Kinh tế Mỹ nhiều khả năng tăng trưởng vượt dự báo

Theo bài phân tích về triển vọng kinh tế Mỹ đăng trên tờ Wall Street Journal, giới chuyên gia kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2024.

Kinh tế Mỹ nhiều khả năng tăng trưởng vượt dự báo. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Kết quả thăm dò quý mới nhất do tờ Wall Street Journal (WSJ) thực hiện cho thấy giới lãnh đạo doanh nghiệp và học giả kinh tế đã hạ khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới xuống còn 29% từ mức 39% hồi tháng Một. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Giới chuyên gia được khảo sát thậm chí còn khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới không tiến sát đến ngưỡng suy thoái.

Thăm dò được tiến hành từ ngày 5-9/4, trước thời điểm Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba tăng mạnh hơn dự báo. Trong tổng số 69 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát ý kiến, chỉ có 10% cho rằng kinh tế Mỹ sẽ có ít nhất một quý tăng trưởng âm trong 13 tháng tới, giảm mạnh so với tỷ lệ 33% hồi tháng Một.

Trong hơn một năm rưỡi qua, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt kỳ vọng. Thay vì rơi vào suy giảm do gánh nặng từ chiến dịch tăng lãi suất mạnh tay nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong bốn thập kỷ qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, rất ít người tin rằng Mỹ trong năm 2024 sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng 3,1% của năm ngoái. Trong năm 2023, nền kinh tế này được hưởng lợi từ một số nhân tố mang tính đột biến, chỉ xuất hiện một lần, như các đạo luật về xây dựng hạ tầng liên bang hay ngành công nghiệp bán dẫn, cùng với đó là số lao động nhập cư tăng đột biến.

Các nhà kinh tế đã phải suy nghĩ lại về những dự báo liên quan đến kỳ suy giảm lớn khi thời gian đang trôi dần. Nhìn chung, họ cho rằng Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,2% trong quý I/2024, tăng so với mức dự báo 0,9% của tháng Một.

“Kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành tốt. Cả thế giới đều ghen tị với Mỹ”, chuyên gia James Smith thuộc tổ chức nghiên cứu EconForecaster nêu quan điểm trong cuộc khảo sát.

Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi giới chuyên gia kinh tế lần gần đây nhất vẫn giữ được tâm trạng lạc quan như thời điểm này. Hai năm trước, lãi suất điều hành của Fed dao động trong khoảng từ 0,25-0,5%. Lạm phát cao, nhưng các chuyên gia cơ bản đều cho rằng giá tiêu dùng sẽ đi xuống mà không cần đến sự vào cuộc tích cực của Fed. Họ dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng vững, với lãi suất ở mức khoảng 2,5%.

Hiện tại, lãi suất điều hành của Fed nằm trong biên độ 5,25-5,5% và giới kinh tế không tin rằng thế chế này sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Nhiều chuyên gia phân tích đã buộc phải rút lại dự báo về tần suất và thời điểm cắt lãi suất của Fed sau khi xuất hiện thông tin chính thức về lạm phát trong tháng Ba “nóng” hơn dự báo.

Nhưng ngay cả trước thời điểm Bộ Lao động Mỹ công bố thông tin này, khảo sát của WSJ cho thấy lãi suất điều hành vào cuối năm 2024 dự kiến sẽ giảm xuống 4,67%, tương ứng với ba đợt cắt giảm biên độ 0,25 điểm phần trăm. Còn trong kỳ thăm dò hồi tháng Một, giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng Fed sẽ có từ bốn đến năm đợt cắt giảm lãi suất.

Hiện tại, các chuyên gia kinh tế giữ quan điểm cho rằng kinh tế Mỹ có thể chống chịu được mức lãi suất cao tốt hơn so với cách đây không lâu. Họ kỳ vọng tỷ suất lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - hàn thử biểu phản ánh chi phí vay mượn, sẽ ở mức 3,97% vào cuối năm 2024, giảm mạnh so với mức 4,4% ở thời điểm WSJ thực hiện khảo sát. Nhìn xa hơn, tỷ suất này được dự báo sẽ ở mức 3,78% vào cuối năm 2026.

Nhiều chuyên gia lâu nay cho rằng kinh tế Mỹ có thể chống chịu được lãi suất tăng cao khi bản thân nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn và nhất là khi năng suất lao động tăng. Theo hướng này, giới kinh tế kỳ vọng năng suất lao động dựa trên thước đo của Bộ Lao động Mỹ sẽ tăng trung bình 1,9% trong một thập kỷ tới đây.

Tỷ lệ này tương ứng với mức tăng năng suất trung bình trong bốn thập kỷ qua, nhưng cao hơn mức trung bình 1,2% của thập kỷ 2010 – thời điểm lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ “kẹt” trong khoảng từ 1,5-2,5%.

Một số nhà kinh tế tỏ ra hào hứng với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. “Tôi cho rằng kinh tế Mỹ đã bước vào một chu kỳ lành mạnh, với việc năng suất lao động tạo ra đà tăng trưởng vượt xu hướng dài hạn, lạm phát ở mức 2-2,5%, còn tỷ lệ thất nghiệp dao động trong khoảng từ 3,5-4%”, chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas tại RSM nêu quan điểm trong khảo sát của WSJ.

Tuy nhiên, có một số chuyên gia không lạc quan như vậy. Họ cho rằng triển vọng tăng trưởng tốt hơn cho thây tín hiệu về kinh tế mạnh lên, khiến lạm phát khó giảm về ngưỡng mục tiêu 2% mà Fed đưa ra. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo ưa thích của Fed, đứng ở mức 2,8% vào tháng Hai – kỳ báo cáo cập nhật gần nhất. Giới chuyên gia nhận định PCE sẽ về ngưỡng 2,5% vào cuối năm 2024, cao hơn mức dự báo 2,3% được đưa ra hồi tháng Một.

Về cơ bản, giới lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia thuộc diện khảo sát đều tin rằng PCE sẽ giảm xuống 2,1% vào cuối năm 2025 mà không gây ra suy thoái. Tuy nhiên, mức dự báo này có thể sẽ còn được điều chỉnh tăng sau khi xuất hiện thông tin về lạm phát tháng Ba. Một số vẫn tiếp tục lo ngại rằng nỗ lực kiểm soát lạm phát của Fed là nguy cơ lớn đối với nền kinh tế.

“Mối nguy rõ ràng tập trung vào điểm Fed sẽ theo đuổi chính sách diều hâu hơn, nhân tố có thể sẽ kéo lùi dự báo tăng trưởng của chúng tôi”, hai chuyên gia Brett Ryan và Matthew Luzzetti tại ngân hàng Deutche Bank bày tỏ quan điểm trong kỳ khảo sát của WSJ.

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-my-nhieu-kha-nang-tang-truong-vuot-du-bao/330300.html