Kinh nghiệm

Kinh nghiệm là gì? Kinh nghiệm có trước hay kiến thức có trước? Người có kiến thức chưa chắc đã có kinh nghiệm? Hay ngược lại, người có kinh nghiệm chưa chắc đã có kiến thức?... Để giải đáp những câu hỏi trên cần tới những cuốn từ điển để tìm câu trả lời thấu tình, đạt lý.

Tranh: ITN.

Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Kinh nghiệm là sự hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải trong cuộc sống. Thí dụ: Ông ấy giàu kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm. Những bài học kinh nghiệm”.

Triết gia danh tiếng Guillaume Guizot (1787 - 1874) đã xác định vị trí ảnh hưởng của kinh nghiệm một cách quá đỗi thực tế và tài tình làm ta hết lòng ngưỡng mộ khi ông để lại cho đời câu danh ngôn: “Kinh nghiệm là một ngọn lửa không sáng rực từ xa, nó chỉ tỏa sáng quanh cái gì nó bao phủ”. Quá hay, quá đúng, vì chỉ có ai cảm nhận được sức nóng của ngọn lửa kinh nghiệm ấy thì người đó mới chịu ảnh hưởng trực tiếp và có kết quả.

Ở các phòng khám bệnh, ai cũng muốn gặp những người thầy thuốc đứng tuổi, đã từng làm việc mấy chục năm ở phòng khám hơn là gặp những người có học hàm, học vị cao nhưng tuổi đời còn trẻ. Vì sao như thế? Vì như một khẩu hiệu vẫn âm thầm lan truyền trong ngành y là: “Mỗi bệnh nhân là một người thầy dạy thêm kinh nghiệm cho người thầy thuốc”, vì thế tuổi nghề trong ngành y là vô cùng quý báu.

Các cụ ta ngày xưa đã dặn dò con cháu: “Thầy già, đào hát trẻ”, nghĩa là phải tìm đến người thầy thuốc già mà xin chữa bệnh, phải tìm đến người thầy giáo già mà xin học thì mới là khôn ngoan, là thông minh, hiểu đời. Còn khi đi nghe hát, nghe ca nhạc thì phải tìm đến các danh ca trẻ, tuổi đời còn tràn trề sức sống mà thưởng thức mới là thạo đời, là biết hưởng thụ cuộc sống.

Triết gia Héron d´Alexandris đã đúc kết lại và đánh giá “kinh nghiệm” rất chuẩn xác như là một định nghĩa, một nhận xét tổng quát như sau: “Kinh ngiệm là nhà giáo dục tuyệt vời nhất trong các nhà giáo dục”. Tại sao gọi “kinh nghiệm” là nhà giáo dục tuyệt vời nhất?

Có tác giả đã cắt nghĩa cụ thể như sau: Trong các trường học, từ cấp phổ thông đến đại học, các nhà giáo dục dạy ta kiến thức tự nhiên và kiến thức xã hội. Nếu ai đã đạt được một khối lượng kiến thức đã quy định và vượt qua được những kỳ sát hạch hay bảo vệ trước một Hội đồng thì được cấp các loại bằng như: Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Kiến thức học được trên ghế nhà trường dừng lại ở đây.

Khi ra trường và bắt đầu làm việc ở các cơ sở nghiên cứu, cơ sở thực hành thì câu chuyện hành nghề lại hoàn toàn khác. Có người học lý thuyết rất giỏi nhưng khi thực hành nghề nghiệp lại rất bình thường và ngược lại.

Tại sao thế? Rất dễ hiểu, vì từ lý thuyết về “tắc nghẽn đường hô hấp” gây ra các loại khó thở thì phải có bệnh nhân cụ thể, gặp hàng ngày, va chạm liên tục mới phân biệt được các mức độ khó thở, thậm chí đến cả vị trí tổn thương gây khó thở cũng được chẩn đoán sơ bộ. Từ những kiến thức sách vở đến những kiến thức thực tế gặp trong cuộc sống bắt buộc phải có các thầy “kinh nghiệm” dạy bảo. Như thế, thầy kinh nghiệm chính là những nhà giáo dục tuyệt vời nhất.

Đến đây ta lại thấy rõ lời dạy của Guizot là xác đáng: Kinh nghiệm là ánh lửa tỏa sáng, làm nóng trực tiếp con người ở gần nó, để có thể chịu nóng, có thể chịu bỏng mà mở mắt ra to hơn, rõ hơn để nhìn đời. Kinh nghiệm không bao giờ là ánh lửa từ xa rọi chiếu đến, vì nó yếu ớt và phi lý đối với người trong cuộc đang thất bại, đang rất cần sự trợ giúp trực tiếp, ngay lập tức.

Triết gia kiêm chính trị gia nổi tiếng người Mỹ, ông Benjamin Flanklin (1706 - 1790) đã đánh giá rất đúng, rất cụ thể, rất dễ hiểu về “Học đường kinh nghiệm” như sau: “Kinh nghiệm là một học đường mà ở đó có những bài học đắt giá, nhưng lại là một học đường độc nhất để dạy bảo cho những kẻ khờ dại”.

Câu này rất hay, vì ở trong các giảng đường đại học người ta cứ dạy theo đúng giáo trình, giáo án đã quy định mà không tiên lượng được sau khi ra trường ai sẽ là người khôn, ai sẽ là người dại, ai sẽ thất bại, ai sẽ là thành công.

Nhưng khi chuyển sang học đường kinh nghiệm thì đối tượng học phải tự lực phấn đấu là chính, bao nhiêu tình huống thực tế xuất hiện mà không có trong các bài giảng lý thuyết. Người có bản lĩnh thì vấp ngã ít, người kém bản lĩnh thì vấp ngã nhiều. Những người đã từng thất bại, đã từng chợt nhận ra là mình khờ dại, mình kém cỏi, mình bị lừa dối, họ sẽ phải chững lại, tự suy xét vấn đề, tự rút kinh nghiệm để có được những bước đi chắc chắn tiếp theo.

Vì thế, cái học đường kinh nghiệm nó quá đỗi thiêng liêng, quá đỗi thân thương vì nó có tác dụng giúp con người có những kỹ năng, những hiểu biết thực tế trong đời sống nhân văn cũng như trong nghề nghiệp của cá nhân từng người. Người thầy thuốc có kinh nghiệm trong trị bệnh cứu người hay chí ít cũng là an ủi động viên người bệnh. Người thầy giáo có kinh nghiệm truyền tải những kiến thức bổ ích và thiết thực nhất cho học sinh. Người lính cứu hỏa có kinh nghiệm cứu nạn nhân bị hỏa hoạn hữu hiệu nhất...

Triết gia Leyssenne còn nhìn kinh nghiệm bằng cặp mắt sắc sảo đến từng chi tiết như sau: “Kinh nghiệm là một vị thầy thuốc chỉ đến sau cơn bệnh”. Chao ôi, cụm từ “chỉ đến sau cơn bệnh” là một cụm từ đáng sợ, vì nó là một sự đã rồi. Có thể khi ông thầy thuốc tới thì bệnh nhân đã chết, hoặc bệnh đã bị nặng thêm, nhưng sự có mặt của người thầy thuốc đó dù đến muộn vẫn có giá trị, vì trường hợp này sẽ giúp rút ra được những kinh nghiệm quý báu để giúp đỡ cho những người bệnh sau đó.

Đến đây, dù chỉ mới dẫn chứng vài tác giả nói về kinh nghiệm, chúng ta cũng thấy nội dung phong phú, đa dạng, đa chiều của cụm từ “kinh nghiệm”.

Những ai đã tốt nghiệp đại học rồi, tốt nghiệp trường dạy nghề rồi hãy luôn coi những kiến thức học được trong nhà trường mới chỉ là có được một số kiến thức nghề nghiệp, chứ chưa dám chắc sẽ thực hành, làm việc có kết quả tốt. Có người thất bại ngay từ những năm đầu đi làm, đâm ra hoảng sợ, tự ti, mất hết năng lượng đáng nhẽ phải có khi mới ra trường.

Có người may mắn hơn, có một số thành công bước đầu, tạm gọi là ổn định, tạm gọi là được cơ quan tín nhiệm. Nhưng câu chuyện lâu dài về kinh nghiệm vẫn cần thiết phải bàn bạc tiếp, vì nó là việc cần nâng lên hạ xuống, lật đi lật lại may ra mới hiểu chút ít về cụm từ “kinh nghiệm”.

Kinh nghiệm là một vị thầy thuốc chỉ đến sau cơn bệnh.

Triết gia Leyssenne

Học giả người Tây Ban Nha, ông Alemany (1547 - 1613) đã xác định một cách vững chắc giá trị lớn lao do kinh nghiệm đem lại khi ông khẳng định trong một mệnh đề triết học để đời cho loài người: “Kinh nghiệm là điểm bắt đầu của sự khôn ngoan”.

Thật quá tuyệt vời công thức này, nó giúp cho người lãnh đạo công ty sắp xếp nhân sự khi chọn những người già dặn nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất để giải quyết những vấn đề hóc búa cần sự khôn ngoan nhất, tỉnh táo nhất để tránh thiệt hại cho công ty.

Khi gặp một người thầy thuốc đứng tuổi, một người điều dưỡng có thâm niên hàng chục năm, người bệnh vẫn yên tâm hơn, chịu hợp tác hơn, vì họ tin vào sự khôn ngoan nghề nghiệp mà những cán bộ y tế đó đã từng trải qua những thành công, những thất bại nên họ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn, họ sẽ thận trọng hơn, không hấp tấp, không nóng vội, bồng bột như những người cán bộ chuyên môn ít kinh nghiệm khi tuổi đời còn ít, tuổi nghề còn non.

Khi đi du lịch nước ngoài, ta nên đi cùng với những người đã có kinh nghiệm đi nước ngoài nhiều lần, họ sẽ có những ứng xử khôn ngoan khi gặp khó khăn ở nước ngoài. Đi cùng với họ sẽ tránh được những điều đáng tiếc hoặc không đáng có xảy ra.

Đến đây ta cần hiểu rõ: “Thầy kinh nghiệm” có lấy học phí cao không? Liệu ta có chịu nổi để theo học không? May sao, triết gia danh tiếng Thomas Carlyle (1795 - 1881) đã giải đáp câu hỏi này hộ chúng ta: “Kinh nghiệm là một ông thầy tốt nhất trong những ông thầy, chỉ có điều đáng nói là học phí sẽ phải trả là quá nặng”. Quá nặng là bao nhiêu thời gian, bao nhiêu sức lực, bao nhiêu cố gắng, nỗ lực của con người? Thôi thì tùy vào hoàn cảnh của từng người mà liệu.

Phần trên của bài viết đã dẫn chứng một cách kinh điển về cụm từ “kinh nghiệm”, có thể đã làm hơi căng thẳng, hơi nản lòng người đọc. Trên thực tế, kinh nghiệm sống cũng như học văn hóa, học nghề, học âm nhạc, học vẽ..., cứ từ từ, cứ kiên trì rồi cũng sẽ đạt được điều mình mong muốn.

Đông phương cổ học Tinh hoa đã dạy: “Kinh nhất sự, trướng nhất trí” (tạm dịch: Trải qua một công việc, ta thêm được một phần trí khôn). Thành ra, ở đời, nếu được giao công việc gì ta cứ mạnh dạn nhận lấy với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chắc chắn sẽ tiến bộ.

Ông bà ta lại đã dạy rằng: “Học thầy không tày học bạn”, hiểu nôm na là: Thầy ta đã dạy ta kiến thức về văn hóa, nghề nghiệp và đạo đức để làm người trưởng thành.

Còn suốt cả đời ta phải tiếp tục học hỏi ở những người bạn, ở những người sống quanh ta.

Ta học người bạn đời để trở thành con người chung thủy, mẫu mực, biết cách nuôi dạy con cái và hiếu thuận với cha mẹ, ông bà.

Ta học người bạn đồng ngũ, đồng nghiệp để trở thành con người biết yêu quê hương đất nước, yêu nghề nghiệp mình đang làm. Nhờ thế mà ta có được kinh nghiệm sống, đó chính là người bạn đồng hành với ta cho đến suốt cuộc đời.

TRẦN HỮU THĂNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kinh-nghiem-10266723.html