Kinh tế khó khăn, chợ đìu hiu

Thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu khiến cho nhiều sạp, quầy hàng tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thường xuyên rơi vào cảnh vắng người mua.

Hơn thế nữa, người tiêu dùng ngày càng quen với việc chọn mua thực phẩm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các kênh bán hàng online… Do đó, các quầy, sạp hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh.

Sức mua sụt giảm mạnh

Số liệu thống kê từ Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 chợ đang hoạt động, trong đó có 91 chợ ở nông thôn và 46 chợ ở thành thị. Hiện nay, dù đang trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm, nhưng sức mua sụt giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước.

Trưởng ban Quản lý chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) Hoàng Văn Đức chia sẻ, những tháng vừa qua, trước những tác động của tình hình kinh tế, sức tiêu thụ tại chợ giảm khá mạnh so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều sạp kinh doanh thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm, vắng người mua, nhiều tiểu thương vẫn đang cố gắng cầm cự, duy trì hoạt động trước những khó khăn của thị trường…

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức tiêu thụ, các chợ sẽ cần tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn về chợ văn hóa, chú trọng hoạt động phân loại rác tại nguồn ở chợ, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao, đổi mới cung cách phục vụ, đảm bảo niêm yết giá, lồng ghép các hình thức mua sắm, thanh toán tiện ích, hiện đại…

Ông Phùng Văn Canh, tiểu thương kinh doanh giày dép ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng, nhất là công nhân, người lao động thắt chặt chi tiêu khiến cho sức mua tại nhiều sạp chợ hiện nay rất chậm. Sạp giày dép của tôi, sức mua đã giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách đếm trên đầu ngón tay, giá trị các đơn hàng không lớn. Hơn thế nữa, các sạp hàng ở chợ còn gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các kênh mua sắm online, các điểm kinh doanh tự phát”.

Tương tự, chị Lê Thị Thu Minh, chủ sạp kinh doanh các loại thực phẩm khô ở chợ Biên Hòa cho hay, sức mua tại sạp những tháng cuối năm giảm 50% so với cùng kỳ những năm trước. Các sạp chợ truyền thống chịu sức cạnh tranh rất lớn từ các kênh mua sắm online, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…

Sức mua giảm, tình trạng ế ẩm diễn ra thường xuyên kéo theo số lượng quầy, sạp kinh doanh tại các chợ truyền thống sụt giảm theo.

Theo Ban Quản lý chợ Long Thành (H.Long Thành), trước đây, tổng số điểm kinh doanh tại chợ đạt gần 1,1 ngàn điểm. Tuy nhiên, sau những tác động của đại dịch Covid-19 cùng với tình hình kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm nên số lượng tiểu thương đăng ký bán tại chợ đã giảm khoảng 20%, xuống còn gần 900 điểm kinh doanh trong chợ. Tương tự, tại chợ Long Khánh hiện có 116/526 ki-ốt kinh doanh cố định tại chợ đang ngưng, nghỉ kinh doanh.

Cần thêm các phương án kết nối, hỗ trợ

Trước sức mua thấp, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều tiểu thương mong muốn địa phương có thêm phương án hỗ trợ như: giảm thuế, hoa chi, tiền thuê mặt bằng… Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, giới thiệu, quảng bá chợ truyền thống để thu hút người mua…

Một sạp kinh doanh giày dép tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa)

Chị Nguyễn Thị Minh Huyền, tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Tân Hiệp chia sẻ, chị kinh doanh tại chợ được gần 20 năm, chưa năm nào chị thấy tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn như năm nay, sức mua tại sạp hiện chỉ đạt khoảng 1/3 so với cùng kỳ những năm trước. Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, chị mong muốn có thêm chính sách miễn, giảm thuế để các sạp kinh doanh duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Đặc biệt, nhiều sạp chợ hiện nay ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử, đảm bảo công khai giá rõ ràng, không nói thách… Do đó, rất cần có thêm các kênh truyền thông, giới thiệu về các chợ văn hóa, văn minh, mở rộng các kênh kết nối, tập huấn về bán hàng trực tuyến cho các tiểu thương để góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hình ảnh tươi mới cho các chợ truyền thống đến người tiêu dùng” - chị Minh Huyền bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Bảy, tiểu thương kinh doanh giày dép ở chợ Biên Hòa chia sẻ: “Các sạp hàng giày dép, quần áo hiện ở trên tầng lầu nên người dân cũng ngại lên xem, chọn mua. Đặc biệt, khi các kênh thương mại điện tử phát triển, những tiểu thương lớn tuổi như tôi rất khó tiếp cận các hình thức bán hàng online. Do đó, rất cần có thêm các phương án kết nối, hỗ trợ về quảng bá các sản phẩm cho các chợ truyền thống để người tiêu dùng biết đến chợ nhiều hơn”.

Các chợ truyền thống thường có vị trí đắc địa, là nơi giao nhau giữa nhiều phường, dân cư đông đúc nên rất có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ nếu có sự đầu tư về hạ tầng và tầm nhìn lâu dài, phát triển thêm nhiều hình thức quảng bá, kích cầu nhằm thu hút người tiêu dùng…

Chị Hoài Anh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Là người thường xuyên đi chợ, tôi thấy để chợ truyền thống thu hút người mua thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tiểu thương nâng cao cung cách phục vụ; các mặt hàng, ngành hàng kinh doanh phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bán đúng giá… Đồng thời, trong bối cảnh công nghệ, mạng xã hội phát triển, cơ quan chức năng, địa phương có thể tham khảo, thí điểm tổ chức thêm các hoạt động, mô hình livestream bán hàng tại các chợ tương tự như TP.HCM đã triển khai tại chợ Bến Thành trong thời gian gần đây. Ngoài ra, tại những chợ lớn có truyền thống lâu đời, có thể lồng ghép, kết hợp các tour du lịch, ẩm thực dành cho các bạn trẻ, khách du lịch… vừa giúp quảng bá du lịch địa phương, vừa thu hút khách hàng đến các chợ”.

Tại nhiều cuộc họp với Sở Công thương, các sở, ngành, địa phương liên quan về công tác phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thường xuyên nhấn mạnh vấn đề xây dựng phương án, kế hoạch dài hơi để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ phù hợp; cũng như chấn chỉnh tình trạng chợ hoạt động không hiệu quả, các điểm kinh doanh tự phát… Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần rà soát, quan tâm đến việc phát triển thêm các tiện ích, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/kinh-te-kho-khan-cho-diu-hiu-694543b/