Kinh ngạc buồng tập lái máy bay Su-22M4 Việt Nam chế tạo

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã tự nghiên cứu, chế tạo thành công buồng tập lái máy bay Su-22M4 giúp tiết kiệm đáng kể chi phí huấn luyện phi công.

Máy bay tiêm kích bom Su-22M4 là một trong những chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam suốt từ đầu những năm 1980 tới tận hôm nay. Và trong tương lai gần (ít nhất 10 năm nữa) thì Su-22M4 vẫn sẽ hoạt động tích cực trong KQND Việt Nam. Thế nên yêu cầu đào tạo phi công điều khiển Su-22M4 vẫn là cấp thiết với nước ta.

Tuy nhiên, việc đào tạo phi công điều khiển Su-22M4 đặt ra vấn đề chi phí xăng dầu, vật tư khí tài rất lớn trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Mà do được chế tạo từ những năm 1970, cũng như nước chế tạo (Nga) nay đã không còn dùng Su-22M4 thế nên thiếu vắng các thiết bị tập lái cho phi công ngay dưới mặt đất, hay gọi đơn giản là hệ thống lái mô phỏng.

Chính vì thế, Quân chủng Phòng không – Không quân đã chủ động chỉ đạo các đơn vị kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo thành công buồng tập lái máy bay Su-22M4. Thiết bị được gọi là BT-22M4 để huấn luyện bay cho phi công Su-22M4 trong điều kiện khí tượng giản đơn, phức tạp và bay theo đồng hồ trong toàn bộ phạm vi tốc độ và độ cao cho phép của máy bay Su-22M4, kể cả các bài bay biên đội và ứng dụng chiến đấu. Buồng tập lái BT-22M4 còn có thể dùng để huấn luyện sĩ quan dẫn đường, các thành phần kỹ thuật trên máy bay Su-22M4.

Ảnh: Mô hình buồng tập lái Su-22M4 trưng bày tại Bảo tàng Phòng không – Không quân.

Buồng tập lái BT-22M4 là một hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin mô phỏng quá trình điều khiển máy bay, mô phỏng động học máy bay, động cơ và các hệ thống khác, mô phỏng các đồng hồ, các bảng đèn tín hiệu và các cơ cấu điều khiển trong buồng lái, mô phỏng tiếng ồn và không gian ba chiều.

Buồng tập máy bay Su-22M4 còn mô phỏng chuyển động của máy bay số 1 (để tập bay biên đội), chuyển động của máy bay địch, hệ thống radar, hệ thống vũ khí và chuyển động của các loại tên lửa (để tập bay ứng dụng chiến đấu).

Buồng lập lái BT-22M4 có các tính năng chiến - kỹ thuật như sau: Cất hạ cánh với hình ảnh không gian ba chiều trong thời gian thực; bay đơn, bay biên đội, cất cánh biên đội và bay theo địa hình; bay theo đồng hồ và bay theo hành trình với các thiết bị vô tuyến dẫn đường; bay có sử dụng tổ hợp ngắm bắn dẫn đường RLPK-54 và hệ thống tự động lái CAY-22M2; Xử lý các tình huống bất trắc trên không.

Buồng tập lái BT-22M4 đem lại hiệu quả cao về giá sử dụng trong công tác huấn luyện bay tại các đơn vị, tiết kiệm xăng dầu, vật tư, khí tài; giá thành sản xuất nhỏ hơn hàng chục lần so với thiết bị nhập ngoại; chủ động hoàn toàn trong quá trình khai thác sử dụng. Ảnh: Mô hình hệ thống điều khiển buồng tập BT-22M4.

Hoàng Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/kinh-ngac-buong-tap-lai-may-bay-su-22m4-viet-nam-che-tao-658712.html