Kinh tế, tài chính 24h: Choáng váng với quyết định của Hy Lạp

(Vietstock) - Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou vẫn kiên quyết tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về gói giải cứu của châu Âu. Ngay lập tức, Fitch cảnh báo động thái trên sẽ gia tăng nguy cơ vỡ nợ và sự rút lui khỏi Eurozone của nước này. Các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh.

* Hy Lạp trưng cầu dân ý về gói cứu trợ mới

* Dow Jones sụt gần 300 điểm do kế hoạch trưng cầu dân ý của Hy Lạp

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng quyết định trưng cầu dân ý về kế hoạch giải cứu châu Âu của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ và thậm chí là việc rút lui khỏi Eurozone của nước này. Tuyên bố của Thủ tướng Papandreou đã khiến nhà đầu tư choáng váng và nghi ngờ rằng liệu người dân Hy Lạp có ủng hộ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới. Được biết, theo thỏa thuận giải cứu thứ 2 mà các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được trong tuần trước, Hy Lạp sẽ phải áp dụng thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt hơn.

Theo Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số ISM sản xuất giảm xuống còn 50.8% trong tháng 10, thấp hơn so với dự báo 52.1% của các nhà kinh tế và mức 51.6% trong tháng 9.

Chi tiêu xây dựng tháng 9 nhích nhẹ 0.2%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 1.6% trong tháng 8 và nhẹ hơn so với dự báo tăng 0.3% của các nhà kinh tế.

Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh tăng 0.5% trong quý 3, cao hơn đáng kể so với mức 0.1% trong quý 2 nhờ sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Theo khảo sát của Markit, chỉ số PMI sản xuất của Anh giảm từ 50.8 điểm trong tháng 9 xuống 47.4 điểm trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 và thấp hơn dự báo 50.2 điểm của các nhà kinh tế. Mức dưới 50 cho thấy lĩnh vực này không tăng trưởng.

Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha thông báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của nước này chỉ tăng 0.2% so với quý trước và 0.7% so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và nhu cầu nội địa suy yếu. Trong khi đó, xuất khẩu và du lịch đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Nga nâng dự báo về sự thất thoát của dòng vốn trong năm 2011 khi cho rằng nhà đầu tư sẽ rút khoảng 70 tỷ USD ra khỏi nước này, nhiều hơn gần gấp đôi so với dự báo 36 tỷ USD trong lần trước.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thua lỗ tới 22.4 tỷ JPY (281.7 triệu USD) do mua vào các quỹ ETF khi chỉ số Topix rớt xuống mức thấp nhất trong 27 năm. Theo ước tính của Bloomberg, lượng cổ phiếu mà BOJ nắm giữ đã giảm khoảng 4% kể từ khi ngân hàng này bắt đầu mua quỹ ETF vào ngày 15/12/2010.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 của Hàn Quốc tăng 9.3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo tăng 10.9% của 12 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg và là mức tăng chậm nhất trong hai năm. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu đối với các sản phẩm của châu Á có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng trong khu vực.

Lạm phát của Indonesia bất ngờ suy yếu trong tháng 10, tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương nước này hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4.42% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 4.61% trong tháng 9 và dự báo 4.76% của các nhà kinh tế.

Nguồn: VietstockFinance

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 2.18% xuống 2%.

Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng EUR , bảng Anh và đồng JPY.

Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York giảm 13.40 USD/oz (0.8%) xuống 1,711.80 USD/oz.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn NYMEX giảm 1 USD/thùng (1.1%) xuống 92.19 USD/thùng.

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 02/11:

Đức

- 15h55; Tỷ lệ thất nghiệp

Eurozone

- 15h58: PMI

Mỹ

- 19h15: Báo cáo việc làm của ADP

- 21h30: Dự trữ dầu thô

- 23h30: Công bố lãi suất của Fed

- 01h15 (ngày 03/11): Cuộc họp báo của FOMC

Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 02/11:

Đức

- 15h55; Tỷ lệ thất nghiệp

Eurozone

- 15h58: PMI

Mỹ

- 19h15: Báo cáo việc làm của ADP

- 21h30: Dự trữ dầu thô

- 23h30: Công bố lãi suất của Fed

- 01h15 (ngày 03/11): Cuộc họp báo của FOMC

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/channelid/773/tin-tuc/205646-kinh-te-tai-chinh-24h-choang-vang-voi-quyet-dinh-cua-hy-lap.aspx