Kinh tế thế giới 'rung lắc', khó khăn không chỉ riêng ngành dệt may

Việc sụt giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu không chỉ tác động tiêu cực riêng tới ngành dệt may, mà còn tạo ra khó khăn trong chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào,...

Ngành dệt may năm thứ 2 liên tiếp có thể không thể cán đích

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, mặc dù tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Thế nhưng, con số này kém xa so với mục tiêu đã đề ra là 47 tỷ USD.

Năm 2023, ngành dệt may tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 tỷ - 47 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may mới chỉ đạt 18,93 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đang giảm mạnh. Ảnh: vietnamtextile

Tại Việt Nam, những phương án chuyển đổi xanh trong dệt may cũng đang được cấp tốc tiến hành như: dự án giảm nước thải trong khâu nhuộm vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, dự án vận hành nhà máy may bằng một phần năng lượng tái tạo công ty Đan Mạch Spectre tại An Giang, dự án sản xuất vải sợi tái chế của Hanoisimex và Hansae để phục vụ xuất khẩu sang EU… Tóm lại, đầu tư vào chuyển đổi xanh – bền vững là một cuộc đua dài hạn. Trong đó, đối với ngành dệt may, vấn đề này lại càng trở nên cấp bách hơn khi các đối thủ trong ngành trên thế giới đang dần “bỏ Việt Nam lại phía sau”. Do đó ngành dệt may cần được quan tâm và nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ, đồng hành từ phía Nhà nước.

Để “cán đích” thành công, trong 5 tháng còn lại của năm 2023, ngành dệt may phải đạt kim ngạch hơn 27 tỷ USD, đây là con số rất khó thực hiện. Bởi lẽ, tổng cầu dệt may thế giới vẫn đang trên đà suy giảm.

Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu kinh tế, tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch COVID-19. Như vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may dự báo, năm 2023 có thể sẽ là năm thứ 2 liên tiếp, ngành dệt may không thể cán đích theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Khó khăn của ngành dệt may bắt đầu xuất hiện vào quý III/2022 và kéo dài cho tới hiện nay. Tại thời điểm đó, số lượng đơn hàng đặt trước đã sụt giảm tới 30% so với cùng thời điểm.

Nguyên nhân là do kinh tế thế giới suy giảm, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, điều này khiến không chỉ ngành dệt may gặp khó khăn mà các ngành xuất khẩu khác cũng không nằm ngoại lệ.

Một lý do quan trọng không kém, nhiều đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam như Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ… đang trên đà tăng tốc để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong những năm diễn ra đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Việt Nam lại bị đi chậm so với đối thủ trên thế giới như Bangladesh hay Trung Quốc về sản xuất may mặc theo xu hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của VIRAC, Bangladesh, một quốc gia từng “đi sau” Việt Nam trên thị trường dệt may, đến nay, được biết đang làm hàng liên tục, “không kịp nghỉ” trong khi Việt Nam bị tình trạng thiếu đơn hàng. Một trong những lý do lớn được cho rằng Bangladesh đang dẫn đầu trong xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành may mặc toàn cầu.

Đặc biệt, công nhân tại các nhà máy tại Bangladesh còn được cung cấp bữa ăn miễn phí cùng mức lương tương xứng với công sức lao động trong thời điểm kinh tế khó khăn. Điều này được cho là một nỗ lực tích cực đáng kể trong ngành công nghiệp dệt may trên toàn thế giới.

Không chỉ riêng dệt may

Việc sụt giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu không chỉ tác động tiêu cực riêng tới ngành dệt may, mà còn tạo ra “đổ vỡ” dây chuyền trong chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào,...

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) thừa nhận, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất bông kéo sợi, vải nguyên liệu đang rất khó khăn, do kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh.

Ở thời hiện tại, các doanh nghiệp bắt đầu có những đơn hàng mới và trở lại đường đua. Thế nhưng, trong suốt giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, chúng tôi rất khó khăn, lại chồng chất khó khăn” - ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, đã có thời điểm, các doanh nghiệp sản xuất bông sợi phải giảm sản xuất, thậm chí chấp nhận lỗ để đảm bảo dòng tiền lưu thông.

Dù vậy, sụt giảm các đơn hàng dệt may chỉ là 1 yếu tố trong chuỗi khó khăn của doanh nghiệp bông sợi. Ngoài yếu tố đó, các doanh nghiệp trong ngành còn gặp phải tình trạng giá nguyên liệu bông sợi tăng rất cao, cước vận tải đường biển, cước thuê container tăng “chóng mặt”, hoặc phải gánh nhiều khoản chi phí vô lý trong nước.

Bày tỏ thẳng thắn quan điểm, ông Toàn nói: Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đã có nhiều công văn kiến nghị, gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc giảm các chi phí vô lý ở các cảng biển tại Hải Phòng và TP.HCM.

Riêng tại các cảng tại Hải Phòng, chi phí bốc dỡ 1 container đâu đó khoảng 2,5 triệu đồng, đây là chi phí rất cao. Chi phí này còn cao hơn nhiều so với cước vận tải từ một số nước Đông Nam Á về Việt Nam và ngược lại. Đây là một khoản phí rất vô lý” - ông Toàn chia sẻ.

Mong muốn Chính phủ khởi động lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện tại, đa phần doanh nghiệp dệt may trong nước đang rơi vào tình trạng “đói” đơn hàng, phải nhặt nhạnh từng ít một nhằm duy trì sản xuất, bảo bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tổng cầu thế giới sụt giảm, sự cạnh tranh để có đơn hàng ngày càng quyết liệt nên buộc nhiều doanh nghiệp phải nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, khách hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp phải bán một phần tài sản để trang trải, duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Anh Toàn dự báo, khi nào ngành dệt may hồi phục các đơn hàng xuất khẩu, lúc đó ngành bông sợi mới hoạt động hết công suất trở lại.

Hy vọng hết năm 2023, sang năm 2024, ngành dệt may, cũng như ngành bông sợi sẽ hoạt động ổn định trở lại ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chúng tôi mong cơ quan chức năng có thể hiểu được khó khăn của doanh nghiệp bông sợi, từ đó hỗ trợ giảm các chi phí, nhất là phí cảng biển như tôi đã nói ở trên” - ông Toàn nhấn mạnh.

Một trong những thách thức khác khi phải duy trì hoạt động trong giai đoạn này, đó là việc các doanh nghiệp không thể tiếp cận với dòng vốn tín dụng ngân hàng. Dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các giải pháp, song không mấy khả thi.

Trước tình cảnh này, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, VITAS mong muốn Chính phủ khởi động lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

Cụ thể, tiếp tục có hỗ trợ đối với doanh nghiệp như có chính sách cho vay với lãi suất 0% để trả lương, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động. Đồng thời, VITAS đề nghị giãn, hoãn đóng phí công đoàn; có cơ chế thuận lợi hơn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi, tiếp tục giảm lãi suất cho vay...

Về lâu dài, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS nhấn mạnh, đẩy nhanh tốc độ xanh hóa số hóa đang trở thành mục tiêu của ngành dệt may để tìm kiếm đơn hàng. Theo đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.

Song việc chuyển đổi này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nguồn lực và con người. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những điều kiện cụ thể của doanh nghiệp để có bước đi phù hợp.

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phải tối thiểu quý III, sang quý IV ngành dệt may mới hồi phục trở lại, sang năm 2024 mới ổn định, phát triển. Chính vì vậy, dự kiến con số xuất khẩu cao nhất ngành dệt may có thể đạt trong năm nay là gần 40 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là khoảng 46-47 tỷ USD.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-the-gioi-rung-lac-kho-khan-khong-chi-rieng-nganh-det-may-post262549.html