Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 16-21/10/2017

Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 16-21/10/2017

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Trung Quốc: Trong quý III/2017, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,8%, thấp hơn so với mức tăng 6,9% của quý II/2017, do đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng trưởng chậm lại, cùng với việc Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp chống rủi ro cho vay làm tăng chi phí vay vốn. Lũy kế 3 quý đầu năm 2017, GDP của Trung Quốc đạt 59.328,8 tỷ CNY (8.961,4 tỷ USD), tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mục tiêu 6,5% do Chính phủ đề ra. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng cao nhất với 7,8%, trong khi công nghiệp cơ bản tăng trưởng 3,7% và công nghiệp phụ trợ tăng 6,3%. Nền kinh tế đã duy trì đà tăng trưởng ổn định với triển vọng tích cực trong 3 quý đầu năm 2017, cấu trúc nền kinh tế cũng như chất lượng tăng trưởng đều được cải thiện, trong khi những động cơ tăng trưởng mới đang phát huy hiệu quả. (Theo Reuters ngày 17/10 và Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 19/10)

- Hàn Quốc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2017 đạt 3%, cao hơn so với mức tăng 2,8% (dự báo tháng 7/2017), trong bối cảnh đà phục hồi của kinh tế toàn cầu tiếp tục được cải thiện, thị trường tài chính ổn định và xu hướng kinh tế trong nước tiếp tục vững chắc. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 19/10)

Lạm phát

- Hoa Kỳ: Trong tháng 9/2017, CPI tại Hoa Kỳ tăng 0,5% so với mức tăng 0,4% của tháng 8/2017, đồng thời tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016 , trở thành mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2017, do giá xăng tăng cao khi các nhà máy lọc dầu tại nước này bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão Harvey. CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tươi sống) tăng 0,1% so với tháng 8/2017 (thấp hơn mức tăng 0,2% của tháng 8), tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 13/10)

- Anh: Trong tháng 9/2017, CPI tại Anh tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 2,9% của tháng 8/2017 và tăng cao nhất kể từ tháng 4/2012, do dịch vụ giải trí, giá lương thực và chi phí vận tải tăng. Từ tháng 01/2017, tỷ lệ lạm phát tại Anh tăng mạnh trong bối cảnh đồng GBP giảm giá do ảnh hưởng của Brexit, đẩy giá nhập khẩu lên cao, thu nhập hộ gia đình giảm sút, trong khi lương tăng chậm so với mức tăng của giá tiêu dùng. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 17/10)

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo tỷ lệ lạm phát tại Anh sẽ vượt 3% trong tháng 10/2017 và Anh sẽ mất hơn 3 năm để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với dữ liệu lạm phát trên, BoE có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 11/2017.

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính. Tính chung cả tuần (16/10 - 20/10/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2%; 0,9%; 0,4% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (13/10/2017). Trong ngày giao dịch 20/10/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 23,99 điểm (0,36%) lên 6.629,05 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 13,11 điểm (0,51%) lên 2.575,21 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 165,59 điểm (0,71%) lên 23.328,63 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,19 điểm (0,12%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (20/10/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 328,15 điểm (1,2%) lên 28.487,24 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 10,9 điểm (0,2%) lên 5.907 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 9,12 điểm (0,04%) lên 21.457,64 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 8,48 điểm (0,3%) lên 3.378,65 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 16,48 điểm (0,7%) lên 2.487,54 điểm.

Dầu mỏ

Nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2017 ở mức 1,6 triệu thùng/ngày, cao hơn so với 1,5 triệu thùng/ngày (dự báo đưa ra trước đó) do nhu cầu tại Hoa Kỳ và châu Âu tăng mạnh. Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ toàn cầu đã giảm 0,72 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2017 do nguồn cung của các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm. Lượng dầu dự trữ thế giới đang dần cân bằng trở lại. (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 19/10)

Tuần từ 16/10 - 20/10/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1%; 0,99%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (20/10/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,08 USD (0,16%) lên 51,87 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,08 USD (0,14%) lên 57,31 USD/thùng.

Châu Âu

Anh

- Đầu tư nước ngoài vào tài sản của Anh đã chuyển từ trạng trái thặng dư 469 tỷ GBP (621,8 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2016 sang thâm hụt 22 tỷ GBP (29 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2017, do người dân Anh sở hữu lượng cổ phiếu nước ngoài ít hơn kỳ vọng, trong khi người nước ngoài ngày càng sở hữu nhiều tài sản của Anh hơn, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm mạnh, từ mức thặng dư 120 tỷ GBP (159 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2016 sang thâm hụt 25 tỷ GBP (33 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2017. (Theo ONS ngày 16/10)

- Tỷ lệ thất nghiệp của Anh trong 3 tháng (6 - 8/2017) là 4,3%, thấp hơn so với 4,5% của 3 tháng trước đó (tháng 3 - 5/2017) và thấp nhất kể từ năm 1975. Số người thất nghiệp ở Anh khoảng 1,44 triệu người, giảm 215 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời, số người có việc làm trong ba tháng (tính tới tháng 8/2017) tăng 94 nghìn người so với 3 tháng (tính đến tháng 5/2017). Tuy nhiên, thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Anh, không tính tiền thưởng, trong ba tháng (tính tới tháng 8/2017) tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với 2,2% trong ba tháng (tính tới tháng 7/2017). Mức tăng lương tiếp tục thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát (3% trong tháng 9/2017) đang đặt ra nhiều khó khăn cho Chính phủ Anh. (Theo ONS ngày 18/10)

- Trong tháng 9/2017, doanh số bán lẻ tại Anh giảm 0,8%, trái ngược với mức tăng 0,9% của tháng 8/2017 và cao hơn mức giảm 0,1% theo dự báo của Bloomberg. Đây là lần giảm đầu tiên trong 4 tháng qua. Trong quý III/2017, doanh số bán lẻ tại Anh tăng 0,6% so với quý II/2017 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013. Ngành bán lẻ Anh gặp khó khăn trong năm 2017 do đồng GBP giảm giá làm tăng chi phí nhập khẩu của các cửa hàng, đồng thời lạm phát tăng nhanh đã hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng. (Theo ONS ngày 19/10)

Châu Á

Hàn Quốc

- Trong tháng 9/2017, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc là 3,4%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016 và giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 8/2017. Số lượng người có việc làm đạt 26,84 triệu người, tăng 314 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016, tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2017, do việc làm mới trong lĩnh vực xây dựng tăng mạnh (gần 2 triệu việc làm).(Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 18/10)

- Trong tháng 8/2017, sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức tăng 2% của tháng 7/2017, do sản lượng ô tô và các loại linh kiện điện tử tăng mạnh. Trong khi đó, sản lượng ngành dịch vụ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016. Nền kinh tế Hàn Quốc đang phục hồi, tuy nhiên đà phục hồi này bị ảnh hưởng bởi chi tiêu tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức thấp do tình hình bất ổn chính trị trong nước đang gia tăng. (Theo Viện Phát triển Hàn Quốc - KDI ngày 12/10)

- Hàn Quốc và Trung Quốc đã thống nhất gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương (được bắt đầu từ năm 2009 với giá trị 27 tỷ USD, sau đó được nâng lên 55 tỷ USD vào năm 2011). Hiện tại, Hàn Quốc đang triển khai các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, Malaysia, Australia, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất với tổng giá trị là 122,2 tỷ USD nhằm nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. (Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol ngày 12/10)

Indonesia

Trong tháng 9/2017, Indonesia đạt thặng dư thương mại 1,76 tỷ USD, cao hơn mức 1,28 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 và dự báo 1,18 tỷ USD của thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 14,54 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 13,13% lên 12,78 tỷ USD. (Theo Văn phòng Thống kê Indonesia ngày 16/10)

Hoa Kỳ

Trong tháng 9/2017, doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 1,6% so với tháng 8/2017, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức tăng cao nhất trong 2,5 năm do hoạt động tái thiết sau bão đã thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa. Doanh số bán lẻ lõi (không bao gồm ôtô, xăng, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống) tăng 0,4% sau khi không tăng trong tháng 8. Sự phục hồi của doanh số bán lẻ lõi cho thấy, tác động của các cơn bão đến nền kinh tế Hoa Kỳ không lớn. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 13/10)

Trong tháng 9/2017, sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ tăng 0,3%, so với mức giảm 0,7% của tháng 8/2017 và bằng mức dự báo của Reuters, do lĩnh vực sản xuất và xây dựng đã phục hồi sau các cơn bão tại nước này. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 17/10)

Trong tháng 8/2017, lượng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nắm giữ tăng lên 6.270 tỷ USD, từ 6.250 tỷ USD của tháng 7/2017, trong đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC nắm giữ nhiều nhất(1.200 tỷ USD), tăng 34 tỷ USD so với tháng 7/2017, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 7/2016; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng giá trị khoảng 1.100 tỷ USD, giảm 12 tỷ USD so với tháng 7/2017. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 17/10)

Ddự báo doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Hoa Kỳ sẽ tăng 12%/năm đến năm 2020 và tăng tiếp 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, vượt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2027, so với 445 tỷ USD của năm 2017. Mua hàng trực tuyến chiếm 12% tổng doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ trong năm 2016. (Theo Công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting Inc., Hoa Kỳ ngày 17/10)

Mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh tại nhiều địa phương của Hoa Kỳ bị đình trệ do thiên tai, nhưng nền kinh tế nước này vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định trong tháng 9 và đầu tháng 10/2017. Tuy nhiên, kinh tế Hoa Kỳ đang phải đối mặt với sức ép về giá và mức tăng lương thấp, trong đó lạm phát tăng chậm lại từ tháng 01/2017. (Theo FED ngày 18/10)

Trung Quốc

Trong 3 quý đầu năm 2017, tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc đạt khoảng 303,7 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 167,1 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch nhập khẩu đạt 136,6 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất siêu đạt 30,5 tỷ USD, giảm 17,7%. Tình hình xuất - nhập khẩu hàng hóa đang có chiều hướng tăng trưởng ổn định, với chất lượng tăng trưởng ngày càng cao. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc - GAC ngày 13/10)

Trong tháng 9/2017, FDI tại Trung Quốc đạt 70,6 tỷ CNY (10,7 tỷ USD), tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 9,1% của tháng 8/2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm, FDI đổ vào Trung Quốc tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2016, so với mức giảm 0,2% của 8 tháng đầu năm. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/10)

Trong tháng 9/2017, tổng các khoản cho vay mới bằng đồng CNY của các ngân hàng Trung Quốc đạt 1,27 nghìn tỷ CNY (193,05 tỷ USD), cao hơn so với 1,09 nghìn tỷ CNY của tháng 8/2017 và 1,1 nghìn tỷ CNY theo khảo sát của Reuters. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 14/10)

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giảm thiểu các loại rủi ro tài chính và giảm tốc độ gia tăng nợ mà không ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế. Lần đầu tiên trong năm 2017, các ngân hàng phải báo cáo PBoC về các sản phẩm quản lý tài sản ngoại bảng để cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về những rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính.

Nhật Bản

Trong tháng 9/2017, thặng dư thương mại của Nhật Bản đạt 670 tỷ JPY, so với mức thâm hụt 487 tỷ JPY của cùng kỳ năm 2016 và cao hơn mức thặng dư 560 tỷ JPY theo dự báo của thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6.811 tỷ JPY, kim ngạch nhập khẩu tăng 12% lên 6.141 tỷ JPY. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 19/10)

Chính sách

Hàn Quốc: Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK (19/10) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,25% (không thay đổi kể từ tháng 6/2016), phù hợp với dự báo của Bloomberg. Mặc dù nền kinh tế Hàn Quốc đang tăng trưởng vững chắc và lạm phát tương đối gần mục tiêu, nhưng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã làm cho BoK phải thận trọng với việc tăng lãi suất. (Nguồn???)

Nhận định
chuyên gia

Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế - IMFC (14/10):

Triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang trở nên vững chắc nhờ sản lượng công nghiệp, đầu tư và thương mại tăng. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của đa số các nền kinh tế phát triển chưa đạt mục tiêu và tiềm năng tăng trưởng của nhiều nước vẫn thấp. Các ngân hàng trung ương nên duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian dài nhằm thúc đẩy đà phục hồi vốn của nền kinh tế thế giới hiện nay.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB Vitor Constancio (15/10):

Sự “lệch pha” giữa một bên là hoạt động kinh tế mạnh mẽ và một bên là lạm phát cùng tiền lương thấp là một trong những đặc điểm nổi bật của quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra ở hầu khắp các khu vực.Tuy nhiên, khi các nền kinh tế Eurozone đạt được mức tăng trưởng tiềm năng sẽ giúp tỷ lệ lạm phát quay trở về mức mục tiêu trong trung hạn. Tuy nhiên, khả năng lạm phát có thể chạm mức mục tiêu còn phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s (19/10):

Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ - NAFTA (gồm Mexico, Hoa Kỳ và Canada) đổ vỡ sẽ tác động mạnh tới kinh tế Mexico và khiến GDP của nước này giảm tương ứng 1,2 điểm phần trăm, 2 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm trong các năm 2018, 2019 và 2020.

Mặc dù việc tái đàm phánNAFTAvẫn đang tiếp diễn, nhưng thỏa thuận này có nguy cơ đổ vỡ khi Hoa Kỳ đưa ra những đề xuất mang tính “đe dọa cao” như nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành công nghiệp ô tô từ 62,5% hiện nay lên 85%, trong đó 50% là tỷ lệ nội địa Hoa Kỳ; chu kỳ 5 năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp.

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bao-cao-va-thong-ke-tai-chinh/kinh-te-tai-chinh-trong-nuoc-tuan-tu-1621-10-2017-125207.html