Kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025: Thách thức không nhỏ!

Theo Tổng cục Thống kê, để kinh tế số đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025 như Nghị quyết Đại hội XIII đưa ra là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP chưa tới 13%

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại mục “Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025” đặt mục tiêu, đến năm 2025 kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là: Năm 2020 là 12,66%; 2021 là 12,87%; 2022 là 12,63% và ước tính 2023 là 12,33%

Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2023 diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê công bố tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của Việt Nam.

Qua nghiên cứu, tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là: Năm 2020 là 12,66%; 2021 là 12,87%; 2022 là 12,63% và ước tính 2023 là 12,33%.

So sánh kết quả của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số ở Việt Nam tương ứng với tỷ trọng kinh tế số của Thái Lan trong GDP năm 2020-2021 (Thái Lan năm 2021 là 12,66% và 2022 là12,1%), nhưng thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Malaysia với 23,1% vào năm 2021 và Sigapore với 17,3% vào năm 2022.

Tuy vậy, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của Việt Nam trong các năm 2021-2022 lại cao hơn Mỹ với 10,3% GDP vào năm 2021 và Australia với 6,3% trong giai đoạn này. Đại diện Tổng cục Thống kê giải thích, sở dĩ có sự khác nhau là bởi các quốc gia xác định phạm vi để đo lường nền kinh tế số là khác nhau.

Cũng theo nhận định của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần, từ 12,87% vào năm 2021 xuống còn 12,63% vào năm 2022 và dự kiến năm 2023 còn 12,33%. Điều này cũng cùng xu hướng với Thái Lan với tỷ lệ 12,66% vào năm 2021 và 12,1% vào năm 2022.

Đặc biệt, với tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2023 là 12,3%, tương ứng với quy mô nền kinh tế số hiện nay là 1.200 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 thì quy mô nền kinh tế số năm 2024 phải tăng thêm hơn 30% và năm 2025 phải tăng thêm hơn 50%, điều này thực sự khó khăn và đầy thách thức.

Các địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành kinh tế số lõi, cụ thể là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học

10 địa phương có kinh tế số trong GDP cao hơn cả nước

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP là một chỉ tiêu được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12/11/2021 và ngày 7/11/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện nhiệm vụ được giao về đo lường chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu để đo lường quy mô nền kinh tế số một cách đầy đủ nhất, từ việc xác định khái niệm và phạm vi để đo lường chỉ tiêu này.

Theo đó, khái niệm kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không giai hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế. Còn phạm vi kinh tế số bao gồm hoạt động kinh tế số lõi và hoạt động kinh tế được số hóa, sử dụng các sản phẩm của ngành kinh tế số lõi làm yếu tố đầu vào trong quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2023, trong số 63 tỉnh, thành phố có 10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP cao hơn so với mức chung của cả nước là 12,33%, trong đó có 9 tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số cao nhất cả nước từ năm 2020 đến nay, bao gồm: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Hà Nam.

Các địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành kinh tế số lõi, cụ thể là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đây cũng là những địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho hoạt động kinh tế lõi, giá trị tăng thêm của kinh tế số lõi chiếm khoảng 87-96% tổng giá trị tăng thêm kinh tế số địa phương. Ngoài ra, các địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số thấp chủ yếu là do ngành kinh tế số lõi ở các địa phương này thấp.

Nhận định của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xu hướng số hóa các ngành ở các địa phương ngày càng được đẩy mạnh, thể hiện ở tỷ trọng số hóa của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý điều hành, góp phàn quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-so-chiem-20-gdp-vao-nam-2025-thach-thuc-khong-nho-296320.html