Kinh tế Mở rộng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030: Thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương mở rộng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 theo 2 giai đoạn. Hầu hết cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là người dân trong vùng mở rộng đô thị Huế rất đồng tình, ủng hộ chủ trương này.

Nhiều công trình xây dựng ở xã Thủy Vân (Hương Thủy) đã và đang xây dựng

Yêu cầu trước mắt và lâu dài

Theo Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục tiêu của việc phát triển đô thị Huế phân theo 2 giai đoạn, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt (mở rộng TP. Huế) và lâu dài (đưa toàn tỉnh trở thành TP. trực thuộc Trung ương).

Giai đoạn 1 (2020-2025): Xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương. Phạm vi nghiên cứu bao gồm khu vực TP. Huế hiện hữu; TX. Hương Thủy (các xã: Thủy Vân, Thủy Bằng); TX. Hương Trà (các phường, xã: Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong) và huyện Phú Vang (các xã, thị trấn: Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh), với quy mô khoảng 267 km2.

Giai đoạn 2 (2025-2030): Trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung TP. Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2, bao gồm TP. Huế mở rộng có quy mô 267 km2 (theo mô hình TP trong TP trực thuộc Trung ương theo Điều 5 của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13) và các TX. Hương Thủy, Hương Trà).

Trong đó, đô thị vùng lõi, bao gồm TP. Huế mở rộng với quy mô 267 km2; tăng cường phát triển các chức năng vốn có của trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, hành chính, văn hóa - lễ hội... của đô thị hiện tại; đồng thời, phát huy các chức năng dịch vụ công cộng, kinh tế tri thức. Ưu tiên phát triển đô thị theo trục Bắc - Nam tại các khu vực được phép xây dựng phù hợp quy hoạch; chỉnh trang đô thị tại các khu dân cư hiện hữu. Đô thị Hương Thủy, Hương Trà là 2 đô thị phụ trợ cho đô thị vùng lõi.

Mong muốn của người dân

Hầu hết người dân, nhất là người dân ở các vùng trong phạm vi quy hoạch mở rộng đô thị Huế theo 2 giai đoạn đều bày tỏ quan điểm đồng tình, nhất trí và mong sớm được lên phường. Trong câu chuyện với người dân, việc từ xã lên phường trong nay mai là một “bước ngoặt”, sự kiện lớn của không chỉ đối với chính quyền địa phương mà còn đối với bản thân họ.

“Ngoài bộ mặt nông thôn mới thay đổi thì chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người có nhiều cơ hội cao hơn so với khi còn là xã... Tuy nhiên, khi lên phường, một số loại phí khác cũng tăng như phí thu gom rác thải, học phí... nhưng mức tăng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân so với rất nhiều tiện ích mà người dân được hưởng thụ. Chỉ mong sao xã sớm lên phường để bộ mặt đô thị ngày càng đẹp lên”, ông Đậu Hải Sơn, xã Thủy Bằng (TX. Hương Thủy) trò chuyện.

Nhiều người dân cho rằng, giao thông nông thôn đang là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay nhiều tuyến đường, thế nhưng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. “Sẽ có nhiều tiêu chí đặt ra khi xã trở thành phường của đô thị Huế mở rộng, nhưng mong nhất là được Nhà nước đầu tư mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường hơn nữa để không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn làm cho bộ mặt địa phương xanh, sạch, đẹp và sáng hơn”, chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, trú tại xã Phú Thượng (Phú Vang) đề xuất.

Thực tế cho thấy, tại các xã: Thủy Bằng (Hương Thủy); Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong (Hương Trà); Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh (Phú Vang) vẫn rất thiếu những thiết chế văn hóa và vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. “Rác thải sinh hoạt hiện đang là vấn đề bức xúc hiện nay ở các địa phương. Do vậy, chúng tôi rất mong sẽ có những khu xử lý rác tập trung khép kín. Để từ xã lên phường, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, để cùng chính quyền địa phương xây dựng xã sớm trở thành phường”, ông Lê Văn Bạch, trú xã Phú Mậu (Phú Vang) trao đổi.

Bài, ảnh: Anh Phong

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/mo-rong-phat-trien-do-thi-hue-den-nam-2030-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-a79389.html