Kinh tế Kinh tế Không đánh bắt hải sản lúc biển động

Cảnh báo ngư dân không nên đánh bắt hải sản ven bờ trong những ngày biển động để tránh nguy cơ mất an toàn, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Thuyền kịp trở về bờ trước lúc biển động

Từ ngày 14/2, tất cả tàu đánh bắt xa bờ và thuyền bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh đã trở về bờ an toàn sau những chuyến biển đầu năm.

Trong khi tất cả tàu, thuyền đều nằm bờ thì nhiều người lo ngại tình trạng ngư dân ven biển có thể tranh thủ làm những nghề khai thác ven bờ trong những ngày biển động như “kéo vét”, “lội buôi”… bủa các loại cá đối, buôi, ong…

Chi phí mua sắm mỗi bộ nghề lưới kéo cá ven bờ khá thấp, chỉ vào khoảng một vài triệu đồng. Cách thức kéo lưới, bủa cá cũng khá đơn giản, chỉ cần hai người có thể bủa được cá. Vào những ngày biển động, các loại cá đối, buôi, ong… thường xuất hiện vùng biển gần bờ. Mỗi chuyến kéo cá, ngư dân vừa có thức ăn hằng ngày và có thể bán tiền triệu do biển động, cá bán được giá.

Tàu về âu thuyền neo đậu an toàn

Các nghề “kéo vét”, “lội buôi”… thường diễn ra vào những ngày biển động nhẹ. Lúc này sóng biển không quá cao nên người dân thường chủ quan khi đánh bắt hải sản ven bờ. Hầu như người dân đều không mặc áo phao, hoặc các thiết bị phòng hộ, cứu sinh trong lúc kéo lưới, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Người dân Phong Hải (Phong Điền) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa khi nhớ lại vụ một ngư dân chết đuối trong lúc “lội buôi” không mặc áo phao cách đây mấy năm. Dù bủa lưới chỉ cách bờ hơn trăm mét nhưng khi gặp đợt sóng to, vùng nước xoáy đã bị cuốn trôi.

Tại các vùng ven biển Phong Điền, hay Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… cũng từng xảy ra một số vụ tai nạn khi bủa lưới, “kéo vét”… ven bờ vào những ngày biển động. Những trường hợp này may mắn được người dân ứng cứu kịp thời, thoát nạn trước “lưỡi hái tử thần”.

Cũng thường vào những ngày biển động nhẹ, một số chủ thuyền vùng bãi ngang tranh thủ đánh bắt hải sản gần bờ. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tính mạng trong lúc đưa thuyền ra biển cũng như quá trình hoạt động trên biển.

Tại các địa phương ven biển như Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc (Phong Điền), Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh (Phú Vang), Thuận An (TP. Huế)… cũng từng xảy ra nhiều vụ chìm thuyền, rất nguy hiểm.

Ngư dân tranh thủ sắp xếp, sửa ngư cụ lúc tàu nằm bờ

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Nguyễn Viết Tưởng thông tin, hoạt động tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hiểm, đe dọa tính mạng trong lúc khai thác hải sản mùa biển động là việc làm thường xuyên đối với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn còn chủ quan, lén lút “kéo vét”, “lội buôi”… lúc biển động. Những ngày biển động, cán bộ địa phương tổ chức tuần tra, giám sát để nhắc nhở, yêu cầu người dân không nên mạo hiểm khai thác hải sản lúc sóng to, gió lớn.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Đặng Văn Hòa cảnh báo, nguy cơ mất an toàn rất cao khi khai thác hải sản trên biển trong lúc biển động, sóng to. Lúc này nghiêm cấm toàn bộ tàu thuyền, ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển. Ngư dân chỉ được đánh bắt khi biển lặng và có lệnh cho phép ra khơi của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Các tàu, thuyền trước khi vươn khơi phải được trang bị đầy đủ các thiết bị áo phao, phao cứu sinh, thông tin liên lạc, máy móc phải đảm bảo an toàn. Khi gặp sự cố phải liên lạc ngay với các đơn vị chức năng gần nhất để được ứng cứu kịp thời.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/khong-danh-bat-hai-san-luc-bien-dong-a123870.html