Kinh nghiệm áp dụng Học thông qua Chơi của một người bố giúp con phát triển toàn diện

Hơn một năm nay, việc học của con gái anh Lương trở nên nhẹ nhàng, mối quan hệ gia đình cũng gắn kết hơn nhờ áp dụng hiệu quả Học thông qua Chơi.

Khi con gái Nguyễn Quỳnh Nga (sinh năm 2014) bắt đầu vào tiểu học, sau giờ học ở trường, anh Nguyễn Văn Lương (43 tuổi) ở Vị Xuyên, Hà Giang luôn khuyến khích con tận dụng thời gian cho việc học để nắm chắc kiến thức trên lớp.

Con anh có thành tích học tập tốt, nhưng càng lúc, người bố này nhận thấy "cán cân" học tập, vui chơi của đứa trẻ chưa có sự cân bằng. Dường như, có một phần tuổi thơ của con đã bị khuyết đi qua những vòng lặp đến trường - học - về nhà - học rồi lại đến trường như thế.

Tình cờ sau đó, qua cuộc họp phụ huynh, anh Lương có dịp được biết đến Học thông qua Chơi - một hướng tiếp cận giáo dục khoa học, đã được nghiên cứu và triển khai bởi tổ chức VVOB tại Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Anh cũng được cùng các cha mẹ học sinh khác tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Ông bố hai con nhận ra mình có thể lồng ghép để lúc con chơi cũng là lúc con học. Dù không cần ngồi bàn học suốt ngày, con vẫn có thể tiếp thu kiến thức, đồng thời phát triển thêm nhiều kỹ năng, trau dồi trí tuệ và cảm xúc.

Con học nhẹ nhàng hơn vì không áp lực

Anh Lương tìm hiểu thêm thông tin trên mạng để nắm rõ 5 yếu tố của Học thông qua Chơi: Vui vẻ, Tương tác xã hội, Tham gia tích cực, Có ý nghĩa, Có nhiều thử nghiệm. Một tháng sau, anh bắt đầu áp dụng bộ tài liệu hướng dẫn vào việc tương tác hàng ngày với con gái út. Đồng thời anh cũng điều chỉnh các hoạt động giáo dục đa dạng hơn sao cho phù hợp với điều kiện của mình.

Cuối tuần, anh thường cùng con chăm sóc cây, làm vườn. Theo anh, đây chính là những bài học Tự nhiên xã hội thiết thực, trực quan và sinh động nhất. Qua quá trình tự mày mò, hỏi đáp, con biết về hành trình lớn lên của một cái cây, hệ sinh thái đa dạng trong lòng đất, yêu thêm không gian sống xung quanh mình. Có khi, hai bố con say mê khám phá quả địa cầu để học về địa lý hay chơi nối từ để phát triển vốn từ vựng.

Ngoài ra, anh Lương thường tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn để thiết kế trò chơi cho con. Hoạt động học - chơi càng thú vị hơn khi bé Quỳnh Nga được đóng vai giáo viên để hướng dẫn bố những kiến thức mà mình được học trên lớp. Nhận thức xã hội và tự nhiên của bé vì thế khá tốt, cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Về phía anh Lương, càng thực hành cùng con anh càng nhận thấy lợi ích của việc lồng ghép chơi vào việc học. Khoảng thời gian tương tác với bố mẹ cũng giúp con giải tỏa áp lực, dễ dàng mở lòng hơn. Anh Lương cho biết, điều này càng có ý nghĩa khi mà bây giờ nhiều trẻ nhỏ bị tivi, iPad, điện thoại... thu hút, sự gắn kết gia đình giảm sút.

Thời gian dành cho con không nhiều nhưng phải chất lượng

Theo ông bố này, việc áp dụng Học thông qua Chơi đơn giản và không tốn quá nhiều thời gian. Nếu bận rộn, cha mẹ chỉ cần dành cho con 15-30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, anh Lương lưu ý, phải khéo léo lồng ghép kiến thức một cách tự nhiên.

Anh bật mí, bố mẹ hãy xem mình như một người bạn học của con. Thời gian cho con cũng nên là một khoảng thời gian chất lượng, không bị xao nhãng bởi công việc hay các thiết bị điện tử. Hơn nữa, bố mẹ cũng nên tìm hiểu sở thích, tôn trọng mong muốn của con để xây dựng một "kịch bản" phù hợp của riêng con mình.

Trong quá trình tương tác, anh Lương cũng khuyến khích con vận dụng nhiều kỹ năng khác nhau để trả lời câu hỏi mà con đang tìm hiểu và đưa ra các giả thuyết, tiếp tục đặt câu hỏi tiếp theo. Cách học này giúp con tìm ra nhiều phương án giải quyết cho một vấn đề, từ đó hình thành và phát triển tư duy phản biện, lập luận khoa học và hơn hết là sự kiên nhẫn.

"Với tôi, bộ tài liệu hướng dẫn Học thông qua Chơi dành cho bố mẹ đã giúp quá trình tương tác với con không còn mơ hồ, dễ dàng và hiệu quả hơn", anh Lương nói.

Anh Lương cho biết, ở trường Tiểu học Đạo Đức, nơi con gái anh đang theo học, việc áp dụng Học thông qua Chơi được thực hiện bài bản. Nhà trường cũng khuyến khích các ông bố bà mẹ xây dựng cho con một môi trường học tập giàu trải nghiệm từ những chất liệu trong đời sống.

"Từ ngày áp dụng Học thông qua Chơi, mỗi ngày con đều háo hức đến lớp, chiều về hăm hở khoe những điều mới mẻ. Con kể lớp học được trang trí đẹp hơn, các cô tổ chức nhiều hoạt động trong giờ học, con được vận động và thảo luận nhiều nên học một cách chủ động, hăng say. Khi chúng ta cần học tập suốt đời thì làm thế nào để duy trì được động lực học tập lâu dài là điều quan trọng. Và tôi nghĩ Học thông qua Chơi đã đạt được mục đích đó", ông bố hai con bày tỏ.

Với hiệu quả mà Học thông qua Chơi mang lại, anh Lương mong rằng chương trình sẽ phát triển và lan tỏa rộng khắp bằng cách tổ chức thêm nhiều hoạt động giao lưu, trải nghiệm để tiếp cận được nhiều bố mẹ hơn.

Dự án "iPLAY" của Tổ chức VVOB và Bộ GD-ĐT tại Việt Nam đã không chỉ tập trung vào việc cải thiện tiết học tại lớp, mà còn tổ chức các sự kiện Học thông qua Chơi cho cha mẹ học sinh ở nhiều trường tiểu học ở TP.HCM và các tỉnh thành khác. Phụ huynh được hướng dẫn tham gia các hoạt động học thông qua chơi tại nhà, giúp con phát triển toàn diện.

Từ cuối năm 2019 đến nay, dự án đã thành công tiếp cận 60.551 giáo viên và 365.711 cha mẹ học sinh ở 8 tỉnh thành, bao gồm Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và TP.HCM.

Lan Hương

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/kinh-nghiem-ap-dung-hoc-thong-qua-choi-cua-mot-nguoi-bo-giup-con-phat-trien-toan-dien-20231016121036521.htm