, du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

TP đang tập trung triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy các động lực, trụ cột tăng trưởng và đặt quyết tâm đến cuối năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 95%. Cùng với đó, TP triển khai các đề án thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào những ngành, dự án có chất lượng.

Đồng thời rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trên các lĩnh vực cải cách hành chính, bất động sản, thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện các chương trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Cùng với đó, TP đang xây dựng bộ máy chính quyền xứng tầm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn ngày càng lớn, chuyên nghiệp, trong sạch. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện và thành lập các Tổ Công tác góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP. Bên cạnh đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Ngoài ra TP cũng kiến nghị Chính phủ tập trung giải quyết các tồn đọng về thị trường bất động sản, tín dụng, trái phiếu; sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM. Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cùng TP hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…

Trần Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kinh-te-tp-ho-chi-minh-buoc-vao-giai-doan-but-toc-158098.html